Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Kiến nghị của nông dân là cơ sở xây dựng chính sách về tam nông
Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Kiến nghị của nông dân là cơ sở xây dựng chính sách về tam nông
K.Nguyên
Thứ hai, ngày 07/10/2024 14:01 PM (GMT+7)
TS.Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) bày tỏ mong muốn được lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX để có cơ sở tham mưu cho Bộ NNPTNT các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.
Ngày 14/10 tới, tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn lắng nghe nông dân nói về những vấn đề liên quan đến tái thiết sản xuất sau bão số 3 - Yagi, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất xanh,... Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) liên quan đến những thách thức, cơ hội của người nông dân trong bối cảnh phát triển mới.
Một trong những vấn đề được các nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhiều nhất đó là các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 - Yagi. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, theo ông những thách thức mà nông dân phải đối mặt là gì?
- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn luôn là lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nông thôn là không gian sinh sống của phần lớn dân số với nhiều giá trị, bản sắc văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt dẫn đến xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, nhiễm mặn, mưa lũ mà điển hình là cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra nhiều khó khăn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cũng như đời sống của nông dân, những thiệt hại do mưa lũ vừa qua gây ra có thể phải mất một thời gian mới có thể khôi phục lại.
Một khó khăn nữa mà nông dân rất hay gặp phải đó là vấn đề phát triển thị trường, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt cả trong nước và quốc tế. Để không bị loại khỏi cuộc chơi, nông dân phải tự thay đổi tâm thế, cập nhật những thay đổi của thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đó là chưa kể khó khăn về phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vốn đã phải mất rất nhiều nguồn lực, giờ lại chịu tác động của mưa lũ nên có thể ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện, xây dựng ở các địa phương.
Do vậy, tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lắng nghe nông dân nói, cá nhân tôi rất muốn được nghe những ý kiến của bà con nông dân về những vấn đề phát sinh trong thực tiễn sản xuất. Ý kiến của bà con sẽ là căn cứ, cơ sở để chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT những chính sách, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thậm chí có những lúc xuất hiện loại hình thiên tai vượt mọi khả năng dự báo như bão số 3, quan điểm, định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong phát triển nông nghiệp giai đoạn tới là gì?
- Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách, chủ trương lớn trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có thể nói là tạo ra cuộc cách mạng trong quan điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.
Ví dụ, ngoài chương trình xây dựng nông thôn mới với bộ tiêu chí chung, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng phát triển ra các chuyên đề như: Nâng cao chất lượng dân số nông thôn, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã tham mưu ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm xoay trục phát triển từ nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sang phát triển kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hay Chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mới trong sản xuất lúa gạo ở các địa phương, định vị lại hạt gạo Việt Nam trên bản đồ lúa gạo toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng có chủ trương phát triển tích hợp đa dạng các giá trị trong nông nghiệp, quảng bá hình ảnh nông sản, giá trị văn hóa, du lịch trong nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chủ trương phát triển các vùng nguyên liệu trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác giữa Trung ương và địa phương, giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân để xây dựng chuỗi giá trị nông sản theo từng ngành hàng chủ lực, sản phẩm chủ lực. Đến nay, các địa phương đã phát triển được 14.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm là nâng cao năng lực của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Bộ đã xây dựng hệ thống khuyến nông cộng đồng, giúp bà con nông dân cập nhật thông tin, vận động bà con liên kết sản xuất, vào hợp tác xã, xây dựng thương hiệu nông sản, phát triển thị trường. Đây cũng là việc, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với các ngành, địa phương tích cực thực hiện để nâng cao năng lực, trình độ cho bà con nông dân.
Như vậy, có thể thấy, ngành nông nghiệp đang hướng đến mục tiêu lấy hiệu quả kinh tế làm trọng tâm, quan tâm đến vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông đánh giá như thế nào về sự chủ động của nông dân trong việc xây dựng, phát triển các mô hình, liên kết sản xuất?
- Tôi cho rằng, nếu mỗi người nông dân không chủ động thay đổi tâm thế thì mọi chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ bị hạn chế.
Điều tôi rất ấn tượng trong nhiều năm tham gia Hội đồng chung khảo bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đó là đã có rất nhiều tấm gương nông dân sẵn sàng đi trước ứng dụng cái mới, mô hình mới vào sản xuất; nhanh nhạy, thích ứng với thị trường để nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động. Nhiều hợp tác xã đã chủ động xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Đây chính là những nhân tố điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động trong suốt nhiều năm qua và tạo sức lan tỏa, động lực giúp các nông dân khác học tập, làm theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.