Điều gì khiến Donbass trở thành 'ngòi nổ' trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Minh Nhật (theo CNN) Chủ nhật, ngày 20/02/2022 19:00 PM (GMT+7)
Bất chấp việc hàng chục nghìn quân Nga vẫn tập trung ở biên giới Ukraine, tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong tuần này quay trở lại với cuộc chiến đang trở nên dữ dội hơn ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Bình luận 0

Chiến sự Donbass leo thang đột ngột

Điều gì khiến Donbass trở thành 'ngòi nổ' trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 1.

Nhân viên quân sự Ukraine đi qua một điểm trúng đạn cối ngày 19/2 ở làng Krymske, Đông Ukraine. Ảnh CNN.

Theo CNN, cuộc chiến âm ỉ ở vùng Donbass - gồm 2 tỉnh Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine - có thể là "ngòi nổ" cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Trong 3 ngày qua, đã có những cuộc pháo kích dữ dội dọc theo một số khu vực của chiến tuyến giữa lực lượng ly khai địa phương và quân đội trung thành với chính quyền Kiev.

Chính quyền Ukraine cho biết các cuộc pháo kích của phe ly khai do Nga hậu thuẫn đang ở mức cao nhất trong gần 3 năm. Trong khi đó, về phần mình, phe ly khai cáo buộc các lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí hạng nặng nhằm vào các khu vực dân sự, gây nguy hiểm cho dân thường.

Hôm thứ Năm 17/2, một trường mẫu giáo ở vùng lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát, cách chiến tuyến chưa đầy 5km đã bị tấn công.

Vào thứ Sáu và thứ Bảy (18-19/2), các nhà chức trách Ukraine đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của các cuộc pháo kích bằng vũ khí hạng nặng - thứ bị cấm trong phạm vi 50 km tính từ chiến tuyến theo Thỏa thuận hòa bình Minsk các bên ký kết năm 2014.

Chính quyền Ukraine cho biết đã có 60 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn hôm thứ Năm, trong đó nhiều vụ vi phạm lệnh ngừng bắn do sử dụng vũ khí hạng nặng.

Các nhà lãnh đạo của 2 lãnh thổ ly khai thân Nga - Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk tự xưng - tuyên bố Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự lớn trong khu vực. Hôm thứ Sáu 18/2, họ tổ chức sơ tán hàng nghìn dân thường tới Nga, đồng thời kêu gọi đàn ông ở lại và cầm vũ khí chiến đấu.

Các quan chức Ukraine đã liên tục phủ nhận về một kế hoạch như vậy. Hôm thứ Sáu, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov tuyên bố rằng, có một mối nguy lớn đó là các "đại diện" của Nga ở Donbass sẽ tiến hành các hành động kích động, khiêu khích và đổ lỗi cho quân đội Ukraine.

"Chúng tôi không thể nói chính xác những gì họ sẽ làm - liệu họ sẽ cho nổ xe buýt chở những người dự định sơ tán đến vùng Rostov, hay cho nổ tung nhà cửa - chúng tôi không biết", ông Danilov nói thêm.

Phát biểu của ông Danilov được đưa ra chỉ vài giờ sau vụ nổ bí ẩn trong chiếc xe của một quan chức cấp cao ở thành phố Donetsk, gần với trụ sở của phe ly khai.

Người đứng đầu khu vực, Denis Pushilin, gọi đây là một hành động khủng bố. Nhưng các nhà chức trách Ukraine và các quan chức phương Tây cho rằng, đây là một hành động khiêu khích được dàn dựng và thiết kế nhằm biện minh cho sự can thiệp của Nga.

Dù tương đối im ắng trong phần lớn năm nay, "đường dây liên lạc" - ranh giới phân chia lãnh thổ kiểm soát giữa phe ly khai và quân đội Ukraine - đã trở nên căng thẳng hơn trong những ngày qua - khi Donbass bị quan ngại có thể trở thành "ngòi nổ" cho cuộc xung đột quân sự lớn giữa Nga và Ukraine, thậm chí rộng hơn.

Lịch sử xung đột 8 năm ở Donbass

Điều gì khiến Donbass trở thành 'ngòi nổ' trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 2.

Quân ly khai do Nga hậu thuẫn ở Đông Ukraine chiếm một tòa nhà chính phủ ở Donetsk, Ukraine ngày 11/4/2014.

Chiến tranh nổ ra vào năm 2014 ở Donbass sau khi lực lượng ly khai địa phương được Nga hậu thuẫn chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở các thị trấn và thành phố trên khắp miền đông Ukraine. Các cuộc giao tranh ác liệt sau đó đã đẩy các khu vực phía đông Luhansk và Donetsk của khu vực Donbass rơi vào tay lực lượng ly khai. Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố hỗ trợ lực lượng ly khai ở Donbass - nơi có nhiều người Nga sinh sống.

Các khu vực được phe ly khai kiểm soát ở Donbass được gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.

Các nước cộng hòa tự xưng không được chính phủ nào công nhận, kể cả Nga. Chính phủ Ukraine đã từ chối đối thoại trực tiếp với một trong hai nước cộng hòa ly khai.

Thỏa thuận Minsk 2 được ký năm 2015 đã mang đến một thỏa thuận ngừng bắn mong manh cho khu vực. Cuộc xung đột chuyển thành một cuộc chiến tĩnh dọc theo Đường liên lạc chia cắt chính phủ Ukraine và các khu vực do phe ly khai kiểm soát. Các Hiệp định Minsk (1 và 2) - vốn được đặt tên theo thủ đô của Belarus nơi chúng được ký kết - cấm vũ khí hạng nặng gần Đường liên lạc.

Chính phủ Ukraine gọi lực lượng ly khai địa phương là “những kẻ chiếm đóng” trong khi truyền thông Nga gọi lực lượng ly khai là "dân quân" và khẳng định rằng họ chỉ là những người dân địa phương phải cầm vũ khí tự vệ chống lại chính quyền Kiev.

Hơn 14.000 người đã chết trong cuộc xung đột ở Donbas kể từ năm 2014. Ukraine cho biết 1,5 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để tránh xung đột.

Liệu Donbass có trở thành "ngòi nổ" chiến tranh Nga-Ukraine?

Điều gì khiến Donbass trở thành 'ngòi nổ' trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 3.

Hai mẹ con đi qua tượng đài quân sự ở Senkivka, Đông Ukraine ngày 14/2. Senkivka năm ở ngoại ô biên giới giao nhau giữa Nga-Ukraine và Belarus. Ảnh CNN

Phe ly khai ở Donbas có được sự hậu thuẫn đáng kể từ Nga mặc dù Nga khẳng định rằng họ triển khai binh sĩ trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng các quan chức Mỹ, NATO và Ukraine cáo buộc, Moscow cung cấp cho phe ly khai ở Donbass thông tin tình báo, tư vấn chiến lược và thậm chí cài các sĩ quan quân đội Nga vào hàng ngũ của họ.

Moscow cũng đã phát hàng trăm nghìn hộ chiếu Nga cho người dân ở Donbas trong những năm gần đây. Các quan chức và các nhà quan sát phương Tây cáo buộc Nga đang cố gắng biến người Ukraine thành công dân Nga - một cách thực tế để công nhận 2 chính quyền ly khai ở Donetsk và Luhansk và đây cũng có thể trở thành cái cớ để Nga can thiệp vào Ukraine.

Và trong tuần này, Quốc hội Nga đã khuyến nghị Điện Kremlin chính thức công nhận LPR và DPR là các quốc gia độc lập - động thái mà Mỹ cáo buộc là bằng chứng cho thấy Putin không có ý định tuân thủ thỏa thuận Minsk.

Ông Putin từ lâu đã cáo buộc Ukraine vi phạm quyền của người dân tộc Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine, đồng thời cho biết việc can thiệp quân sự để bảo vệ họ là quyền của Nga.

Tuần này, Tổng thống Putin cũng cáo buộc chính quyền Ukraine phạm "tội diệt chủng" ở Donbas. Những cáo buộc của nhà lãnh đạo Nga không phải là mới, nhưng trong thời điểm này lại làm dấy lên quan ngại từ các nhà hoạch định chính sách phương Tây, những người đang lo ngại cuộc xung đột năm 2008 ở Gruzia sẽ lặp lại.

Theo CNN, ông Putin đã lặp lại cáo buộc của Nga rằng Gruzia đã thực hiện tội ác diệt chủng đối với dân thường ở nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia vào tháng 8/2008. Sau đó, Nga đã phát động một cuộc tấn công quân sự lớn sâu vào lãnh thổ Gruzia, để bảo vệ Nam Ossetia. Một thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ đã được Gruzia và Nga ký kết vào ngày 15/8/2008. Vào ngày 26/8/2008, trong thời gian đình chiến, Nga đã chính thức công nhận nền độc lập của Nam Ossetia, bất chấp sự phản đối của Gruzia, Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây của họ.

Hôm thứ Bảy 19/2, người dân ở các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Donbass bắt đầu chú ý đến lệnh sơ tán, khởi hành bằng xe buýt qua biên giới Nga.

Các nhà chức trách Nga hứa hẹn cho họ nơi trú ẩn với thông điệp rằng hàng nghìn người phải rời đi vì sợ hãi sự xâm lược của Ukraine.

Các hãng thông tấn Nga vào đầu ngày 19/2 đưa tin rằng, khoảng 10.000 người đã vượt biên. Và các nhà chức trách Nga cho biết họ đã sẵn sàng đón 900.000 người tị nạn tràn sang. Giới lãnh đạo phe ly khai đã ra lệnh cho đàn ông ở lại và cầm vũ khí đồng thời tuyên bố tổng động viên.

Tương tự như năm 2014, khu vực Donbass hiện nay đang trở thành tâm điểm của cuộc xung đột Đông-Tây và có thể trở thành "ngòi nổ" cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở châu Âu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem