Điểm mấu chốt vụ thu giữ 20 viên kim cương của tiệm vàng Thảo Lực

Thứ bảy, ngày 27/10/2018 09:13 AM (GMT+7)
Cơ quan chức năng chứng minh ông Lực khai gian, đồng thời 20 viên kim cương là tài sản bất hợp pháp mà có thì mới đủ căn cứ tịch thu.
Bình luận 0

Có giao dịch mua bán kim cương hay không?

Ngày 26/10/2018, liên quan tới vụ việc Công an TP. Cần Thơ tịch thu 20 viên kim cương mà ông Lê Hồng Lực - chủ tiệm vàng Thảo Lực (P. An Hòa, Q. Ninh Kiều) khai là của hồi môn, luật sư Trần Bá Hưng cho biết: "Để đủ căn cứ tịch thu thì cơ quan chức năng cần phải chứng minh được số tài sản này là bất hợp pháp".

Theo ông Hưng, việc chứng minh này là trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng chứ không phải là của người dân, chủ doanh nghiệp. "Trong quy định đã nêu rất rõ điều này, người dân không có nghĩa vụ phải chứng minh tài sản mình chiếm hữu. Chính vì thế, để có đủ căn cứ tịch thu thì cơ quan chức năng phải đưa ra đầy đủ bằng chứng, căn cứ pháp luật để tiến hành xử phạt và tịch thu" - ông Hưng nói.

Ông Hưng nhận định, nếu chỉ dựa vào việc 20 viên kim cương không có giấy tờ mua bán, chưa rõ nguồn gốc xuất sứ thì chưa đủ căn cứ chứng minh đây là tài sản vi phạm pháp luật mà có.

Vị luật sư này cho biết điểm mấu chốt trong vụ việc là, cơ quan chức năng phải chứng minh được 20 viên kim cương này có biểu hiện bày bán ngoài cửa tiệm, trong lịch sử buôn bán của tiệm vàng từng giao dịch kim cương đá quý nhưng đi cùng với đó là phải bắt được quả tang cửa hàng đang giao dịch kim cương, đá quý trực tiếp với khách chứ không phải là ngoại tệ. Bởi hiện nay luật vẫn chưa quy định rõ ràng kim cương, đá quý là ngoại tệ.

img

Khách hàng đến tiệm vàng Thảo Lực giảm đáng kể sau khi vụ việc thu đổi ngoại tệ với ông Nguyễn Cà Rê bị phát hiện.

Ngoài ra, trong quyết định xử phạt ông Lê Hồng Lực, cơ quan chức năng TP. Cần Thơ cũng ghi một khoản phạt 70 triệu đồng vì hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.

"Từ đó có thể thấy rằng cơ quan chức năng nhận định 20 viên kim cương này đang được bày bán, giao dịch. Trong khi đó, ông Lực lại khai đây là của hồi môn, cất trong hộc tủ, là tài sản riêng của gia đình. Cần phải xem lại các chi tiết khi khám xét nhà của ông Lực, số tài sản này được phát hiện ở đâu, sổ sách của công ty do ông Lực làm chủ có ghi số tài sản này không?" - luật sư Hưng cho biết.

Giả thiết chủ tiệm vàng khai gian...

Có ý kiến dư luận cho rằng, ông Lê Hồng Lực có thể khai gian dối rằng 20 viên kim cương là của hồi môn của vợ chồng để đối phó với cơ quan chức năng. Trước vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Bách thẳng thắn: "Nếu ông Lực không chứng minh được đây là của hồi môn thì cơ quan chức năng vẫn phải chứng minh số tài sản này của ông Lực vi phạm pháp luật mà có thì mới đủ căn cứ để tịch thu.

Sau khi tạm giữ, cơ quan chức năng phải phát đi thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tìm chủ nhân số tài sản. Trong thời gian nhất định mà không ai đến nhận thì cơ quan chức năng phải trả lại số tài sản này cho ông Lực".

Trong luật dân sự 2015 đã đưa ra khái niệm về chiếm hữu ngay tình. Theo đó, chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu, bao gồm hai loại: chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình.

"Về nguyên tắc, tài sản là động sản thì người chiếm hữu không phải đăng ký trước cơ quan quản lý. Quyền chiếm hữu được xác định dựa trên ủy quyền giữa 2 bên, cho tặng, phát hiện và thu giữ tài sản vô chủ ở trên mặt đất, không bị chôn lấp, vui đắm....  " - luật sư Bách cho hay.

Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - vợ ông Lê Hồng Lực khẳng định, 20 viên kim cương và gần 20.000 viên đá quý mà cơ quan chức năng thu giữ không  liên quan gì đến vụ đổi 100 USD cho ông Nguyễn Cà Rê nên gia đình bà muốn cơ quan chức năng trả lại cho mình.

Vân Tùng (Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem