Theo ông Lê Văn Thuyết - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, trung bình nông dân phun xịt từ 7-8 đợt thuốc BVTV/vụ và phun lặp lại một loại thuốc từ 3-5 lần trong một vụ lúa, đã gây ra tính hồi phục rầy nâu trong giai đoạn lúa trổ.
Nguy hiểm hơn, khi nông dân phun xong 1-2 ngày sau không thấy rầy chết lại phun xịt tiếp, vô tình tạo cho rầy nâu lượng thức ăn dồi dào, nhiều thế hệ sản sinh khiến rầy nâu bộc phát. Bên cạnh đó, tập quán của nhiều bà con nông dân là phun các loại thuốc trừ sâu không đặc trị rầy như Cyper alpha, Regent, Nixtoxin, Padan cũng khiến rầy nâu phát triển. Ông Lương Minh Châu - Trưởng Bộ môn Côn trùng, Viện Lúa ĐBSCL cho biết, bà con cần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và nên phun 1-2 o/oo lượng đường và protein lên lúa nhằm dụ thiên địch đến ăn rầy.
Ông Châu cũng cho biết, vì phun thuốc BVTV nhiều nên các giống kháng rầy như OM 1490, IR 64, VNĐ 95-20, Jasmine 85,… cũng không tồn tại lâu dài được. Ông Châu dẫn chứng, nếu phun 5 lần thuốc Cyper alpha, Regent, Padan trên giống OM 2718 và phun Cyper alpha, Regent xanh, Nixtoxin trên giống OM 4900, OM 5390 sẽ khiến mật số rầy nâu nhiều hơn 2-4 lần so với không phun. Vì thế, nông dân nên sử dụng giống lúa chất lượng tốt, nhất là giống nguyên chủng thay cho giống xác nhận để nhằm giảm mật số rầy.
Ngoài ra, thuốc trừ bệnh cũng có tác động đến khả năng phát triển rầy nâu. Ông Châu nhấn mạnh, các loại thuốc Puan, Tilt Super, Anvil và Policur cũng gián tiếp làm cho rầy nâu tái phát. Nguyên nhân do chúng có phụ gia kích thích tăng trưởng, hấp dẫn côn trùng, gián tiếp góp phần tái phát rầy nâu. Kết quả khảo sát ngoài đồng của Viện cho thấy, giống OM 1.490 nếu phun 5 lần thuốc Puan/vụ thì mật độ rầy nâu là 1.800 con, tăng đến 5.500 con so với khi không phun.
Hải Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.