Cách đây ít ngày, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách dự án VinFast đã có những chia sẻ về bước đi của VinFast trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với nền tảng là công nghệ điện toán đám mây, ông Huệ khiến những người có mặt trong khán phòng liên tưởng về một tổ hợp không gian gồm 5 nhà máy được xây dựng tương thích với công nghệ 4.0, bao gồm: nhà máy dập, nhà máy hàn thân xe, nhà máy sơn, nhà máy sản xuất động cơ và nhà máy lắp ráp hoàn thiện.
Ông Võ Quang Huệ cho biết, 5 nhà máy đã hoàn thành kiến trúc xây dựng và cuối năm nay sẽ đưa máy móc vào và tháng 3.2019 bắt đầu sản xuất thử. Vậy 5 nhà máy sản xuất ô tô VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có gì đặc biệt?
Nhà máy dập hoạt động giống như hộp đen máy bay
Nhà máy dập với giám sát quy trình sản xuất theo công nghệ Công ty Schuler. Các dữ liệu, thông số kỹ thuật được thu thập trực tuyến (online) trong quá trình sản xuất và từ các thiết bị lắp đặt dây chuyền.
Mô hình so sánh số thật và số mô phỏng ban đầu để định hình ra việc sản xuất, chất lượng và những vấn đề có thể gặp phải. Do đó, có thể kịp thời đề ra phương án đảm bảo số lượng và chất lượng.
“Nhà máy dập hoạt động giống như hộp đen máy bay, là thiết bị quan trọng giúp tra cứu thông tin về những lỗi đã xảy ra và có thể liên tục đổi mới”, ông Huệ nói.
Nhà máy hàn thân xe hiện đại nhất Đông Nam Á
Đối với nhà máy hàn thân xe VinFast, ông Huệ khẳng định đây sẽ là nhà máy hàn thân xe hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. VinFast chọn hai nhà cung cấp hàng đầu từ Đức là FFT và EBZ, được trang bị 1.200 rô-bốt do công ty ABB sản xuất.
Robot hàn thân xe VinFast xuất hiện tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 được tổ chức cách đây ít ngày ở Hà Nội (Ảnh: I.T)
Khi hoạt động, đây là nhà máy hàn thân xe kết nối giữa rô-bốt với con người và thiết bị một cách hoàn chỉnh trên nền tảng công nghệ 4.0. Đây cũng chính là phân xưởng ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 ở các phạm vi khác nhau tại VinFast. Ví dụ như giám sát thiết bị, đánh giá và tối ưu hoá quá trình sản xuất, tối ưu hiệu quả sử dụng trang thiết bị, quản lý dự phòng, công tác bảo trì theo dự báo và linh hoạt khi thay đổi sản xuất.
Nhà máy vẫn hoạt động hiệu quá khi thay đổi dòng xe sản xuất.
Nhà máy sơn tiết kiệm điện năng
Nhà máy sơn có hệ thống quản lý không khí ecosmart hoạt động hoàn toàn tự động, cung cấp năng lượng theo yêu cầu. Thông qua việc ghi nhận các thông số trong sản xuất, giúp giảm điện năng tiêu thụ.
Ví dụ như bộ điều khiển rô-bôt cung cấp thông tin dự báo khi nào cần bảo dưỡng, sửa chữa để có thể chủ động kiểm tra chi tiết, thiết bị…
Nhà máy sản xuất động cơ là quyết định quan trọng
Việc có một nhà máy sản xuất động cơ là một trong quyết định quan trọng của Tập đoàn VinFast.
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách dự án VinFast (Ảnh: I.T)
Ông Huệ chia sẻ: “Chúng tôi đã dồn nhiều nhiệt huyết trong quá trình thương thảo với đối tác, để tự hào rằng từ một công ty chưa bao giờ sản xuất ô tô, chỉ sau 5 tháng được tập đoàn hàng đầu thế giới cấp phép sản xuất động cơ. Trong nhà máy này, Vinfast lựa chọn Grob là đối tác để có thể thiết kế và cung ứng toàn bộ dây chuyền trang thiết bị cho nhà máy sản xuất động cơ.
Ba điểm nổi bật gồm hệ thống dự trữ dữ liệu, thông số sản xuất thu thập thực; hệ thống khởi động sản xuất từ xa và quan trọng là hệ thống kiểm soát sản xuất qua thông số hoàn toàn tự động kể cả vào cuối tuần và ban đêm”.
Nhà máy lắp ráp là đầu vào của sự hài lòng khách hàng
Cuối cùng, nhà máy lắp ráp sẽ hoàn thiện xe, là nơi bảo đảm đầu ra của dây chuyền và là đầu vào của sự hài lòng khách hàng đối với chất lượng chiếc xe.
“Trong dây chuyển sản xuất, chúng tôi liên tục thu thập dữ liệu thực. Như vậy, mình có thể kiểm tra và từ đó giảm thiểu tác động con người lên sản phẩm, giám sát quy trình, chất lượng qua số liệu kỹ thuật số. Và kết quả có thể bảo đảm chất lượng, tính an toàn của xe, bảo đảm xe lắp ráp theo quy chuẩn chất lượng”, ông Võ Quang Huệ kết thúc câu chuyện của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.