Điện thoại giá dưới 7 triệu bán chạy, trên 10 triệu ế hàng

Trọng Hiền Chủ nhật, ngày 12/07/2020 07:32 AM (GMT+7)
Ông trời đang đỏng đảnh thiệt. Miền Bắc và Trung hừng hực nóng. Còn miền Nam và Tây nguyên, sau 12 giờ mây đen u ám, những cơn mưa lúc nặng, lúc nhẹ… Nhiều nhà sản xuất, bán lẻ smartphone "than vắn thở dài"! Năm nay là năm khó khăn nhất của ngành hàng này.
Bình luận 0

10 ngày đầu tháng 7, theo ông Phùng Ngọc Tuyên, giám đốc ngành hàng di động của Thế giới Di động, "sức mua có dấu hiệu tăng khi các nhà bán lẻ giảm giá sâu nhiều mặt hàng để bán hàng, giảm lượng hàng tồn kho". 

Khách đến cửa hàng đông hơn nhưng chỉ mua những chiếc smartphone giá thấp. Còn những mẫu cao cấp chình ình từ nhiều tháng nay, dù giá giảm sâu nhưng chẳng ai ngó ngàng...

Khó đủ bề

Hàng còn nhiều nhưng vắng khách đến. Trong ảnh: Samsung đang giảm giá sâu cho nhiều dòng máy cao cấp, như: S20+/ S20 Ultra, Note 10+... Ảnh: Trọng Hiền

Hàng còn nhiều nhưng vắng khách đến. Trong ảnh: Samsung đang giảm giá sâu cho nhiều dòng máy cao cấp, như: S20+/ S20 Ultra, Note 10+... Ảnh: Trọng Hiền

Dù đã hết dịch từ đầu tháng 5 nhưng theo nhiều nhà bán lẻ mặt hàng smartphone, doanh thu tháng 6 chỉ bằng 80 - 90% so với tháng 5 vốn chẳng tốt đẹp gì so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Tuyên cho rằng, dù cuộc sống đã trở lại bình thường từ hồi đầu tháng 5 nhưng với những thông tin mới như: Lượng lao động thất nghiệp tăng lên, diễn biến mới của dịch Covid -19 từ nước ngoài, nhất là "ông trời cứ sụt sùi từ trưa tới chiều ở các tỉnh miền Nam, nắng rát lưng ở miền Trung…" đã làm doanh thu tháng 6 của Thế giới Di động giảm chừng 10% so với tháng 5.

Ông Ngọc Duy, phó phòng kinh doanh FPT Shop cho biết: "Trong tháng 6, lượng máy bán ra của chuỗi  bán lẻ giảm chừng 10%, còn doanh thu giảm chừng 15% so với tháng 5. Trong hai tháng 5 và 6, vì khách hàng chỉ chọn những sản phẩm phân khúc giá tầm trung trở xuống nên doanh thu và lợi nhuận giảm".

Ngoài những lý do trên, ông Tiến Đạt, chủ chuỗi Di Động Việt cho rằng: "Phần đông khách hàng giờ đã hết tiền nên hạn chế mua máy mới. Nhiều khách hàng chỉ mua khi máy bị hư và chỉ chọn những dòng máy đủ xài và rẻ tiền". Ông Duy của FPT Shop bình luận thêm: "Chừng 4 – 6 triệu đồng là đã có chiếc smartphone cấu hình ngon, với lại khách hàng bây giờ kiếm tiền quá khó nên chỉ chọn những sản phẩm vừa tiền".

Theo nguồn tin riêng của Dân Việt, trong tháng 6/2020, toàn bộ thị trường Việt Nam tiêu thụ chừng 1 triệu máy, giảm 30% so với bình quân của năm ngoái.

Như chia sẻ của nhiều chuỗi bán lẻ, nhóm hàng bán chạy nhất trong tháng 5, tháng 6 và cả tháng 7 là những sản phẩm thuộc phân khúc giá thấp: 2 – 5 triệu đồng chiếm đến 70%, 25% là phân khúc giá tầm trung: 5 - 9 triệu đồng, còn lại là phân khúc giá cao.

Nhắm vào hàng giá thấp

Ông Tuyên của Thế giới Di động và ông Duy của FPT Shop cùng cho rằng, trong tháng 7, nhóm sản phẩm từ 7 triệu đồng trở xuống mới là nhóm hàng chính, còn những mẫu hàng từ trên 10 triệu đồng chỉ mang tính "tô điểm" hơn là tìm kiếm doanh thu và doanh số.

Tại nhiều chuỗi bán lẻ, những chiếc smartphone nằm trong phân khúc giá tầm trung đang dẫn đầu doanh thu, như: OPPO A52 (bán độc quyền tại Thế giới Di động) với giá 5 triệu đồng, Redmi Note 9 Pro (6,99 triệu đồng), Redmi Note 9 (4,79 triệu đồng), Samsung Galaxy A21s (3,94 triệu đồng), Nokia 5.3 (3,35 triệu đồng)…

Hiện các hãng chỉ nhắm vào các sản phẩm tầm trung và thấp. Trong ảnh: OPPO vừa tung ra phiên bản màu tím cho dòng A92. Ảnh: Phương Bảo

Hiện các hãng chỉ nhắm vào các sản phẩm tầm trung và thấp. Trong ảnh: OPPO vừa tung ra phiên bản màu tím cho dòng A92. Ảnh: Phương Bảo

Trong tháng 7, nhiều hãng cắt lỗ bằng cách hạn chế tung ra sản phẩm mới. Nhưng dăm ba hãng vẫn rón rén tung ra những dòng sản phẩm như là mặt hàng "chiến lược" trong thời điểm sức mua đang yếu. OPPO vừa bổ sung phiên bản màu tím cho dòng A92 (vừa xuất hiện vào đầu tháng 6 với hai màu đen và trắng) được bán với giá 6,99 triệu đồng.

Realme vừa công bố trên thị trường dòng C11 với giá 2,69 triệu đồng với cấu hình khá: Dung lượng pin 5.000mAh, màn hình giọt sương 6.5 inch, camera kép với camera chính 13MP f/2.2 và camera chân dung 2MP f/2.4, vi xử lý 8 nhân Helio G35, 2GB RAM và 32GB ROM.

Xiaomi có dòng Redmi 9A có màn hình Dot Drop kích thước 6.53inch HD+, dung lượng pin 5.000mAh, bộ xử lý MediaTek Helio G25 8 nhân, camera sau 13 megapixel, camera trước 5 megapixel… được bán với giá 1,99 triệu đồng.

"Nghiến răng" giảm giá

Để bán được hàng, nhiều nhà sản xuất "nghiến răng" giảm giá như lời giám đốc kinh doanh của một thương hiệu đang nằm trong nhóm 5 bán được hàng tại thị trường Việt Nam.

Hiện Thế giới Di động đang là kênh bán lẻ được các hãng sản xuất như Samsung, OPPO, Apple, Realme, Vivo… ưu ái khi giảm từ 200.000 đồng cho đến 16% so với giá niêm yết nhân dịp 16 năm thành lập.

Còn các kênh khác, các hãng có mức giảm riêng. OPPO giảm từ 300.000 đồng (dòng A12), 1,5 triệu đồng (A9) cho đến 5 triệu đồng (Find X2). Realme giảm từ 400.000 đồng (Realme 3) cho đến 1,7 triệu đồng (dòng XT). Vivo giảm giá cho 2 dòng: 1 triệu đồng cho Y50 và 1,5 triệu đồng cho S1 Pro.

Vừa ra mắt vào tháng 5 nhưng giờ dòng Xiaomi Note 9 Pro phải giảm giá để... kích cầu! Ảnh: Trọng Hiền

Vừa ra mắt vào tháng 5 nhưng giờ dòng Xiaomi Note 9 Pro phải giảm giá để... kích cầu! Ảnh: Trọng Hiền

Dù là hãng trẻ nhưng VinSmart cũng tham gia giảm giá trong tháng 7. Vsmart Bee hiện là chiếc smartphone có giá thấp nhất – 690.000 đồng khi vừa được giảm 300.000 đồng; Vsmart Star 3 giảm 320.000 đồng, còn 1,67 triệu đồng; Vsmart Joy 3 giảm 300.000 đồng, còn 2,99 triệu đồng…

Đặc biệt, trong thời điểm này, Samsung giảm sâu chưa từng thấy các dòng smartphone cao cấp. Trong tháng 6, Samsung đã giảm 9 triệu đồng cho Note 10+. Trong tháng 7, Samsung tiếp tục giảm 7 triệu đồng cho dòng S20+, riêng phiên bản S20 Ultra giảm đến 9 triệu đồng. Giảm sâu là vậy nhưng theo nhiều nhà bán lẻ, sức mua những sản phẩm cao cấp này rất yếu.

Nhiều hãng sản xuất thở dài khi phải giảm giá vào dịp sức mua yếu! Giám đốc kinh doanh một thương hiệu tầm trung phân trần với Dân Việt: "Từ đầu năm tới nay hàng ra chậm nhưng phải giảm giá để bán hết hàng tồn kho. Chúng tôi đang khó khăn". Ông V.C, giám đốc sản xuất của một thương hiệu chuyên về hàng giá thấp nhận định: "Cấu hình máy so với mức giá niêm yết trên thị trường hiện nay là phép thử sức chịu đựng của nhà sản xuất và cả nhà bán lẻ. Hàng hóa bán đủ số nhưng vì nằm phân khúc giá thấp nên mức lợi nhuận của nhiều hãng coi như bằng 0. Nhà bán lẻ có lời chút đỉnh nhưng không đáng kể".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem