Điểm mặt các cổ phiếu “trà đá” trên sàn chứng khoán

Quốc Hải Thứ ba, ngày 14/02/2017 16:32 PM (GMT+7)
Với đặc trưng giá giao dịch thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách, không ít cổ phiếu “trà đá” đang trở thành xu thế đầu tư hấp dẫn của những nhà đầu tư cơ bản, tìm kiếm cơ hội tại các doanh nghiệp “sa cơ lỡ vận” nhằm đón đầu khả năng hồi phục, dù cơ hội khá mong manh...
Bình luận 0

img

Những cổ phiếu lên “voi” xuống... “trà đá”

Từng một thời “làm mưa làm gió” trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HAR (Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền - HOSE) thời điểm lên sàn vào đầu năm 2013 có lúc lên tới gần 40.000 đồng/CP. Thế nhưng, tình hình kinh doanh mảng bất động sản sau đó gặp khó khăn khiến HAR giảm giá không phanh về vùng dưới thị giá.

Hiện tại, giá cổ phiếu HAR trên thị trường chỉ còn 2.910 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với gia trị sổ sách (10.500 đồng/CP).

Tương tự, mã cổ phiếu VNH (Công ty Cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật) cũng từng “lên đỉnh” hơn 23.000 đồng/CP thời điểm mới chào sàn năm 2010 nhưng thời thế thay đổi bởi kết quả kinh doanh nhiều năm liên thua lỗ, thị giá VNH hiện chỉ còn được giao dịch ở mức giá 1.410 đồng/CP. Chưa kể, cổ phiếu này gần như nắm chắc “án” hủy niêm yết do kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục và đã được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cảnh báo đến nhà đầu tư.

Trên HOSE, nhiều mã cổ phiếu khác như: TNT, DTA, TSC, VNA, KSH... hiện đang được giao dịch ở dưới mức giá 3.000 đồng/CP, dù thời điểm lên sàn đều có giá khá cao.

Không chỉ trên HOSE, nhiều cổ phiếu khác hiện đang giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng có thị giá... “không mua nổi ly trà đá” như: KHB, KSK, ASA, KSQ, IDJ, PVV...

Chẳng hạn, cổ phiếu ACM (CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường) thời điểm chào sàn vào tháng 7.2015 có giá gần 10.000 đồng/CP nhưng chỉ một tháng sau đó, ACM chỉ còn giao động quanh vùng giá 3.000 – 4.000 đồng/CP. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu này được giao dịch ở mức giá 1.900 đồng/CP.

Tương tự, cổ phiếu PVV (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC) thời điểm chào sàn vào tháng 9.2010 có giá lên tới 39.900 đồng/CP nhưng thời điểm hiện tại chỉ còn được giao dịch ở mức giá 1.100 đồng/CP. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4.2016 của doanh nghiệp này, lợi nhuận toàn quý bị âm tới 31,57 tỷ đồng và lợi nhuận lũy kế cả năm chỉ đạt 0,91 tỷ đồng.

Cơ hội cho “nhà đầu tư mạo hiểm”

Thực tế, thời gian qua cổ phiếu thị giá thấp tạo sự hấp dẫn với nhà đầu tư thích mạo hiểm bởi những biến động giá lên đến hàng chục phần trăm trong thời gian ngắn, điều mà những cổ phiếu lớn không mấy khi có được. Theo ông Nguyễn Hoài Trung, nhân viên phòng phân tích thị trường một công ty chứng khoán tại TP.HCM nhận định, hiện một số cổ phiếu có thị giá thấp trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đang có tín hiệu tăng trở lại mặc dù kết quả kinh doanh quý 4.2016 của những mã này không mấy khả quan nhưng với một chút dự đoán về khả năng hồi phục của doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng giảm cùng sự mạo hiểm đang khiến dòng tiền chảy vào nhóm các cổ phiếu này, dù tỷ lệ không lớn.

“Trước đây, khi chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp hủy niêm yết phải đăng ký giao dịch trên UPCoM thì nhà đầu tư nhiều khi sẽ mất trắng khoản đầu tư khi doanh nghiệp không trụ lại sàn. Tuy nhiên, hiện nay sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro về thanh khoản nên dòng tiền vẫn đang âm thầm chảy vào nhóm cổ phiếu trà đá này”, ông Trung nói.

Không chỉ có nhóm cổ phiếu “trà đá”, một vài mã cổ phiếu giảm giá không phanh thời gian qua cũng là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư “bắt đáy”.

Chẳng hạn, mã cổ phiếu CDO (Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị), sau chuỗi giảm sàn liên tiếp “chưa từng có trong lịch sử ngành chứng khoán”, từ mức giá 37.200 đồng/CP ngày 30.11.2016 về mức 3.090 đồng/CP ngày 23.01.2017. Sau đó, từ 24.1.2017 đến nay, CDO đã liên tiếp có 11 phiên tăng trần. Hiện thị giá CDO giao dịch ở mức 6.440 đồng/CP.

Hoặc, mã cổ phiếu KAC (Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An) cũng gây chú ý khi có tới 20 phiên tăng trần, trong đó có 17 phiên tăng trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu KAC từ mức dưới 4.000 đồng/CP lên mức trên 17.000 đồng/CP. Hiện KAC được giao dịch ở mức giá 15.500 đồng/CP.

Một loạt các cổ phiếu khác như LHG, HAG, HNG... cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư tiếc nuối vì bỏ lỡ cơ hội “bắt đáy” khi thị giá các mã này nhiều phiên gần đây đồng loạt tăng trần, mang về giá trị tăng vài chục phần trăm chỉ trong vài phiên giao dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem