Chất lượng phim Việt không dậm chân tại chỗ
Trong những ngày qua, điện ảnh Việt chứng kiến sự ra mắt của ba bộ phim có chủ đề hoàn toàn thoát khỏi công thức phim chiếu rạp thông thường: chủ đề về gia đình và những vấn đề xã hội: Dạ cổ hoài lang của Nguyễn Quang Dũng, Lô tô của Huỳnh Tuấn Anh, hay mới nhất là tác phẩm Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng. Mặc dù có nhiều khuyết điểm, nhưng với đề tài nghiêm túc, có đầu tư về mặt kịch bản để tạo cảm xúc cho khán giả, điện ảnh Việt đang thực sự tạo được thiện cảm nhất định. Khi mà, những năm qua, gần như những phim Việt ra rạp chỉ có một công thức duy nhất: hài nhảm và những chủ đề nhạy cảm về giới tính.
Poster phim Cha cõng con. Ảnh: TLNT
Cũng cần biết rằng, tháng 4, tháng 5 không phải là thời điểm tốt để ra rạp cho những bộ phim Việt Nam, vì đây cũng là thời điểm, Hollywood bắt đầu tung ra các sản phẩm bom tấn của mình, như phim Lô tô ra mắt cùng thời điểm với bom tấn Ghost in the shell có sự tham gia của cô đào Scarlett Johansson. Nhưng các nhà phát hành phim Việt Nam vẫn chấp nhận thử thách công chiếu những bộ phim Việt Nam, điều đó cho thấy, mật độ phim Việt Nam đã thực sự đảm bảo để liên tục có phim mới nên điện ảnh Việt không còn cần chờ đến “thời điểm vàng” để ra mắt phim nữa.
Sự đa dạng trong thể loại, số lượng phim không nhỏ, luôn luôn có đủ lượng phim để chiếu gối đầu nhau trong các hệ thống rạp toàn quốc, đã chứng tỏ điện ảnh Việt Nam đang thực sự ở trong thời kỳ phát triển. Khi đó, với số lượng, khán giả trẻ làm quen hơn với điện ảnh Việt, làm quen hơn với thói quen ra rạp để thưởng thức điện ảnh Việt, mang lại cảm giác thuần Việt hơn là chỉ “bom tấn Hollywood”. Chưa bàn đến chất lượng vội, vì để giúp cho một nền điện ảnh vững mạnh, số lượng luôn là điều kiện tiên quyết để kích cầu thị trường, khi đó, các đạo diễn, những đơn vị sản xuất mới đủ mạnh dạn, và tiềm lực để đầu tư hơn cho chất lượng của phim ảnh Việt.
Bom tấn nối tiếp bom tấn
Tất nhiên, dù số lượng phim Việt không nhỏ, nhưng thói quen đi xem rạp của người Việt chưa thực sự đáng kể. Điều đó, khiến các nhà phát hành phải dựa vào những nguồn thu đến từ các bộ phim bom tấn Mỹ, vốn luôn luôn được khán giả chú ý hơn và thích thú hơn. Năm 2017 có thể gọi là năm của những phần phim tiếp theo. Khi hầu như không có phim bom tấn có kịch bản gốc, mà tất cả đều là phần sau, phần kế tiếp của những loạt phim đình đám trước đó. Điển hình là sự trở lại của những tay “vua tốc độ” trong loạt phim Fast & Furious sẽ ra mắt toàn quốc vào ngày 14.4.
Poster phim Fast & Furious. Ảnh: TLNT
Sự “toả sáng” về mặt doanh thu tại thị trường Việt Nam của phim Kong: Skull Island đã mang đến tín hiệu rất khả quan cho doanh thu phòng vé năm 2017 của các nhà phát hành. Khán giả đã quen với việc bỏ tiền ra rạp xem phim, đã sẵn sàng đặt điện ảnh nằm trong “thực đơn” giải trí của gia đình. Điều đó không chỉ giúp ích cho việc, các nhà sản xuất sẽ mang được nhiều phim về chiếu hơn, sẽ mạnh dạn đầu tư sang những bộ phim có tính hàn lâm hơn, và đặc biệt, những nhà phát hành kiêm sản xuất phim như BHD, hay Galaxy sẽ có điều kiện để đầu tư cho những bộ phim do chính họ đứng ra đầu tư.
Sự hợp tác này cần thiết để cùng dẫn nhau đưa điện ảnh Việt Nam phát triển của các bên như nhà phát hành, nhà sản xuất và đặc biệt là khán giả. Khi tầm nhìn của những người làm phim, và tầm nhìn của khán giả đều cùng nhìn về một hướng. Nâng cao chất lượng sản phẩm, và cam kết sẽ dùng sản phẩm thì kết quả tích cực sẽ đến, đó là sản phẩm sẽ có chất lượng ngày càng tốt.
Khi mà điện ảnh của chúng ta còn ở cách rất xa điện ảnh của các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, thì sự ủng hộ của khán giả và cái tâm của người làm nghề rất cần phải “gặp nhau”. Nên dù cho điện ảnh thị trường vẫn tràn ngập phim bom tấn, và phim Việt mang yếu tố câu khách, thì hình ảnh người người kéo nhau xếp hàng trước cửa rạp, vẫn đáng mừng cho một thị trường điện ảnh còn quá non trẻ, và gặp quá nhiều vấn đề như điện ảnh Việt hiện nay.
Nguyễn Tuấn (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.