Điều dễ thấy ở phim nhà nước là việc duy trì cách làm phim truyền thống với mô tuýp, tuyến nhân vật quen thuộc. Điều này khiến cho các bộ phim do các hãng phim nhà nước sản xuất xa rời với thị hiếu của công chúng.
Năm 2014, báo chí và truyền thông đã "tốn" không ít giấy mực nói về bộ phim Sống cùng lịch sử. Bộ phim được đầu tư 21 tỷ đồng nhưng vẫn không thể kéo khán giả đến rạp.
Nhà biên kịch, cũng là người viết phê bình phim Châu Quang Phước từng chia sẻ với báo Công an Nhân dân: "Sống cùng lịch sử" là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ khác bi hài của giới làm phim nước ta. Nó là "giọt nước tràn ly" cho một sự thật có phần phũ phàng của nhiều bộ phim được Nhà nước đầu tư tiền bạc nhưng lại "đắp chiếu", "ế chỏng ế chơ". Nó là vấn đề cơ chế, "khi mà tính mục đích về cơ bản đã đạt được ngay khi dự án được ký duyệt ngân sách, với một cá nhân/đơn vị nào đó."
Mặc dù có nội dung hay, tình tiết hấp dẫn nhưng phim "Sống cùng lịch sử" không thể kéo khán giả tới rạp.
Ngoài ra việc thiếu một chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các bộ phim do các hãng phim nhà nước sản xuất không đến được với người xem.
Đạo diễn Đào Bá Sơn, từng có ý kiến trên báo Nhân Dân: "Ðiều gì sẽ xảy ra khi Nhà nước không đặt hàng, không tài trợ cho các tác phẩm điện ảnh để phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa và lịch sử? Ðiều gì sẽ xảy ra trong trường hợp ở Việt Nam khi thước đo giá trị một bộ phim được tính bằng doanh thu và số lượng vé bán ra?
Tôi chợt nhớ đến các phim có doanh thu "khủng" như Tám Tàng về làng, Tư Ếch lên Sài Gòn, Hello Cô Ba, Nhà có năm nàng tiên, rồi gần đây là Ðể Mai tính, Quả tim máu... Chúng ta thật sự vui mừng khi khán giả đến rạp xem phim Việt đông át cả phim Mỹ hay Hàn Quốc.
Chúng ta cảm ơn các nhà làm phim nhưng chúng ta cũng sẽ rất buồn nếu như những dòng phim chiến tranh như Ðừng đốt, Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy... không có khách. Hay những phim lịch sử văn hóa như Ðêm hội Long Trì, Long Thành cầm giả ca, Trăng nơi đáy giếng... vắng khách xem bởi một phần do công tác tiếp thị, quảng cáo và kế hoạch phát hành chưa được tốt."
Số phận chung của các bộ phim nhà nước được đầu tư hàng chục tỷ đồng là phải ngừng chiếu ở rạp sau một thời gian ngắn vì thất bại về doanh thu.
Khác với sự "ế ẩm" của phim nhà nước, các bộ phim do tư nhân sản xuất lại thu hút được đông đảo khán giả chú ý dù là phim chiếu rạp hay chỉ là chia sẻ trên mạng xã hội. Mặc dù những bộ phim này không có thông điệp rõ ràng, chú trọng yếu tố giải trí là chính.
Các bộ phim tư nhân đa phần chạy theo thị hiếu hoặc “ăn theo” các sự kiện văn hóa, xã hội trong và ngoài nước. Điều dễ nhận thấy ở các bộ phim tư nhân là các cảnh quay nhạy cảm, nóng bỏng và khêu gợi của diễn viên. Cùng với những chiến dịch quảng cáo rầm rộ kích thích trí tò mò của công chúng nên các thể loại phim này lại được công chúng quan tâm, theo dõi.
Phim sitcom "Căn hộ số 69" là chủ đề gây chú ý trong năm qua. Không mất nhiều kinh phí đầu tư nhưng sau gần 1 tháng ra mắt trên mạng xã hội YouTube, bộ phim sit-com này đã thu hút rất nhiều khán giả với gần 3,3 triệu lượt người xem. Bộ phim gắn mác 18+ tạo nên cơn sốt với những bình luận trái chiều của dư luận. Các yếu tố tình dục gây sốc trở thành "điểm đen" của bộ phim này bên cạnh yếu tố hài hước.
Tuy có lượng view khổng lồ song chính những "điểm đen" của "Căn hộ số 69" đã khiến số phận của bộ phim này vô cùng ngắn ngủi. Ngày 4.9, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã quyết định xử phạt nhà sản xuất bộ phim "Căn hộ số 69" Nguyễn Thành Nam (nghệ danh Nam Cito) 10 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất đối với hành vi "Chiếu phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng" được quy định tại khoản 3 điều 6 của nghị định 158/ NĐ-CP. Bộ phim thông báo ngừng sản xuất vĩnh viễn.
Các bộ phim chiếu rạp gây sốt trong năm qua qua như Scandal 2 – Hào quang trở lại, Mất xác, Hương ga… đều có những cảnh quay nóng bỏng, khêu gợi như điểm nhấn tạo sự thu hút khán giả.
Việc lạm dụng yếu tố sex, tình tiết hài nhảm nhí cùng với các chiến lược quảng cáo rầm rộ đã giúp cho phim tư nhân dù “không có nội dung” vẫn hút khán giả đến rạp. Tuy nhiên đây không phải là cách làm hay và có thể kéo dài.
Chia sẻ về thực trạng này, nhà báo Tô Hoàng trả lời Một thế giới cho biết, việc đổ xô làm phim theo trào lưu hài nhảm, mua vui rẻ tiền hiện nay là do suy nghĩ “ăn đong” của không ít đơn vị. Thấy các phim cùng đề tài này của nước ngoài “ăn nên làm ra” tại rạp chiếu trong nước nên “vác tiền làm theo” mặc cho nội dung và hình thức sản phẩm của mình thì hời hợt, thiếu chất.
Cũng theo thông tin đăng trên Một thế giới, Đạo diễn Trần Trọng Dần- Giám đốc Hãng phim CoCo Paris: "NSX tư nhân cần xem lại bản thân, đừng mãi đổ lỗi “không dám sáng tạo nghệ thuật” vì sợ khâu kiểm duyệt sẽ “cắt đi những đoạn hấp dẫn nhất”, làm tác phẩm “biến dạng”; bởi thực tế nếu những cảnh “sốc, sex” đó được giữ nguyên thì phim có thật sự hay hơn, hay đó chỉ là những màn nhằm câu khách, lấp liếm cho một sản phẩm có nội dung lẫn tay nghề yếu kém.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.