Keisuke Honda: Thoát nghèo nhờ những trận đòn rỉ máu của bà nội

Chủ nhật, ngày 24/06/2018 19:40 PM (GMT+7)
Ở lần tham dự World Cup thứ 3 trong sự nghiệp, Keisuke Honda vẫn chứng minh được giá trị với đội tuyển Nhật Bản. Anh là người có quả phạt góc chuẩn xác cho Yuya Osako đánh đầu tung lưới Colombia, mang về trọn vẹn 3 điểm ở ngày ra quân. Để có được ngày hôm nay, Honda đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Tất cả bắt đầu từ cuốn video đen trắng ghi hình Pele thi đấu.
Bình luận 0

CUỐN BĂNG ĐEN TRẮNG VÀ THỨ BÓNG ĐÁ CỦA PELE

Tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về một cuốn băng, một quá bóng và một sứ mệnh cuộc đời. Bởi tôi đang bước vào một kì World Cup khác và ở cuối sườn dốc bên kia của sự nghiệp, lý do tại sao tôi ở đây, định mệnh của tôi, càng ngày càng rõ ràng với tôi. Vậy hãy cùng tôi quay ngược thời gian, bởi câu chuyện bắt đầu từ khoảng thời gian rất, rất lâu rồi.

Khi tôi mới lên 6, bố tôi đã mang về nhà một cuốn băng video. Đó là một thứ giá trị. Lớn lên ở Osaka đầu những năm 90, gia đình thôi không có nhiều thứ đồ xa xỉ. Nhưng chúng tôi có một đầu VCR và một chiếc TV cũ. Lúc ấy tôi đang ngồi trong phòng khách, ngoan ngoãn làm bài tập về nhà và bố bước vào với nụ cười trên môi.

img

Ông nói, “Keisuke à, đến đây và ngồi xuống nào. Bố muốn cho con xem cái này”.

“Cái gì thế ạ?”, Tôi tò mò.

“Pele”.

Tôi vẫn nhớ như in cái tiếng zing-zap phát ra từ TV khi bạn bật nó lên. Rồi có một luông sáng chạy qua màn hình, sau đó hình ảnh sẽ hiện lên. Lúc đầu, tôi chẳng hiểu mình đang xem cái gì. Đó là những cảnh quay đen – trắng. Thật sự khó để phân biệt ai với ai hay chính xác cái quái gì đang xảy ra.

Và rồi tôi được nhìn thấy ông ấy.

Pele bước ra từ góc phải của màn hình, với quả bóng trong chân và rê bóng nhanh hơn bất cứ ai tôi từng thấy.

Ông ấy đang chơi thứ bóng đá của riêng mình.

“Làm thế nào ông ấy có thể làm được như vậy hả bố?”, tôi không giấu nổi sự hiếu kỳ.

“Ông ấy không chỉ chơi bóng vì nó vui, con trai à”, bố tôi đáp. “Ông ấy chơi bóng bởi biết rằng nếu thành công, ông sẽ có thể tồn tại và cả chăm sóc gia đình mình nữa”.

Bố tôi biết điều ấy bởi ông đã đọc những câu chuyện về Pele. Tôi cũng bắt đầu mò mẫm tìm hiểu về Pele và thực sự rất ngạc nhiên. Chúng tôi không nghèo như ông ấy đã từng, nhưng chúng tôi cũng không giàu có gì cho cam. Tôi bắt đầu nhìn bóng đá theo một cách khác. Với tôi, bóng đá còn nhiều hơn cả một trò chơi mà đã trở thành một lối thoát.

Tôi cũng bắt đầu nhìn các cầu thủ bóng đá theo một cách không giống trước nữa. Khi bố tôi tháo cuốn băng ra, tôi rời khỏi phòng khách và tự lập nên một lời hứa với bản thân mình – dù có điều gì chắn trước con đường của mình, tôi cũng phải làm hết sức để có thể trở thành một cầu thủ tuyệt vời và được chơi bóng ở World Cup.

Và không chỉ có thế… Tôi muốn giành lấy nó.

NGƯỜI ANH HÙNG THỜI THƠ ẤU

Khi tôi đang học tiểu học, bố mẹ tôi li dị và tôi phải chuyển tới sống cùng ông bà nội. Bố tôi luôn kể cho tôi nghe về những câu chuyện thời thơ ấu của ông, và về mẹ của ông – bà nội tôi.

Ảnh hưởng của bà với lớn dần khi tôi ngày càng trưởng thành. Bà quả thực là một anh hùng với tôi. Dù vậy, việc chuyển đến ở với bà ban đầu rất khó khăn với tôi. Bạn phải hiểu rằng cuộc sống ở Nhật Bản rất khác. Cách mà thế hệ đi trước tiếp cận với những vấn đề, từ đạo đức tới tài chính, cực kì khó để giải thích cho những ai chưa từng trải nghiệm cuộc sống ấy.

Một câu chuyện mà bố tôi hay kể là khi ông sống ở Osaka những năm 60. Ông đã sống với ông bà và chị gái trong một căn hộ rộng chỉ hơn 9 mét vuông. Đó thực tế chỉ là một căn phòng nhỏ với vài cái kệ và một bồn rửa. Có rất ít không gian khi tất cả họ cần ngủ, cũng là khoảng thời gian duy nhất tất cả cùng có mặt trong căn hộ. Họ phải gác chân lên khoảng trống bé tẹo nối với ban công và gần như không được bảo vệ khỏi những yếu tố bên ngoài.

Bà nội tôi và gia đình bà biết để có thể sinh tồn trong cảnh nghèo là rất khó nên tất cả cần làm tối đa khả năng của mình để làm được nhiều việc nhất có thể vào ngày hôm sau để mang tiền về nhà. Bà mạnh mẽ bởi bà phải thế.

Cách nhìn của bà nội tôi với cuộc sống gia đình mình đang có kiểu như, “OK, chúng ta không giàu và sẽ không bao giờ giàu. Đây là cuộc sống. Chúng ta sẽ có những mục tiêu khiêm tốn và không phàn nàn gì cả”.

Nhưng tôi không tán thành quan điểm đó.

Tôi có thể tranh cãi với bà nội. Chúng tôi có thể cãi nhau về rất nhiều việc, ví như muộn học hay không giúp đỡ công việc nhà. Khi tôi 8 hay 9 tuổi gì đó, bà nghe được câu chuyện từ các giáo viên của tôi, nói về việc tôi ở ngoài quá lâu trong giờ giải lao để đá bóng. Các giáo viên ra ngoài và bắt tôi lại nhưng tôi sẽ giữ quả bóng trong chân rồi cố gắng rê qua họ lâu nhất có thể, đến khi họ túm cổ tôi bằng cách nắm lấy cái áo khoác.

Bà tôi không thích điều đó.

Tôi biết điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng tôi chẳng đếm được bao nhiêu lần những lúc đầu mình chảy máu sau khi bị bà phạt. Đó chỉ là một cách sống khác. Những vấn đề về giá trị, mục tiêu và cách biểu đạt ở Nhật Bản không thể nào có thể đưa vào nền văn hóa khác. Tôi không nhất thiết phải đồng tình với cách bà đối xử với minh nhưng tôi yêu bà nội với tất cả trái tim mình. Những đứa bạn của tôi cũng vậy. Bà thực sự là một huyền thoại trong khu tôi sống.

Bạn có thể nói những gì mình thích về cách bà phạt tôi nhưng bà đã dạy tôi cách chịu đựng, phải biết kiên trì và tinh thần sắt đá.

Và tôi cần đức tính nhẫn nại ấy. Bởi tôi có những mục tiêu thế này khi còn là một thằng nhóc: Tôi muốn vô địch Wold Cup với Nhật Bản, tôi muốn chơi bóng tại San Siro cho AC Milan và muốn hỗ trợ gia đình mình.

THẤT BẠI ĐẦU ĐỜI VÀ NHỮNG BÀI HỌC

Sau trung học, tôi đã kí hợp đồng với CLB chơi ở giải vô địch quốc gia Nhật Bản, Nagoya Grampus. Đó là một giao kèo 3 năm và ở năm cuối, tôi có nguyện vọng được chơi bóng ở châu Âu. HLV của tôi thời điểm ấy, Sef Vergoossen giới thiệu tôi với CLB tại Hà Lan, VVV Venlo. Ông ấy đã dẫn dắt họ 10 năm trong khoảng thời gian thập niên 80 và nói với tôi về việc đó là một CLB tuyệt vời ra sao và Venlo là một thành phố đáng sống thế nào. Và ông ấy nói với tôi, nếu tôi chơi bóng ở đó, tôi có thể vươn tới những tầm cao hơn. Ông ấy hứa sẽ giúp tôi được thử việc chứ không phải một hợp đồng. Nhưng đó là tất cả những gì tôi cần nghe. Ngay lập tức, tôi thu dọn hành lý và ra đi.

Khi ấy tôi 22 tuổi và cảm thấy như mình đang ở trên đỉnh thế giới. “Đây là khởi đầu của giấc mơ đời mình”, tôi nghĩ thầm. Tôi gia nhập VVV vào tháng 1 và chơi cho họ giai đoạn lượt về của mùa bóng. Nhưng có những điều xảy đến không nằm trong hoạch địch sự nghiệp của tôi.

Chúng tôi phải xuống chơi ở giải hạng Nhì. Tôi đã thất bại.

Nhưng thất bại chẳng phải điều gì đó mới mẻ với tôi. Tôi đã bị loại khỏi học viện đào tạo chuyên nghiệp của Gamba Osaka. Nhiều người có lẽ đã từ bỏ. Tất cả mọi người xung quanh đều khuyên tôi nên từ bỏ. Nhưng với tôi, đó là một cơ hội để chứng minh cả thế giới đã sai. Sẽ thật dễ dàng để tránh khỏi thất bại khi bạn không tự thử thách bản thân. Tất cả những thất bại gợi cho tôi về việc mình phải tự thúc đẩy bản thân và còn đó những thử thách thú vị phía trước.

Thất bại ở VVV đã dạy tôi một bài học vô giá. Để thành công, tôi cần thay đổi cách chơi của mình. Tôi không thể chỉ là một người chăm chăm chuyền bóng như mình đã từng. Tôi cần phải trở thành một cây săn bàn. Tôi cần quả bóng.

Không chỉ phong cách chơi bóng của tôi được thay đổi ở châu Âu. Cả quan điểm của tôi về cuộc sống nữa. Thăm thú hơn 50 nước đã mở mang tầm mắt của tôi với thế giới. Tôi được quen với nhiều đồng đội nhờ sân bóng. Và khi chúng tôi thân hơn, tôi nhận ra rằng rất nhiều người trong số họ cũng lớn lên trong nghèo đói, từ châu Âu tới châu Phi.

Nhưng cái nghèo họ trải qua còn khốn khổ hơn tôi rất nhiều. Tôi biết được rằng nhiều cầu thủ phải gửi phần lớn thu nhập của họ về cho gia đình.

Tôi không thể tin vào sự quên mình, bỏ qua mọi ích kỉ của họ. Điều ấy khiến tôi bực bội khi họ buộc phải làm thế. Thật sự khó khăn cho tôi để tưởng tượng gia đình của họ đã phải trải qua cuộc sống vất vả thế nào. Sự nghiệp của tôi đã thăng tiến dần từ Hà Lan sang Nga rồi Italia, và giờ thậm chí là nơi tôi đang ở hiện tại, Mexico. Nhưng tôi không bao giờ quên được những đồng đội của mình ở VVV.

LÝ TƯỞNG CAO ĐẸP

Những kí ức ấy là khởi nguồn cho dự án đầu tiên quỹ tôi: Quỹ Yume, một phát kiến toàn cầu để dạy cho người ta biết về tầm quan trọng của việc có một ước mơ. Quỹ này cũng mang đến học bổng cho những học sinh theo nghiệp thể thao có hoàn cảnh éo le.

Điều quan trọng là phải có một ước mơ bởi nó dạy bạn làm sao để đặt ra mục tiêu, kiên trì vượt qua thất bại và làm việc thật chăm chỉ. Những bài học rút ra từ bóng đá có thể áp dụng với cuộc sống thực tế. Chúng tôi giờ đã có 18 cơ sở bóng đá ở những quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Uganda, Campuchia và cả Mỹ nữa.

Quỹ Yume về sau phát triển thành chương trình thể thao Solito & Surf Cup. Chúng tôi có hơn 70 chương trình và 15 nghìn trẻ em trên toàn thế giới, từ những măng non đến cả cầu thủ chuyên nghiệp trẻ, và những triết lý mà tôi đúc kết được qua nhiều năm là những gì mà các chương trình tập trung giảng dạy. Tôi đặc biệt tự hào bởi đội bóng đá chuyên nghiệp của chúng tôi ở Campuchia (CLB Soltilo Angkor FC) và Uganda (Bright Stars FC) bởi những đội ấy đã chắp cánh ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp cho các cậu bé và cho chúng cơ hội hiện thực hóa giấc mơ ấy.

Mối quan tâm trong việc mang đến cơ hội cho những cầu thủ bóng đá có bất lợi về mặt kinh tế cũng biến tôi trở thành một nhà đầu tư phúc hậu. Điều này cho phép tôi được hỗ trợ cho những ý tưởng lớn, những dự án khởi nghiệp và hi vọng điều ấy sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tôi cũng tin rằng có một cơ hội tuyệt vời để kết nối Nhật Bản với thế giới thông qua những phát kiến. Qua những nỗ lực khác nhau, tôi có thể giải quyết vấn đề mà nhiều người trên thế giới phải vật lộn: Sự nghèo khổ.

Tôi biết việc này nghe như một nhiệm vụ hào nhoáng và… bất khả thi. Nhưng hơn tất cả, tôi muốn góp sức trong việc chấm dứt cái nghèo trên thế giới.

Đó là lý do phần lớn thời gian không phải chơi bóng, tôi thường chu du khắp thế giới, gặp gỡ các nhà hoạt động địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các lãnh đạo trên thế giới và trẻ em ở những nước đang phát triển. Tôi muốn hiểu mọi khía cạnh để có thể vẽ nên một bức tranh tổng thể. Tôi vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề nghèo đói nhưng tôi tin rằng gốc rễ của nó là ở giáo dục.

Mỗi lần khoác lên mình chiếc áo ĐTQG Nhật Bản, tôi lại nhớ đến lời hứa mình đã từng lập nên – giành chức vô địch World Cup. Tôi đã và sẽ cống hiến tất cả. Tôi phải hoàn thành mục tiêu ấy.

Đây là kì World Cup thứ 3 của tôi và cũng có thể là lần cuối cùng nên tôi muốn tận hưởng việc chơi bóng với những người bạn của mình, những người luôn đặt mục tiêu tối thượng là đem lại kết quả tốt nhất cho tập thể. Tôi đang ngày càng gần với điểm cuối của sự nghiệp và hiểu rằng giải đấu này tồn tại còn hơn cả ý nghĩa của một ngày hội bóng đá.

Đó là cơ hội để đưa tất cả trở nên gần nhau hơn, xem những trận đấu tuyệt vời nhất và cũng là cơ hội để bản thân vươn lên một tầm cao mới. Chặng đường với nhiều cầu thủ còn dài và không dễ dàng. Và tất cả những người trong gia đình họ cũng đã trải qua những thử thách.

Điều ấy đáng được ghi nhận, luôn luôn là như thế. Môn thể thao này, chúng tôi chơi vì yêu thích nó. Nó có thể mang lại rất nhiều điều. Mọi đứa trẻ đều xứng đáng có cơ hội được tới đây và chơi bóng ở đây
Anh Tú (VNBĐ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem