Quận Ba Đình có bao nhiêu phường?

Quang Trung Thứ tư, ngày 06/04/2022 06:00 AM (GMT+7)
Quận Ba Đình được coi là Trung tâm hành chính - chính trị của Thủ đô Hà Nội. Mỗi đơn vị hành chính cấp phường của quận Ba Đình cũng có nhiều địa chỉ lịch sử, di tích quốc gia. Hiện nay quận Ba Đình có bao nhiêu phường?
Bình luận 0

Quận Ba Đình có bao nhiêu phường?

Theo Cổng TTĐT UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình có diện tích 9,248 km2; dân số 225.282 người. Mật độ dân số là 24.360 người/km2. Với diện tích rộng hơn 9 km2, quận Ba Đình có bao nhiêu phường?

Về vị trí địa lý, quận Ba Đình phía Bắc giáp quận Tây Hồ, phía Đông giáp quận Hoàn Kiếm, phía Nam giáp quận Đống Đa, phía Tây giáp quận Cầu Giấy.

Quận Ba Đình có bao nhiêu phường? - Ảnh 1.

Cột Cờ Hà Nội là biểu tượng của niềm tự hào in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam. Ảnh: Hachi8media

Hiện nay, quận Ba Đình có 14 phường gồm: Ngọc Hà, Đội Cấn, Cống Vị, Quán Thánh, Phúc Xá, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch, Điện Biên, Thành Công, Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Vĩnh Phúc.

Lịch sử hình thành của quận Ba Đình

Quận Ba Đình nằm trên nền đất xưa vốn thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi là Yên Hòa), huyện Thọ Xương và các tổng Yên Thành, Nội, Thượng, Trung, huyện Vĩnh Thuận.

Trong đó có 12 thôn của tổng Yên Thành, 3 trong 7 phường của tổng Thượng, 9 trại của tổng Nội, 5 trong 6 phường của tổng Trung và 1 trong 7 phường của tổng Hạ.

Từ những hiện vật, di chỉ khảo cổ được tìm thấy (nhất là tại khu vực Hoàng Thành, hồ Giảng Võ, hồ Ngọc Khánh…) cho thấy đã có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Nơi đây từng được chọn xây cất cung điện của các triều đại xưa như Lý, Trần, Lê.

Trên mảnh đất Ba Đình, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa đất nước ta vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

Năm 1954, sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, đến năm 1959, tên gọi Ba Đình được đặt cho một trong 8 khu phố nội thành. 

Ngày 31/5/1961, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập khu phố Ba Đình trên cơ sở sáp nhập các khu phố Trúc Bạch, Ba Đình và 3 xã nông nghiệp ngoại thành thuộc khu vực phía nam Hồ Tây. Thời kỳ này, Ba Đình được chia thành 50 khối; tháng 5/1968 sáp nhập thành 35 tiểu khu.

Năm 1981, khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình. Thực hiện Nghị định 69/CP ngày  28/10/1995, các phường: Bưởi, Thuỵ Khuê, Yên Phụ chuyển sang thuộc quận Tây Hồ.

Ngày 05/01/2005, Chính phủ ra Nghị định số 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới các phường: Ngọc Hà, Cống Vị, Ngọc Khánh và thành lập thêm 2 phường mới là Liễu Giai và Vĩnh Phúc.

Trải qua hơn 10 thế kỷ, đến nay, Ba Đình vẫn luôn được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt - trung tâm hành chính, chính trị của Thủ đô Hà Nội, là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại trong hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước.

Quận Ba Đình có những di tích tiêu biểu của Thủ đô và của cả nước

Đó là di tích Hoàng Thành Thăng Long, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, chùa Một Cột, Cột Cờ Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa khác.

Quận Ba Đình có bao nhiêu phường? - Ảnh 3.

Hiện nay quận Ba Đình có bao nhiêu phường? Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội.

Một trong những di tích đã trở thành biểu tượng của kinh thành Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, đó là chùa Một Cột, được xây dựng năm 1049 đời vua Lý Thái Tông.

Kiến trúc chùa được tạo dáng theo kiểu hình vuông, mỗi chiều 3 mét, mái cong, đặt trên một cột đá hình trụ đường kính 1,2 mét, cao 4 mét - nên gọi là Chùa Một cột. Phần chính của chùa là hệ thống những thanh gỗ lớn tạo thành khung kiên cố.

Nhìn tổng quan ngôi chùa có hình tượng giống một đóa sen mọc lên từ mặt hồ nhỏ hình vuông có lan can xây bằng gạch bao quanh, có tên là hồ Linh Chiểu. Vì thế cửa chùa còn treo bức hoành chạm ba chữ "Liên hoa đài" - đài hoa sen - để gợi hình tượng ngôi chùa và việc khi xưa vua Lý nằm mộng rồi cho xây chùa.

Di tích lịch sử - văn hóa nằm trên đường Điện Biên Phủ là biểu tượng của niềm tự hào in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam, đó là Cột Cờ Hà Nội. 

Đây là một di tích thời Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn gồm ba tầng đế, thân cột hình trụ và lầu vọng canh bát giác, được xây từ năm 1805 trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long, cửa vào còn đề hai chữ "Kỳ Đài".

Toàn bộ Cột Cờ có chiều cao 33,4m, kể cả trục treo cờ là trên 41m. Cột cờ (hay Kỳ đài) là kết tinh của thành quả lao động sáng tạo của nhân dân, đánh dấu sự phát triển của lịch sử ngành kiến trúc và xây dựng Việt Nam; là một trong những biểu tượng của Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Hình tượng Cột Cờ thường được chọn làm biểu tượng trên nhiều ấn phẩm văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Vào những ngày lễ tết, người người ở mọi vùng miền tổ quốc khi đến thăm thủ đô Hà Nội lại được chiêm ngưỡng lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngạo nghễ trên nóc Kỳ đài.

Khu di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo thành một quần thể di tích kỳ vĩ giữa lòng Thủ đô Hà Nội với tên gọi Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình.

Trong suốt những năm qua, nơi đây luôn hội tụ đồng bào từ khắp mọi miền của Tổ quốc về để bày tỏ tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ và quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Bạn bè quốc tế đến đây để được chiêm ngưỡng người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Ba Đình là vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và di tích cách mạng. Trên địa bàn quận Ba Đình có 14 phường thì hầu như phường nào cũng có những di tích hoặc cả một quần thể di tích. 

Như phường Giảng Võ có đình Giảng Võ, chùa Lưu Ly; phường Điện Biên có khu thành cổ Hà Nội, chùa Thanh Ninh; phường Đội Cấn có chùa Bát Tháp; phường Ngọc Hà có đình Vĩnh Phúc, chùa Bát Mẫu, đền Đống Nước; phường Nguyễn Trung Trực có đình Giai Cảnh, chùa Phúc Lâm; phường Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi, chùa Châu Long...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem