Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam: Tận dụng các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới để tiêu thụ nông sản

Thanh Tuyền Thứ ba, ngày 03/12/2024 20:06 PM (GMT+7)
Đó là một trong những nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam tại Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc diễn ra vào ngày 3/12 tại Lạng Sơn.
Bình luận 0

Ngày 3/12, tại TP Lạng Sơn, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc. Diễn đàn là dịp để doanh nghiệp, người sản xuất, xuất khẩu trao đổi, kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan quản lý của Việt Nam – Trung Quốc những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.

Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản quan trọng của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam Trung Quốc- Ảnh 1.

Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: CTV

Về xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản, có sự tăng trưởng đều trong năm 2023 và 11 tháng năm nay có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 16 tỷ USD (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng đến 29% đến 40% so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021). Trong đó, xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 11%), các mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản…

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đã mở cửa thị trường cho rất nhiều sản phẩm trái cây, sản phẩm có nguồn gốc động vật (sữa, tổ yến, khỉ nuôi, cá sấu) và thủy sản…

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ ý kiến của đại diện một số hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về những quy định về xuất khẩu nông lâm thủy sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc; những quy định về thực hiện hợp đồng thương mại với Trung Quốc; những vấn đề trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế; những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông lâm, thủy sản của Việt Nam…

Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam Trung Quốc- Ảnh 2.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trên cả nước; các cơ quan, doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc... Ảnh: CTV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh chia sẻ, trong những năm qua, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý hiệu quả và hỗ trợ, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông - lâm - thủy sản.

Một số dự án trọng điểm đã và đang được triển khai như: Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giúp kết nối Lạng Sơn với mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, đặc biệt là TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và Thủ đô Hà Nội; dự án cải tạo ga đường sắt Đồng Đăng…

Lạng Sơn cũng quy hoạch kết nối với các khu vực dịch vụ logistics quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tính chất liên vận quốc tế; mở rộng và nâng cấp hạ tầng cửa khẩu và hệ thống kho tàng bến bãi; dự án cảng cạn Lạng Sơn nằm trong Tổ hợp Khu phi thuế quan và trung tâm kho bãi lưu trữ hàng hóa quốc tế...

Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam Trung Quốc- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: CTV

Đặc biệt, địa phương đã triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và tuyến đường vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089.

Ngoài ra, Lạng Sơn cũng triển khai các sự kiện giao lưu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc kết nối, gặp gỡ, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, Lạng Sơn luôn hoan nghênh các thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, làm việc, kết nối với doanh nghiệp địa phương để hợp tác về thương mại qua các cửa khẩu của tỉnh.

Tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nêu rõ: Trung Quốc là một trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bên cạnh Hoa Kỳ và Nhật Bản. Việc ký kết các nghị định thư giữa Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản trong nước. Tuy vậy, bên cạnh cơ hội thì hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn có những khó khăn và thách thức.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị thời gian tới, các địa phương, các đơn vị trực thuộc thuộc Bộ NNPTNT, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc, duy trì phát triển thị trường; tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; khẩn trương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương để đảm bảo cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu; minh bạch hóa thông tin với các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói theo mùa vụ, thời vụ; chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất.

Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam Trung Quốc- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản.

Trong năm 2025 và các năm tới, tiếp tục quan tâm phát triển thị trường Trung Quốc theo hướng bền vững, chất lượng. Đặc biệt, việc tham gia các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới được xem là hướng đi tiềm năng để doanh nghiệp trong nước tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem