Trời đã khô ráo mà nông dân Đan Phượng thất thần khi trông vào ruộng nho Hạ đen sống thoi thóp
Ruộng đồng đã khô ráo mà nông dân Đan Phượng thất thần khi trông vào ruộng nho Hạ đen sống thoi thóp
Nhật Hà
Chủ nhật, ngày 06/10/2024 05:53 AM (GMT+7)
Sau trận lũ lịch sử ven sông Hồng, nhiều hộ trồng nho Hạ đen ở Đan Phượng, TP Hà Nội thất thần, xót xa khi chứng kiến khung cảnh hoang tàn, cùng vườn nho sắp cho ra trái đợt mới bị thối rễ, thiệt hại nặng nề.
Nho thoi thóp sau lũ lụt, người nông dân thất thần
Ông Thiều Văn Thiết chia sẻ về vườn nho bị thiệt hại sau lũ lụt. Clip: Nhật Hà
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Thiều Văn Thiết (62 tuổi, ở thôn 11, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, vườn nho diện tích 5.500m2, ông cùng 2 người nữa đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng, năm nay mới là năm thứ 2 cho ra trái.
Vụ nho tháng 6 vừa qua vườn nho sai lúc lỉu, chùm nào cũng đầy đặn như mâm xôi đã thu hút nhiều du khách tới tham quan trải nghiệm hái nho tại vườn. Doanh thu thu được là 90 triệu/sào cho 2 vụ mỗi năm.
Thế nhưng, do vườn nho nằm ven sông Hồng nên trận lũ lụt lịch sử vừa qua khiến toàn bộ khu vườn nhà ông Thiết bị ngập sâu tới hơn 3m, kéo dài tới gần 1 tuần.
Sau khi nước rút, cây nho vẫn còn sống nhưng thoi thóp có khả năng ông Thiết phải thay lại toàn bộ giống cây mới.
Ông Thiết bảo phải thay lại toàn bộ giống cây, bởi nếu cứ để giống cây cũ thì không ổn bởi cây muốn sống khoẻ và phát triển tốt, đảm bảo ra trái chất lượng thì bộ rễ phải khoẻ. Trong khi sau trận lụt dài ngày vừa qua, cây bị chìm nghỉm trong biển nước mênh mông, khiến bộ rễ bị hư hỏng nặng.
Hơn nữa, toàn bộ mái che của vườn nho cũng bị gió, lũ lụt làm hư hỏng, gãy đổ. Nên nếu bây giờ thay thế lại toàn bộ số giống mới, cùng với hệ thống mái che, hệ thống tưới tiêu mới, chi phí thuê nhân công, gia đình ông Thiết phải chi tới 600 triệu đồng.
Người dân mong được hỗ trợ vay vốn để tái đầu tư sản xuất sau lũ lụt
"Hiện nay, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn để đầu tư tái sản xuất. Chúng tôi cũng đã có đề xuất gửi lên chính quyền, mong được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp", ông Thiết não nề.
Bà Nguyễn Thị Bợ (68 tuổi, ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) để chăm sóc vườn nho và cho ra những trái nho Hạ đen ngon giòn ngọt, bà cùng gia đình đã rất tốn công sức.
Toàn bộ vườn nho được chăm bón bằng những chế phẩm sinh học, tưới bằng hỗn hợp chuối tiêu chín, đỗ tương xay. Gốc gây được vun xới bằng tro trắng (tro trắng chính là rơm rạ đốt được bà Bợ mua từ Nam Định).
Thế nhưng, sau lũ lụt nhìn vườn nho xơ xác, hệ thống mái che cũng bị phá huỷ, những người làm vườn như bà Bợ, ông Thiết không khỏi ngậm ngùi.
"Chúng tôi buồn lắm chứ, xót xa lắm chứ, bao nhiêu công sức, chi phí đổ vào để chăm sóc bảo vệ vườn nho. Đây mới là năm thứ 3, vậy mà nhìn vườn cây thiệt hại như vậy, chúng tôi cũng chỉ biết động viên nhau, và chờ đợi sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, để chúng tôi có thể được vay vốn với lãi suất thấp, giúp chúng tôi có vốn đầu tư mua lại giống cây cũng như sửa sang lại hệ thống mái che.
Nho là giống cây bắt buộc phải có mái che thì cây mới phát triển tốt được", ông Thiết vừa nói, vừa hướng ánh mắt rầu rĩ về phía hàng cây nho, đôi tay nhăn chai sạn của ông chạm vào từng lá nho, nuối tiếc và đầy khắc khoải.
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên địa bàn TP năm 2024.
Nội dung, mức hỗ trợ sau khi đánh giá mức độ thiệt hại tại diện tích sản xuất nông nghiệp do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, hỗ trợ bổ sung kinh phí cho tổ chức, cá nhân triển khai gieo trồng cây vụ Đông năm 2024 tại diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại và cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định.
Vì thế, với Nghị quyết hỗ trợ của HĐND TP Hà Nội, ông Thiết, bà Bợ hy vọng sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ cộng với việc được vay vốn lãi suất thấp để sớm ổn định vườn nho của gia đình mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.