Diễn đàn nông dân Quốc gia lần V: Tìm “bà đỡ” cho mối liên kết 6 “nhà”
Diễn đàn nông dân Quốc gia lần V: Tìm “bà đỡ” cho mối liên kết 6 “nhà”
Thiên Hương
Thứ sáu, ngày 16/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Mấu chốt thành công của liên kết 6 "nhà" nhất thiết phải có những "bà đỡ", chính là vai trò hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đối với các doanh nghiệp.
Đó là nội dung chủ đạo được bàn tới tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ 5 với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà" nằm trong chuỗi sự kiện Tự hào nông dân Việt Nam được tổ chức thường niên, do T.Ư Nông dân Việt Nam, Bộ KHCN và Ngân hàng Nhà nước cùng phối hợp chỉ đạo, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền trực tiếp thực hiện.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng sau 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Có được kết quả này, ngoài những nỗ lực đổi mới của các doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất và kinh doanh, những năm qua Chính phủ đã tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại như WTO, CPTPP, EVFTA... nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản.
Tuy vậy, thương hiệu nông sản Việt vẫn chưa tạo được sự chú ý trên thị trường thế giới, mà mấu chốt chính là mối quan hệ 6 "nhà" vẫn còn những vướng mắc cần giải quyết, đặc biệt là sử dụng vốn sao cho hiệu quả; ứng dụng công nghệ thế nào để sản xuất nông sản đạt kết quả tốt…
Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thời gian qua những kết nối 6 "nhà" còn mang tính tự phát, cơ học là chính. "Mấu chốt thành công của liên kết 6 "nhà", nhất thiết phải có những "bà đỡ", đó là vai trò hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đối với các doanh nghiệp. "Bà đỡ" phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường" - ông Phú nói.
Bà Vũ Thị Minh - chuyên gia kinh tế (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhìn nhận, cùng với sự hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn, việc ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng hơn, từ đó tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp.
Chẳng hạn như ở Hà Nam, nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra giá trị sản xuất từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng/ha/năm đối với khu vực sản xuất ngoài trời và từ 3 - 4 tỷ đồng/ha/năm đối với sản xuất trong nhà kính. Trên thực tế, đã có không ít mô hình nông nghiệp thành công khi áp dụng KHCN, gia tăng giá trị cho nông sản...
Ví như, mô hình trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh theo công nghệ Nhật Bản của nông dân Trần Văn Tân - Chủ trang trại Queenfarm (Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Theo chia sẻ của ông Tân, trang trại đang áp dụng quy trình tưới nước nhỏ giọt của Israel và công nghệ sản xuất của Nhật Bản. Nhờ đó, dưa Taki trồng trong nhà lưới được 3 vụ/năm, mỗi vụ 30 tấn, doanh thu 1 năm 5,4 tỷ đồng. Tuy vậy, thực trạng ứng dụng KHCN trong nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Theo ông Nguyễn Đăng Cường - Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, trong thế giới phẳng, tràn ngập thông tin song việc tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng, lai tạo, ghép giống… đối với nông dân lại không đơn giản.
"Vì vậy, chúng tôi rất cần vai trò đầu tàu, dẫn dắt của Nhà nước, nhà khoa học để chọn lựa công nghệ phù hợp với trình độ chuyên môn, điều kiện thực tế sản xuất cũng như khả năng về vốn" - ông Cường cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.