Điều gì đằng sau động thái huấn luyện quân Ukraine của Canada, Thụy Điển và nhiều nước khác?

Lê Phương (Sputnik) Thứ bảy, ngày 13/08/2022 15:20 PM (GMT+7)
Với việc Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quyết định của Canada, Thụy Điển cũng như một số nước khác trong việc tham gia huấn luyện lực lượng Ukraine rất có thể sẽ đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc xung đột.
Bình luận 0
Điều gì đằng sau động thái huấn luyện quân Ukraine của Canada, Thụy Điển và nhiều nước khác? - Ảnh 1.

Bên cạnh vũ khí, quân đội Ukraine cũng nhận được hỗ trợ về huấn luyện quân sự từ phương Tây. Ảnh: Sputnik

Hôm 12/8, Ottawa và Stockholm thông báo về việc triển khai đợt huấn luyện quân sự đầu tiên của họ tại Anh, trong bối cảnh Nga đang diễn ra hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine. Việc triển khai này dựa theo cam kết Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand tuần trước rằng Ottawa sẽ cử 225 nhân viên của Lực lượng Vũ trang Canada (CAF) đến Anh để huấn luyện cho các lực lượng Ukraine, theo chương trình mới được Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố vào tháng 6/2022.

Bà nói thêm rằng các quân nhân của CAF sẽ được cử đến Anh trong thời gian ban đầu là 4 tháng, và quân đội Ukraine sẽ được đào tạo về những điều cơ bản "liên quan đến chiến đấu tiền tuyến, xử lý vũ khí, sơ cứu, điều khiển hiện trường, chiến thuật tuần tra và luật liên lạc vũ trang".

Anand cho biết ngoài đợt huấn luyện, Canada cũng sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine 39 xe bọc thép, mà bà tuyên bố là được trang bị "áo giáp cùng súng máy hiện đại, tối tân".

Đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Phần Lan thông báo, họ sẽ cử khoảng 20 quân nhân tới Anh để tham gia chương trình huấn luyện cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Trước đó, quân đội Thụy Điển thông báo triển khai tới 120 giảng viên quân sự đến Anh trong khuôn khổ chương trình.

Gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev vào giữa tháng 6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề nghị khởi động một chương trình đào tạo cho các lực lượng Ukraine, với khả năng đào tạo tới 10.000 binh sĩ sau mỗi 120 ngày. Ông kêu gọi các quốc gia khác trong Lực lượng viễn chinh chung (JEF) và Canada tham gia sáng kiến này.

JEF được thành lập vào năm 2014 và là một lực lượng viễn chinh do Anh dẫn đầu bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Estonia, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy.

Chính phủ Anh lưu ý trên trang web của mình rằng theo chương trình, "mỗi binh sĩ sẽ dành ba tuần cho khóa đào tạo, học các kỹ năng chiến đấu trên tiền tuyến, cũng như đào tạo y tế cơ bản, an ninh mạng và chống lại các chiến thuật gây nổ".

Chương trình cũng đào tạo và tập trận cho các lực lượng vũ trang Ukraine bằng cách sử dụng chuyên môn của Quân đội Anh đã được chứng minh trên chiến trường, cho phép họ đẩy nhanh việc triển khai, xây dựng lại lực lượng và mở rộng quy mô đối kháng với quân đội Nga.

Cựu Đại biểu nghị viện châu Âu Nick Griffin cho rằng các nước phương Tây đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột Ukraine do một loạt các yếu tố, đặc biệt là "lợi nhuận của tổ hợp công nghiệp-quân sự, sự thù địch với Nga và các tập đoàn của nước này, cũng như cơ hội sử dụng cuộc xung đột như một cái cớ để thúc đẩy những tính toán của giới tinh hoa phương Tây".

Ông nhấn mạnh rằng đối với Canada, "còn một yếu tố nữa, đó là quốc gia này có lượng người Ukraine tập trung đông nhất thế giới, chỉ sau Ukraine và Nga".

Griffin cho rằng việc Canada và Thụy Điển cử người hướng dẫn quân sự của họ đến Anh có thể là "một cử chỉ chính trị và công cụ tuyên truyền cho chế độ Kiev, hơn là một yếu tố quân sự thực sự" nhằm thay đổi tình hình trên thực địa Ukraine.

"Huấn luyện quân đội đúng cách mất rất nhiều thời gian. Ngay cả khi những đội quân được huấn luyện tốt thì tình hình ở Donbass vẫn rất khó khăn cho Ukraine, vì vậy động thái của Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ không thay đổi được gì trên thực tế", cựu Đại biểu nghị viện châu Âu nhấn mạnh.

Anh đã chuyển giao các thiết bị quân sự trị giá hàng trăm triệu bảng và hỗ trợ đào tạo cho Ukraine kể từ năm 2014, bao gồm cả thông qua "Chiến dịch Quỹ đạo" bí mật, trong đó hơn 22.000 binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện sử dụng tên lửa chống tăng xách tay cùng nhiều loại vũ khí khác.

Hiện tại, Anh vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, London đã cung cấp cho Kiev các loại vũ khí chống tăng và phòng không, tàu tên lửa, xe bọc thép và pháo tầm xa.

Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần cảnh báo rằng Moscow sẽ đưa ra "phản ứng tức thì và tương xứng" nếu London kích động Kiev tiến hành các cuộc tấn công vào đất Nga bằng vũ khí do nước này sản xuất, trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem