Điện Biên: Cám cảnh vợ chồng nghèo người Mông nuôi 3 con tật nguyền

Bích Hội Thứ bảy, ngày 30/06/2018 13:45 PM (GMT+7)
Vợ chồng anh Lỳ A Nhè sinh được 5 người con thì có đến 3 cháu bị dị tật. Cuộc sống khốn khó, khổ đau và bế tắc cứ mãi đeo bám những mảnh đời bất hạnh trong gia đình anh Lỳ A Nhè ở thôn Tỉnh B (xã Xá Nhè, Tủa Chùa, Điện Biên).
Bình luận 0

Người dân ở thôn Tỉnh B không ai còn lạ với hoàn cảnh éo le của gia đình anh Lý A Nhè (42 tuổi) và chị Chàng Thị Súa (30 tuổi). Trong căn nhà nhỏ cũ nát nơi vùng cao hẻo lánh, những đứa trẻ bệnh tật, chân tay co quắp vẫn ngày ngày ước mơ một điều tưởng chừng rất đơn giản: Được làm con người bình thường.

Mặc dù mới ở độ tuổi trung niên, nhưng vợ chồng anh Nhè đã già đi trông thấy. Khuôn mặt khắc khổ, sạm đen vì cháy nắng. Những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt, khóe mắt, ngay cả khi cười.

Anh Nhè kể: “Năm 22 tuổi thì tôi lập gia đình. Vợ cũng là người cùng xã. Chúng tôi luôn ao ước có một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc, cùng sinh con đẻ cái và nuôi dạy chúng lớn khôn.  Nhưng ông trời đã không cho vợ chồng tôi được toại nguyện.

Sau khi cháu thứ 2 được 2 tuổi thì tôi phát hiện cháu phát triển không bình thường, nhận thức kém và không biết nói. Vợ chồng tôi đưa cháu đi khám thì được các bác sĩ chẩn đoán cháu bị thiểu năng trí tuệ”.

Đưa mắt nhìn về phía đàn con thơ dại, đứa nằm bất động trên giường, đứa ngồi lê dưới nền đất, anh Nhè kể tiếp: “Chúng tôi vẫn khao khát có thêm những đứa con lành lặn nên đã sinh thêm 3 cháu nữa. Thế nhưng, 2 trong 3 cháu sinh về sau này lại bị bệnh xương thủy tinh (chứng bệnh xương bị giòn dễ gãy). Vậy là, tất cả có 5 người con thì có đến 3 cháu bị tật nguyền. Không còn nước mắt để khóc cho bất hạnh, 2 vợ chồng gắng gượng vùng dậy làm chỗ dựa cho các con".

img

Căn bệnh xương thủy tinh khiến đứa con út 3 tuổi chỉ nằm 1 chỗ và luôn phải có người túc trực chăm sóc.

Ngày ngày, anh chị cùng con gái đầu (20 tuổi) vẫn lên nương chăn trâu và trồng lúa, tra ngô. Đến giữa buổi chia nhau về nhà lo cơm nước và chăm sóc cho các con. Thời tiết vùng cao khắc nghiệt, mưa lũ quanh năm lại thêm địa hình đồi núi hiểm trở nên nhà anh cũng chẳng trồng trọt được nhiều.

Kinh tế của cả nhà phụ thuộc vào 3 ha đất đồi, nhưng vì nhà neo người, cũng chẳng có tiền thuê người làm nên gia đình anh chỉ canh tác khoảng 1 ha lúa và ngô. Số đất còn lại đành để hoang. Vì thế, những bữa cơm chỉ có chút rau rừng hay mèn mén (bột ngô nấu chín) đã quá quen thuộc với lũ trẻ.

Gia đình anh Nhè thuộc hộ nghèo đã nhiều năm nay. Trong nhà, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường sắt nhỏ và chiếc tivi đã cũ kĩ.  Ngôi nhà đang ở cũng là nhờ một tổ chức từ thiện làm tặng.  Hàng tháng, số tiền trợ cấp 1,5 triệu cho 3 con tàn tật cũng chỉ đủ để thuốc thang cho các con mỗi khi đau ốm.

Hi vọng mong manh

Hoàn cảnh khó khăn nên đứa con gái đầu của anh chị chỉ học được đến lớp 7 thì phải ở nhà làm nương phụ giúp bố mẹ. May mắn còn cậu con trai thứ 3 là Lỳ A Phươn, phát triển bình thường vẫn đang theo học lớp 6. Anh Nhè nói trong niềm hi vọng: “2 vợ chồng tôi đều không biết cái chữ, cũng không thông thạo tiếng Kinh, nên bất tiện lắm. Đem bao ngô, bao lúa xuống chợ bán toàn bị ép giá thôi. Giờ có vất vả đến đâu chúng tôi cũng phải cố cho thằng Phươn ăn học đến nơi đến chốn để sau này nó đỡ khổ hơn bố mẹ.”

Nói về những đứa con bị xương thủy tinh của mình, anh Nhè cho hay: “Tuy bệnh tật nhưng chúng ngoan lắm, không quấy nhiễu gì bố mẹ nhiều. Riêng cháu thứ 4 là Lỳ Thị Thúy (8 tuổi) không đi lại được nhưng lại rất thích múa hát. Cháu hát rất hay, đem lại niềm vui cho cả nhà. ”

img

Nhìn ánh mắt ngây thơ, nét mặt hồn nhiên của Thúy mà không cầm nổi nước mắt. Miệng hát, người thì múa theo điệu nhạc, trông Thúy cứ như 1 nghệ sĩ thực thụ. Đã 8 tuổi nhưng em chỉ nặng khoảng 10kg. Đôi chân cong lại và luôn khoanh tròn ở phía trước. Thúy chỉ ngồi được một chỗ nhưng em nhận thức khá nhanh. Em hiểu hết những điều đang diễn ra xung quanh mình và biết mình không được may mắn như nhiều đứa trẻ khác. Chính niềm say mê ca hát đã giúp cuộc sống của em vui và có ý nghĩa hơn.

Thấy Thúy hát, chị của em là Lỳ Thị Giong (12 tuổi) cũng đứng gần xem. Giong tuy cao lớn nhưng lại không biết nói, nhận thức cũng hạn chế nên vẫn cần người chăm sóc.

Mỗi ngày trôi qua, trong căn nhà nhỏ trên lưng chừng núi, xen lẫn tiếng khóc, giọng cười trong trẻo của lũ nhỏ là những ánh mắt nhìn xa xăm về phía núi rừng trùng điệp.

“Có vất vả đến mấy, vợ chồng tôi cũng chịu được. Chỉ mong các con luôn khỏe mạnh, biết tự chăm sóc lẫn nhau vậy là đã vui lắm rồi”, anh Nhè chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem