Năm 1998, đội tuyển Italia tới Pháp dự World Cup dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Cesare Maldini. Trong thành phần của đoàn quân áo thiên thanh, hậu vệ Paolo Maldini được chọn làm đội trưởng. Mà Paolo Maldini là gì với ông thầy có cùng họ? Đây chính là hai cha con ruột.
Mặc dù vậy, ông Cesare chẳng hề lo lắng bị mang tiếng là ưu ái cho cậu con trai của mình. Đơn giản bởi Paolo khi ấy đã là trụ cột của đội tuyển quốc gia, được đánh giá là một trong những hậu vệ ưu tú nhất thế giới và đang ở đỉnh cao phong độ. Những đóng góp của cha con nhà Maldini năm ấy đã giúp Italia lọt vào tứ kết, khi họ để thua đầy tiếc nuối trước chủ nhà Pháp sau loạt sút luân lưu may rủi.
Maldini (phải) đã chơi tốt tại World Cup 1998
Tới World Cup 2006, thành phần của đội tuyển Croatia tranh tài ở Đức có cái tên Niko Kranjcar. Ngay lập tức, dư luận quan tâm đến đội tuyển này tìm hiểu, liệu anh chàng tiền vệ điển trai có lối chơi hào hoa này có quan hệ gì với ông huấn luyện viên trưởng Zlatko Kranjcar. Câu trả lời đến rất nhanh chóng: Niko là cậu ấm của ông Zlatko.
Cũng đã có ý kiến xì xào rằng khi đó, Niko còn quá trẻ (22 tuổi), trong đội hình Croatia không thiếu tiền vệ tài hoa như cầu thủ này mà họ cần một người có cách chơi cơ bắp hơn. Bỏ ngoài tai tất cả, ông Zlatko vẫn đặt niềm tin vào Niko. Kết quả: Croatia bị loại ngay sau vòng bảng, dù họ (và Niko nói riêng) đã chơi không đến nỗi nào.
Kranjcar (phải) trong trận đấu với Brazil tại World Cup 2006. GETTY
Đến World Cup 2010, huấn luyện viên đội tuyển Mỹ Bob Bradley không chỉ đau đầu về công tác chuẩn bị cho đội nhà tranh tài tại Nam Phi mà còn phải giải quyết vấn đề gây không ít “lời ong, tiếng ve”: Vì sao luôn gọi và để cậu con trai Michael Bradley đá chính? “Sự cạnh tranh công bằng” là điều đã được nhắc tới và ông Bob phải giải thích “mệt nghỉ” để chứng minh rằng, Michael xứng đáng được đá chính vì tài năng thực sự chứ không phải do là “con bố Bob”.
Thực tế sân cỏ cũng đã chứng minh, Michael đã chơi không tệ tại World Cup 2010. Cầu thủ này đã chơi trọn vẹn 4 trận đấu của đội tuyển Mỹ, ghi 1 bàn thắng và trở thành phương án phòng ngự từ xa khá vững vàng. Với đóng góp của Michael, Mỹ đã vượt qua vòng đấu bảng và ông Bob cũng không còn bị mang tiếng là lấy suất cho cậu con trai.
Bradley ăn mừng bàn thắng tại World Cup 2010
Cũng tại World Cup 2010, huấn luyện viên đội tuyển Hà Lan là ông Bert van Marwijk luôn nhận được câu hỏi về việc ông triệu tập tiền vệ Mark van Bommel lên tuyển. Van Bommel tại Hà Lan chưa bao giờ được đánh giá cao bởi lối chơi cứng rắn đến mức cố huyền thoại Johan Cruyff từng gọi lối đá của cầu thủ này là “thô tục”.
Nhưng Marwijk tại World Cup 2010 muốn xây dựng một đội tuyển Hà Lan xù xì, lấy hiệu quả lên trên hết và không ngại đá xấu khi cần thiết. Chính vì thế, Van Bommel trở thành sự lựa chọn hợp lý. Và sẽ còn “hợp lý” hơn nữa nếu các cổ động viên biết rằng, tiền vệ này chính là con rể của ông Marwijk.
Van Bommel (phải) tranh bóng với Xavi trong trận chung kết World Cup 2010
Năm 2001, Van Bommel cưới Andra, con gái của ông Marwijk. Câu chuyện tưởng chừng chỉ liên quan đến cuộc sống này hoá ra lại có khá nhiều tác động đến lĩnh vực bóng đá. Van Bommel dù vẫn đá rắn, nhưng không còn bốc đồng mà trở nên bản lĩnh, điềm tĩnh hơn. Chính điều đó đã giúp anh trở thành thủ quân của PSV Eindhoven và sau đó thậm chí còn trở thành đội trưởng Bayern Munich, điều vô cùng đặc biệt dựa trên sự đối chọi của hai nền bóng đá Hà Lan và Đức.
Tại World Cup 2010, Van Bommel thực tế đã chơi rất hiệu quả. Anh cùng Nigel de Jong tạo thành cặp tiền vệ trung tâm vững chãi, giúp Hà Lan giành ngôi á quân. Nhưng tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Năm 2012, sau khi Hà Lan không vượt qua được vòng bảng EURO 2012, ông Van Marwijk mất việc và con rể Van Bommel cũng mất chỗ trên tuyển ngay tức khắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.