Diện mạo điện ảnh Việt Nam từ góc nhìn của nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh

Thủy Vũ Thứ tư, ngày 08/11/2023 20:49 PM (GMT+7)
Từ góc nhìn của người nằm trong "guồng quay" của điện ảnh suốt hơn 30 năm, TS. Ngô Phương Lan đã phác thảo một diện mạo điện ảnh Việt Nam ở khía cạnh sáng tạo và thực tế.
Bình luận 0
Diện mạo điện ảnh Việt Nam từ góc nhìn của người ở trong "guồng quay" điện ảnh 30 năm - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại lễ ra mắt sách. Ảnh: Thủy Vũ

Cuốn sách "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập" bao gồm hai phần. Trong phần một, tác giả khái quát về tác phẩm điện ảnh, phê bình một số bộ phim chọn lọc, ghi dấu ấn trong thời kỳ đổi mới như:  "Tướng về hưu", "Thương nhớ đồng quê", "Mùa ổi", "Thị trấn yên tĩnh", "Thằng Bờm", "Gánh xiếc rong", "Chung cư", "Mê Thảo thời vang bóng", "Ai xuôi vạn lý", "Chiếc chìa khóa vàng", "Hãy tha thứ cho em", "Ngã ba Đồng Lộc",  "Bến không chồng", "Vị đắng tình yêu", "Đời cát", "Thung lũng hoang vắng", "Trăng nơi đáy giếng", "Cỏ lau", "Những người thợ xẻ", "Mùa len trâu", "Thời xa vắng", "Sống trong sợ hãi", "Chơi vơi", "Vào Nam ra Bắc", "Chuyện của Pao"…

Diện mạo điện ảnh Việt Nam từ góc nhìn của người ở trong "guồng quay" điện ảnh 30 năm - Ảnh 2.

Nhà văn DiLi và tác giả cuốn sách. Ảnh: Thủy Vũ

Kịch bản và cấu trúc phim, các tình huống trong phim, cách xử lý các cảnh quay, âm nhạc, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật và diễn xuất của các diễn viên… được tác giả phân tích và phê bình bằng chuyên môn hàn lâm, nhưng lại diễn đạt với ngôn ngữ giản dị mà mực thước, nên dễ dàng phù hợp với bất kỳ ai quan tâm và yêu thích các tác phẩm điện ảnh nước nhà.

Phần hai cuốn sách là một số tiểu luận, bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, tác giả cũng phác thảo "sơ đồ" các liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, tác giả luôn trăn trở với câu chuyện quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.

Chia sẻ về cuốn sách này, TS Ngô Phương Lan cho biết, sau khá nhiều năm bận rộn với công việc quản lý ở cơ quan chuyên ngành là Cục Điện ảnh (Cục trưởng Cục Điện ảnh –PV), về gắn bó với Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, đắm mình trong bầu không khí học thuật, "các con chữ vẫy gọi", bà mới lại có cơ hội quay trở lại với trang viết. Đây cũng là khoảng thời gian bà được làm nghề một cách miệt mài và say mê, dù phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Được bạn bè, gia đình ủng hộ từng ngày, từng giờ, bà đã tập trung hoàn thiện và xuất bản cuốn sách "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập".

Diện mạo điện ảnh Việt Nam từ góc nhìn của người ở trong "guồng quay" điện ảnh 30 năm - Ảnh 3.

Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách. Ảnh: Thủy Vũ

Cuốn sách nhằm xâu chuỗi và hệ thống lại một chặng đường dài hơn ba chục năm, cố gắng phác thảo rõ nét về về điện ảnh Việt Nam, từ khi bước vào công cuộc đổi mới (1986) đến đầu năm 2023. Trong cuốn sách lần này có những bài phê bình đã viết từ đầu những năm 1990. Khi xuất bản sách, bà biên tập, sửa chữa phù hợp với cách nhìn hôm nay. 

Tại lễ ra mắt, nhiều nghệ sĩ trong giới điện ảnh, các nhà lý luận phê bình uy tín lâu năm đều đánh giá cao tác phẩm của TS Ngô Phương Lan. 

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho biết, ông chứng kiến sự trưởng thành của TS Ngô Phương Lan từ khi bà mới đi học ở Liên Xô cũ về, sau đó làm việc ở Cục Điện ảnh, viết một số bài báo được người trong giới đánh giá là sắc sảo. Ông từng gợi ý TS Ngô Phương Lan viết sách về điện ảnh Việt Nam. Thực tế, các cuốn sách của TS Ngô Phương Lan được giới phê bình điện ảnh đón nhận, đánh giá là có giá trị cao. Hiện  nay, TS Ngô Phương Lan là tên tuổi đại diện của Việt Nam về lý luận, phê bình điện ảnh ở khu vực châu Á.

Diện mạo điện ảnh Việt Nam từ góc nhìn của người ở trong "guồng quay" điện ảnh 30 năm - Ảnh 4.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trong sự kiện. Ảnh: Thủy Vũ

Đạo diễn, NSƯT Lê Đức Tiến, nguyên Giám đốc Hãng phim Giải Phóng và Hãng Phim truyện Việt Nam cũng nhận định: TS Ngô Phương Lan là người rất trân trọng tài năng, phong cách tác giả. Ông vô cùng tâm đắc với quan điểm của TS Ngô Phương Lan đó là làm nên nền điện ảnh Việt Nam không phải là số lượng phim, doanh thu, mà là phong cách tác giả. Qua các tác phẩm của mình, TS Ngô Phương Lan đã tạo ra cho mình phong cách riêng, đi sâu vào phân tích tác phẩm. Trong phần 2 của cuốn sách, tác giả đặt ra nhiều vấn đề về điện ảnh Việt Nam, về công nghiệp điện ảnh Việt Nam, vừa có tính gợi mở, vừa có tính thực tiễn, vừa có tính lý luận, nhiều nội dung mang tính chất dự báo. Đây là những nội dung rất bổ ích, nhất là trong thời điểm chúng ta đang cố gắng phát triển văn hóa ngang bằng với kinh tế, xã hội, nỗ lực phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho rằng, viết một cuốn sách mang tính chuyên khảo như "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập" vô cùng khó. Cuốn sách của TS Ngô Phương Lan nhận diện về điện ảnh Việt Nam từ đổi mới hội nhập đến nay rất dày dặn, phần lý luận rất sâu sắc.

Diện mạo điện ảnh Việt Nam từ góc nhìn của người ở trong "guồng quay" điện ảnh 30 năm - Ảnh 5.

Sách "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập" của TS Ngô Phương Lan. Ảnh: Thủy Vũ

"Đây là cuốn sách nghiên cứu có hệ thống, mang tính chất chuyên khảo. Sự lựa chọn các phim nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đánh giá, phê bình với thái độ chừng mực nhưng sắc sảo. Tác giả đã rất dày công và tinh tế khi viết phê bình hầu hết những bộ phim có dấu ấn từ thời điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Bên cạnh một nhà phê bình phim uy tín, có thể thấy ở Ngô Phương Lan một nhà quản lý có tầm nhìn với những bài viết tâm huyết về việc làm thế nào để xây dựng thành công nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đưa điện ảnh Việt Nam vào vị trí xứng đáng trong bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

TS Ngô Phương Lan sinh năm 1963 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp khoa Lý luận, phê bình điện ảnh (Điện ảnh học) – Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK) năm 1988. Bà từng là Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF, 2012 -2018). Hiện bà đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khóa I; Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa V; Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF); Ủy viên Ban chấp hành Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC). Bà được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật  năm 2017. Tại CineAsia năm 2022, bà nhận giải thưởng "Người có nhiều đóng góp về tác quyền của khu vực châu Á Thái Bình Dương".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem