"Điện ảnh Việt Nam không cần mới lạ kiểu vợ cả dạy vợ ba cách quyến rũ chồng"

Thanh Hà Thứ ba, ngày 26/11/2019 07:26 AM (GMT+7)
Đó là phát biểu mạnh mẽ của nhà lý luận phê bình Tô Hoàng tại Hội thảo Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế diễn ra sáng 25/11 tại thành phố Vũng Tàu.
Bình luận 0

Nằm trong khuôn khổ của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI, Hội thảo Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế đã được diễn ra tại thành phố Vũng Tàu. Đây được cho là hội thảo quan trọng, đúng với sự quan tâm, trăn trở của các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý cũng như của những người làm nghề. Chính vì vậy mà hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà lý luận phê bình, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên và lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh tham dự.

img

Thứ trưởng VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: “Công nghiệp văn hóa nói chung cũng như công nghiệp điện ảnh nói riêng là những ngành công nghiệp đặc biệt, bởi nó không chỉ mang lại lợi nhuận như những ngành công nghiệp bình thường khác, mà quan trọng hơn, nó còn là tiếng nói của tâm hồn, là văn hóa dân tộc và là hình ảnh của quốc gia trong lòng người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Trong những năm gần đây, việc đầu tư sản xuất, sáng tạo những tác phẩm phim Việt đã thể hiện sự chuyên nghiệp, văn minh của đội ngũ làm điện ảnh trong cả nước.

Chỉ 3 năm trở lại đây, số lượng phim Việt Nam sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp, mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu rạp (doanh thu phim Việt hơn 700 tỷ đồng trong tổng số hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu phim chiếu rạp)”.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, nhà lý luận phê bình Tô Hoàng cho biết, những thế hệ người làm phim đầu tiên như nghệ sỹ Trần Vũ, Hải Ninh, Huy Thành, Phạm Kỳ Nam… là những người đã tạo nên bản sắc dân tộc. “Những gì gọi là “bản sắc dân tộc" thực sự đã hòa quyện, đã trở thành máu thịt, đã là điều gì tự thân phải thế trong cảm xúc, trong suy nghĩ, trong lý giải nghệ thuật của thế hệ nghệ sỹ đầu tiên ấy.

Những bộ phim Ngã ba Đồng Lộc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Đời cát và Người đàn bà mộng du của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh… đã khiến điện ảnh thế giới hiểu biết hơn về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Hay để thế giới hiểu hơn về những người nông dân Việt Nam hai sương một nắng nay vẫn còn nghèo, còn cơ cực trong cơ chế thị trường, điện ảnh Việt Nam có Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh, Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Theo nhà lý luận phê bình Tô Hoàng, “bản sắc dân tộc” trong phim ảnh không chỉ là phương tiện biểu đạt. Nó cần được đào xới, khai thông, tìm tới những góc nhìn, sự cảm nhận, đánh giá khái quát hơn, hoàn chỉnh và sâu sắc hơn.

img

Nhà lý luận phê bình Tô Hoàng

“Chục năm trở lại đây chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim của một thế hệ làm phim mới, hướng tới việc làm cho những gì lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam hiện trên màn ảnh. Những con vịt, chú lợn, chú bò… rất thân thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam xuất hiện trong nhiều bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Những gương mặt xinh, hiện đại, trẻ trung, hồn nhiên của những cô gái Việt Nam trong thập niên này được khắc họa khá thành công trong những bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh. 

Các nhà quay phim K'Linh, Lý Thái Dũng, Nguyễn Nam đã miêu tả bằng ống kính sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị Việt Nam trong những khuôn hình, những góc máy vừa kết hợp được sự hiện đại với chất thơ, chất dung dị, mộc mạc của riêng Việt Nam. 

Đặc biệt đáng kể tới là nỗ lực đầy tâm huyết và sự táo bạo thể nghiệm của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong một loạt phim giúp người xem nhớ lại những giá trị văn hóa lâu đời của nước ta như Tấm Cám - chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang, Hai Phượng”, nhà lý luận phê bình Tô Hoàng nói.

Tuy nhiên, theo nhà lý luận phê bình Tô Hoàng, cái mới, cái lạ của quê hương đất nước Việt Nam trong những phim đó vẫn dừng ở mức các mặt hàng để tìm khách hàng mới. “Cha mẹ đẻ của những bộ phim này vẫn còn là những người đi buôn nghèo vốn, gắng gỏi vét rương hòm ra những đồng tiền ít ỏi để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị  trường phim ảnh thế giới.

Chả lẽ cái mới, cái lạ để hấp dẫn người xem với thế giới về Việt Nam chỉ là những băng đảng chém giết nhau máu khô, máu tươi, máu thật, máu giả nhuộm đỏ màn ảnh. Là cái mới, cái lạ được thể hiện ở cảnh vợ lớn mách vợ bé cách làm tình để đức ông chồng được thỏa mãn?

Là những thông điệp cho người xem năm châu bốn biển rằng, vì tình mẫu tử, một người mẹ Việt Nam đã phô diễn mọi ngón võ trừng trị đối thủ từ trên ghe thuyền miền Tây qua các ngõ ngách Sài Gòn đến trong các toa xe lửa của con tàu đang lăn bánh?”, nhà lý luận phê bình Tô Hoàng nhấn mạnh.

img

Một cảnh trong phim "Vợ ba"

Nhà lý luận phê bình Tô Hoàng, thẳng thắn chỉ ra, hàng chục năm nay, điện ảnh Việt Nam chỉ biết làm vui, gây cười, kích động tò mò của khán giả mà quên rằng phim ảnh vẫn phải mang trách nhiệm là chứng nhân của lịch sử; màn ảnh còn phải là tấm gương biểu dương những phẩm giá anh hùng, những chuẩn mực lương tri và lương tâm để những lớp người trẻ noi theo. Và dù lấy lượng vé bán được, tức nhu cầu thưởng thức của người xem làm thước đo, nhưng điện ảnh vẫn còn có nghĩa vụ dắt dẫn, nâng cao trình độ thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức của người xem.

Tham luận của nhà phê bình Đoàn Tuấn - Phó Ban Lý luận Phê bình, Hội Điện ảnh Việt Nam thì chỉ rõ điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế chỉ có một con đường, đó là làm phim về vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam. Trong thời đại toàn cầu hóa, xu hướng chung là xóa nhòa ranh giới, xóa nhòa bản sắc. Vì vậy, bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng cần thiết để khẳng định mình và đóng góp vào bức tranh sinh động và giàu có về văn hóa của các dân tộc.

img

Phim "Song lang", 1 trong 16 phim tham gia tranh giải hạng mục phim truyện điện ảnh

Đồng quan điểm với nhà lý luận phê bình Tô Hoàng, tham luận của bà Lê Minh Thu cho rằng để điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, điện ảnh cần giữ và tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc.

“Điện ảnh là một trong những thành phần quan trọng của văn hóa, có vai trò không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, là con đường ngắn nhất để thế giới cảm nhận một cách đầy đủ các giá trị cốt lõi, bền vững của dân tộc Việt Nam.

Thông qua các tác phẩm điện ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc có cơ hội được khai thác, phản ánh, phát huy, thể hiện muôn màu muôn vẻ trong hình thức phản ánh và ngôn ngữ điện ảnh, trong chủ đề tư tưởng, trong hình tượng nhân vật mang đậm tâm hồn, tư duy, cách cảm, cách nghĩ của con người Việt Nam, trong hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người, lịch sử, phong tục tập quán, nếp sống Việt Nam…

Từ đó góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mĩ trong lòng khán giả bằng những sáng tạo mang tính dân tộc, nhân văn; khơi dậy trong lòng khán giả lòng tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, ý thức giữ gìn phẩm hạnh, nhân cách người Việt... Khán giả không thể quên những bộ phim: Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Bao giờ cho đến tháng mười, Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ, Hà Nội 12 ngày đêm, Mùi đu đủ xanh, Ba mùa, Mê Thảo thời vang bóng, Khi nắng thu về, Mùa len trâu, Hà Nội Hà Nội… thấm đẫm vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người, tâm hồn, sức sống của dân tộc Việt Nam. Gần đây, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã "đánh thức" tiềm năng du lịch Phú Yên - một vùng đất mộc mạc với vẻ đẹp hoang sơ,bí ẩn.

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc”.

Theo bà Lê Minh Thu, để thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh mang “thương hiệu Việt”, gắn liền với bản sắc văn hóa Việt, không thể không chú trọng đến vai trò của nhà quản lý; sự hoàn thiện, bứt phá của cơ chế, chính sách và nhận thức của những người làm điện ảnh.

Cụ thể, vai trò của các nhà quản lý nghệ thuật điện ảnh là điều quan trọng, tiên quyết, họ tuy là nguồn lực thứ năm của nghệ thuật điện ảnh (sau biên kịch, đạo diễn, diễn viên, khán giả) nhưng lại có vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển của nghệ thuật điện ảnh cách mạng Việt Nam. Hiện nay, các nhà quản lý điện ảnh cơ sở gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong việc thực hiện đường lối văn hóa của Đảng, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của Đảng trong nghệ thuật điện ảnh ở cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Do đó, nâng cao năng lực quản lý của nguồn lực thứ năm - quản lý cơ sở - là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần nâng cao nhận thức sâu sắc cho văn nghệ sĩ ngành điện ảnh về đường lối lớn của Đảng trong phát triển ngành công nghiệp điện ảnh mang bản sắc văn hóa dân tộc.

20 tham luận tại Hội thảo Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế đều trăn trở, chỉ ra thực trạng của điện ảnh Việt Nam, những khó khăn mà các nhà sản xuất, đạo diễn đang gặp phải. Tuy nhiên, cũng có nhiều tham luận chưa đi sát với thực tế, mang tính lý thuyết, chưa nói rõ được hướng đi, giải pháp nào để điện ảnh Việt Nam được nâng lên và hội nhập với thế giới. 

Cũng tại buổi hội thảo, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lắng nghe ý kiến của các nhà sản xuất, nhà biên kịch, đạo diễn với mong muốn Vũng Tàu sẽ là địa danh để các nhà quay phim, đạo diễn chọn làm bối cảnh quay phim và tuyên truyền cho thành phố Vũng Tàu, đồng thời sẽ hỗ trợ tới các nhà làm phim khi họ tới Vũng Tàu quay phim.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem