Điều bí ẩn về ngôi làng toàn nhà cổ làm bằng đá ong ở Hà Nội

Kim Duyên Thứ tư, ngày 06/04/2022 11:20 AM (GMT+7)
Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được biết là “bảo tàng sống” của làng cổ Việt Nam. Nơi đây chứa đựng nhiều di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là những ngôi nhà cổ làm bằng đá ong thu hút đông đảo du khách.
Bình luận 0

Ngôi làng có nhiều nhà cổ làm bằng đá ong ở Đường Lâm. Clip: Kim Duyên.

Đường Lâm là một địa danh đặc biệt trong lịch sử với tên gọi là "đất hai vua", bởi nơi đây đã sinh ra hai vị vua lừng lẫy sử việt là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ, đó là cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… với 956 ngôi nhà truyền thống.

Về Đường Lâm vào một ngày cuối tháng 3, chúng tôi may mắn gặp và trò chuyện với ông Hà Văn Dực. Ông là người nắm rõ và thuộc làu những dấu ấn lịch sử, những nét đẹp văn hoá của làng cổ này.

Điều bí ẩn về ngôi làng toàn nhà cổ làm bằng đá ong ở Hà Nội - Ảnh 1.

Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận Thị xã Sơn Tây, cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây. Ảnh: Kim Duyên

"Nét độc đáo ở làng cổ Đường Lâm không chỉ nằm ở những văn hoá, kiến trúc cổ của những ngôi nhà mà còn nằm chính trong việc người xưa sử dụng 100% nguyên liệu từ đá ong để xây dựng, tạo không gian sinh hoạt cho cả gia đình", ông Dực hồ hởi kể. 

Ngôi nhà cổ bằng đá ong 400 năm tuổi

Theo số liệu thống kê của Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm, tại làng cổ còn gần 1.000 ngôi nhà có kiến trúc truyền thống, 54 ngôi nhà mang giá trị tiêu biểu. Trong đó có tới 80% ngôi nhà được làm bằng đá ong. Đặc biệt, tại đây, có ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng có tuổi đời lên tới gần 400 năm tuổi.

Ông Hùng kể rằng, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hán Nôm,ngôi nhà của gia đình ông được xây dựng từ năm 1649. Đến thời điểm hiện tại, ngôi nhà đã được xây dựng gần 400 năm. Gia đình ông đã có 12 đời sinh sống tại đây.

Điều bí ẩn về ngôi làng toàn nhà cổ làm bằng đá ong ở Hà Nội - Ảnh 3.

Cổng nhà gia đình ông Nguyễn Văn Hùng được xây dựng bằng đá ong. Ảnh Kim Duyên

Đây cũng là một trong những ngôi nhà cổ nhất tại Đường Lâm vẫn còn được giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ. Ngôi nhà có sân rộng trước gian chính, lối đi lát gạch đỏ, gian bếp tách riêng biệt. Nhà cổ vẫn được duy trì dựng hoàn toàn bằng gỗ từ thời tổ tiên để lại. Cổng nhà hình quai giỏ, làm bằng gỗ, đường nét mềm mại nhưng lại vô cùng chắc chắn nhờ tường bằng đá ong truyền thống.

Cấu trúc nhà vườn liền kề nối tiếp nhau theo thứ tự cổng đến ngõ vào nhà. Nhà xây dựng khá thấp được lợp bằng ngói móc, ngói ri, có hiên rộng hướng mặt ra vườn và bao quanh là tường… tạo không gian kín đáo.

"Năm 2008, ngôi nhà được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch và các chuyên gia Nhật Bản trùng tu, bảo tồn. Năm 2013, ngôi nhà cùng với quần thể di tích lịch sử làng cổ Đường Lâm được UNESCO trao tặng giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương về bảo tồn di sản văn hoá", ông Hùng thông tin.

Điều bí ẩn về ngôi làng toàn nhà cổ làm bằng đá ong ở Hà Nội - Ảnh 4.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng có tuổi đời lên tới gần 400 năm tuổi. Ảnh Kim Duyên

Nổi bật trên nền kiến trúc bằng đá ong tại Đường Lâm là sự độc đáo trong việc sắp xếp tạo hình và những hoa văn xưa hiện diện trên chính các quần thể xung quanh như: cổng, tường bao và không gian trong nhà.

Tất cả kiến trúc nhà vườn đều được xây dựng từ vật liệu chủ đạo là đá ong đơn giản nhưng rất tinh xảo. Đây cũng chính là điểm nhấn đặc biệt tạo nên sức hút của làng cổ Đường Lâm mà không một làng quê nào có được.

Ông Phan Văn Tục, thủ từ Đình Mông Phụ chia sẻ với niềm tự hào: "Thời trước còn khó khăn nên những người nông dân Đường Lâm phải xây nhà bằng đá ong theo lối "tự cấp, tự túc".

Điều bí ẩn về ngôi làng toàn nhà cổ làm bằng đá ong ở Hà Nội - Ảnh 5.

Khu bếp của gia đình ông Hùng được xây tách riêng biệt. Ảnh Kim Duyên

Còn hiện nay có nhiều nguyên liệu khác có thể thay thế nhưng người dân vẫn "tín nhiệm" nhà xây bằng đá ong vì nó có độ bền chắc và mang lại không khí mát mẻ. Hơn thế nữa, người dân Đường Lâm thích nhà xây bằng đá ong vì đó như một nét văn hóa, hồn cốt của làng quê, họ yêu thương, tự hào và có trách nhiệm phải giữ gìn".

Đá ong được lấy từ sâu trong lòng đất

Theo ông Tục, đá ong là loại đá được lấy từ sâu trong lòng đất, có bề mặt xù xì, nhiều lỗ, có hình dạng giống như tổ ong. Tại làng cổ Đường Lâm, đá ong là nguyên liệu chính xây dựng lên nhiều công trình kiến trúc lạ mắt, độc đáo duy nhất có ở Việt Nam. Để làm được 1 ngôi nhà cổ, thông thường cần khoảng 1.500 viên đá ong và kết hợp với bùn non hoặc đất để làm vữa là được.

Điều bí ẩn về ngôi làng toàn nhà cổ làm bằng đá ong ở Hà Nội - Ảnh 6.

Một viên đá có kích thước dài khoảng 36cm, rộng khoảng 20cm, dày khoảng 20cm, nặng khoảng 18 – 20kg. Ảnh: Kim Duyên

Là người con của Đường Lâm, bà Lợi, chủ quán nước tại điếm Xích Hậu (điểm dừng chân nằm ở trung tâm làng) cho hay, trong làng hiện nay còn khá nhiều ngôi nhà được xây dựng bằng đá ong, có tuổi đời hàng trăm năm.

"Ngày trước làm gì có gạch đẹp như bây giờ. Chúng tôi chỉ biết các cụ kể lại rằng, khi xây nhà thì thường đào những tảng đá ong nằm sâu dưới lòng đất, về cắt xén thành bản vuông để xây nhà", bà Lợi nói.

Theo lời kể của ông Hà Văn Dực, ở một số vùng khác cũng đào được gạch đá ong nhưng loại gạch chất lượng tốt nhất vẫn là khai thác ở vùng Đường Lâm – Sơn Tây và một số xã của huyện Thạch Thất, Quốc Oai.

Thông thường loại đá xấu tồn tại ở những nơi đất thấp, còn loại đá tốt thường ở nơi đất cao, có những nơi chỉ đào được 12 lượt (tương đương 12 viên) theo độ cao từ trên xuống dưới là hết đá tốt. Đặc biệt có những chỗ gặp "tổ" đá có thể đào được 1.000 viên.

Điều bí ẩn về ngôi làng toàn nhà cổ làm bằng đá ong ở Hà Nội - Ảnh 7.

Rất nhiều nhà dân ở làng cổ Đường Lâm xây dựng nhà bằng đá ong. Ảnh: Kim Duyên

Thợ đào đánh đá phải là những người đàn ông khỏe mạnh. Khi đào xong thợ phải dùng con mắt và sự sáng tạo của mình tạo dáng cho viên đá thẳng, chuẩn và đẹp. Một viên đá có kích thước dài khoảng 36 cm, rộng khoảng 20 cm, dày khoảng 20 cm, nặng khoảng 18 - 20 kg.

"Hiện nay nhiều nhà muốn mua đá ong để xây nhà thì phải đặt từ nơi khác. Nhìn những viên đá ong có vẻ hơi xấu nhưng dùng để làm nhà thì rất thích vì mát về mùa hè và ấm về mùa đông", ông Dực chia sẻ.

Trong tiến trình đô thị hóa, bên cạnh nhiều ngôi nhà cao tầng được xây mới thì nét đẹp giản dị của nhà cổ Đường Lâm vẫn không hề bị nhàm chán mà dần được người trẻ quý trọng và bảo tồn.

Thậm chí, hiện nay nhiều gia đình đã xây biệt thự mới với thiết kế, nguyên vật liệu mô phỏng nhà cổ bằng đá ong. Một số gia đình có sự sáng tạo khi kết hợp xây dựng đá ong với nhiều vật liệu hiện đại là đá, gạch nung, xi măng…

Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận Thị xã Sơn Tây. Sở hữu những giá trị văn hóa độc đáo, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, làng cổ Đường Lâm luôn là địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu.

Sau nhiều lần tôn tạo và sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ XIX.

Ngày 19/5/2006, Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem