Phim “Sống cùng lịch sử”: “Cú vấp” của đạo diễn Thanh Vân

Nhóm P.V (tổng hợp) Thứ năm, ngày 25/09/2014 07:05 AM (GMT+7)
Sau những bài viết đăng tải trên báo NTNN các số từ 226- 229/2014 về bộ phim “Sống cùng lịch sử”, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi từ Hãng Phim truyện Việt Nam (đơn vị sản xuất bộ phim) cũng như khán giả. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải một số ý kiến. 
Bình luận 0

Đạo diễn Nguyễn Đức Việt -Hãng phim truyện VN: Quá nhiều cái khó

Tôi khẳng định chắc chắn là đạo diễn nào cũng muốn tác phẩm của mình có nhiều người xem nhưng không phải tác phẩm nào cũng đến được với người xem bởi rất nhiều nguyên nhân. Hệ thống phát hành phim đến nay thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của những người làm phim chúng tôi, phim làm ra nhưng không có rạp nhận chiếu, bởi để chen chân vào rạp đâu có dễ, nhất là khi phần lớn cụm rạp chiếu hiện đại đều do tư nhân kiểm soát.

Phim “Sống cùng lịch sử” có nhiều cái khó, cụ thể là phim lịch sử đặt hàng của Nhà nước mục đích tuyên tuyền vào những ngày lễ lớn nên cần nhất là hoàn thành đúng hạn. Thời gian khoảng 8 đến 10 tháng là quá ngắn khi đạo diễn có tiền để làm phim, “Sống cùng lịch sử” có thời gian khá gấp gáp, Hãng đã phải chạy đua với thời gian để hoàn thành phim này.

Một phim lịch sử phải có tiền để triển khai từ 20 tháng trở lên. Đề tài lịch sử rất khó làm hấp dẫn bởi tính trung thực của một số nhân vật, sự kiện... của lịch sử, nếu “mô đi phê” nhiều quá thì sẽ thiếu thuyết phục. Tóm lại là một bộ phim như vậy có quá nhiều cái khó.

Đạo diễn, NSƯT Vương Đức- Giám đốc Hãng phim Truyện VN: Chúng tôi đang sửa sai

Với tư cách là Giám đốc Hãng phim kiêm Giám đốc sản xuất phim, tôi phải thừa nhận đây là một cú vấp ngã của đạo diễn NSND Thanh Vân- Phó Giám đốc Hãng phim của chúng tôi. Thanh Vân là một đạo diễn có tài nhưng anh có nhiều cái ẩu trĩ, trong phát hành, trong phát ngôn với báo chí để xảy ra một câu chuyện lớn như thế này, làm ảnh hưởng cả ngành điện ảnh.



Đạo diễn, NSƯT Vương Đức

Tới đây, “Sống cùng lịch sử” sẽ được chiếu rộng rãi, tôi mong lúc đó sẽ có nhiều người xem để đưa ra một tiếng nói công tâm về chất lượng của phim, còn hiện nay, phim chủ yếu bị phán xét rất nặng nề của những người chưa hề xem phim. Điều đó là không công bằng”.
 
Đạo diễn Thanh Vân đã nhận lỗi trước Hãng rồi, chúng tôi cũng yêu cầu anh phải đi sửa sai, những phát ngôn nào khiến công chúng hiểu nhầm cũng phải đi giải trình lại.

Với tư cách một đồng nghiệp, tôi đã khuyên Thanh Vân: Sau cú vấp ngã này anh phải đứng lên, để tiếp tục sửa sai, để lo cho “đứa con” của mình, vì anh đã sinh ra nó thì phải đưa được nó đến với khán giả. Mấy buổi chiếu vừa rồi Thanh Vân đã dùng uy tín cá nhân của anh, đến nói khó với các rạp để chiếu, đó là một việc làm rất ấu trĩ, anh ấy đâu có hiểu rằng trong thời buổi hiện nay, phát hành một bộ phim đâu có đơn giản như thế.

Đạo diễn đã không xây dựng một kế hoạch phát hành bài bản để báo cáo lên Cục Điện ảnh là đơn vị chủ sở hữu nắm bản quyền phim, còn tôi, với tư cách Giám đốc Hãng thì trong thời điểm đó đang đi làm phim xa, tôi nhận trách nhiệm là đã thiếu sâu sát với việc này. Đó là cái lỗi chung của Hãng chúng tôi.

Tuy nhiên chúng tôi sẽ sửa sai, sẽ có kế hoạch bài bản để đưa phim đến được với đông đảo khán giả. “Sống cùng lịch sử” đến nay đã có gần 3 triệu lượt xem khi chiếu miễn phí cho khán giả ở 10 tỉnh thành với 700 điểm chiếu khác nhau. Cần phải hiểu đây là phim do Nhà nước đặt hàng để tuyên truyền nên nó không có nhiệm vụ phải đem ra chiếu kinh doanh để thu hồi vốn.

Bà Đinh Thanh Hương -Tổng Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân: Không nên nhìn vào doanh thu

Chê thì quá dễ, nhìn ra những mặt tích cực để mà đi lên mới khó. Một bộ phim được đầu tư vì mục đích tuyên truyền hay nghệ thuật thì không nên đánh giá nó thành hay bại từ góc độ thương mại. Ví dụ phim “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên, “Bi ơi đừng sợ” của Phan Đăng Di đoạt giải ở những liên hoan phim đẳng cấp thế giới nhưng về Việt Nam, ra rạp thì doanh thu của cả 2 phim sau mấy tuần công chiếu không bằng doanh thu 1 ngày chiếu Tết của “Quả tim máu”. Đấy là một sự thật chua xót, nhưng nó cũng nói lên một điều là không nên nhìn vào doanh thu mà vội chê trách một bộ phim.

Khán giả Tuệ Anh (Hà Nội): Nên đi xem để nhận xét công tâm

Phim “Sống cùng lịch sử” xoay quanh nhóm 3 bạn trẻ đi phượt qua những địa danh năm xưa của chiến dịch Điện Biên Phủ. Quá khứ và hiện tại xen kẽ lẫn nhau. Cách sử dụng thủ pháp đồng hiện-những người ở hiện tại được sống lại cùng quá khứ, cũng đem lại một cảm giác mới lạ với phim Việt. 

Tuy nhiên bộ phim vẫn để lại một vài lấn cấn thường thấy của các nhà làm phim Việt. Những yếu điểm thường thấy nhất trong việc thể hiện “cảnh nóng” lại tiếp tục thể hiện trong phim này ngay từ đoạn mở đầu phim. Trường đoạn kéo dài đến khoảng 10 phút diễn với cảnh Nga (nữ diễn viên chính) khỏa thân trong nhà tắm, Tùng (nam diễn viên chính) đứng ngoài ngắm rồi hai người hôn nhau đắm đuối qua... cửa kính.

Cảnh diễn khiên cưỡng, không nghệ thuật, thiếu cảm xúc và bản thân người xem cũng không hiểu ý đồ thực của đạo diễn. Một vài cảnh quay khác, có lẽ, vì quá bám sát theo những câu chuyện có thực, hành động có thực một cách máy móc như đo khoảng cách dịch chuyển của các khẩu pháo sau mỗi lần hô trong các phim tư liệu rồi diễn tả lại y hệt cũng không nhận được sự đồng cảm của khán giả.

Thời lượng phim thì có hạn mà cuộc chiến thì quá lớn, vì thế các nhà làm phim đã quá tham lam khi đưa vào đây nhiều hình tượng mà bỏ qua việc xây dựng tính cách nhân vật khiến đôi lúc người xem phim có cảm giác nghe kể chuyện nhiều hơn là cảm nhận. Nói một cách công bằng thì bộ phim không phải là xuất sắc, chưa vượt qua được cái áo chật của phim tuyên truyền, nhưng so với nhiều phim tuyên truyền trước đó thì đây không phải là một phim dở. Tôi nghĩ khán giả nên xem bộ phim này để đưa ra nhận xét của mình sẽ hợp lý hơn, hãy cho “Sống cùng lịch sử” thêm nhiều cơ hội. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem