Máy bay không người lái AI trong chiến sự Nga-Ukraine: Mối nguy hiểm chạy đua công nghệ quân sự
Máy bay không người lái AI trong chiến sự Nga-Ukraine: Mối nguy hiểm chạy đua công nghệ quân sự
Huỳnh Dũng
Thứ bảy, ngày 28/01/2023 10:26 AM (GMT+7)
Các chuyên gia về máy bay không người lái (UAV) cho biết, công nghệ quân sự đang chạy đua hướng tới một tương lai AI nguy hiểm, và cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang mở đường thực sự cho điều đó.
Những tiến bộ của máy bay không người lái ở Ukraine đã thúc đẩy xu hướng công nghệ đã được dự đoán từ lâu, có thể sớm đưa những người máy chiến đấu hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới ra chiến trường, mở đầu cho một kỷ nguyên chiến tranh mới.
Theo các nhà phân tích quân sự, các chiến binh và cả nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, chiến tranh càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng máy bay không người lái sẽ được sử dụng để xác định, lựa chọn và tấn công các mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của con người.
Suốt gần một năm qua, cuộc chiến của Nga ở Ukraine cung cấp một cơ sở thử nghiệm chưa từng có cho công nghệ máy bay không người lái. Nhưng giờ đây các chuyên gia đang bày tỏ mối quan ngại của họ về sự ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với việc ra quyết định của con người trong chiến tranh.
Máy bay không người lái đã trở nên nổi bật ở Ukraine hơn bất kỳ cuộc xung đột nào khác trong quá khứ. Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Ingvild Bode tại Đại học Nam Đan Mạch (SDU), nói với tờ Insider rằng chúng không phải là "yếu tố quyết định". Cô ấy nói, xe tăng, chiến hào và pháo binh vẫn chiếm ưu thế trong cuộc xung đột, nhưng xét về quy mô và sự đa dạng tuyệt đối, đây là lần đầu tiên chúng được đem ra thử nghiệm với sức công phá đầy hậu quả như vậy.
Mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) quản lý cho một số công nghệ máy bay không người lái đang phát triển với tốc độ nhanh, nhưng vẫn còn ít quy tắc pháp lý quốc tế để xác định mức độ cần thiết có sự tham gia của con người.
Trong khi đó, một số nhà sản xuất máy bay không người lái đang được sử dụng trong cuộc xung đột - chẳng hạn như Lancet của Nga và Switchblade do Mỹ cung cấp, cả hai tuyên bố máy bay không người lái của họ hiện có khả năng tự trị hoặc bán tự trị. Không rõ chính xác những khả năng này đã được tận dụng đến mức bao nhiêu, như thế nào ở Ukraine. Hồi tháng 10/2022, một chỉ huy quân đội Ukraine tuyên bố quân đội của ông đã thực hiện các nhiệm vụ trinh sát bằng máy bay không người lái tự động, tờ New Scientist đưa tin.
Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, Mykhailo Fedorov, cũng đồng ý rằng máy bay không người lái sát thủ hoàn toàn tự động là "bước tiếp theo hợp lý và không thể tránh khỏi" trong quá trình phát triển vũ khí. Ông cho biết, Ukraine đã và đang thực hiện "rất nhiều hoạt động R&D theo hướng này".
"Tôi nghĩ rằng tiềm năng cho điều này là rất lớn trong sáu tháng tới", Fedorov nói với tờ Associated Press trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Yaroslav Honchar, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận đổi mới máy bay không người lái chiến đấu Aerorozvidka ở Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine hiện cấm sử dụng vũ khí sát thương hoàn toàn độc lập, mặc dù điều đó có thể sớm thay đổi, ông nói.
Theo Bode - người có nghiên cứu tập trung vào các chuẩn mực quốc tế xung quanh sự xuất hiện của AI quân sự - việc gấp rút bảo vệ Ukraine có nghĩa là cuộc thảo luận xung quanh việc vũ khí hóa AI không còn là một giả thuyết xa vời nữa. Bởi Sdau khi tuyên bố một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của hải quân vào hạm đội Biển Đen của Nga vào mùa thu năm ngoái, Ukraine đã bắt đầu gây quỹ cho cái mà họ gọi là "hạm đội máy bay không người lái hải quân đầu tiên trên thế giới".
Trong khi đó, cuộc tấn công truyền thống đang chùn bước của Nga có thể sẽ thúc đẩy nước này nhanh chóng đưa các hệ thống mới vào thực địa trước khi các tiêu chuẩn quốc tế được đưa ra.
Bode nói rằng, cô ấy lo lắng về việc đưa AI quân sự vào chiến trường "mà không thực sự nghĩ đến những hậu quả lâu dài".
Kể từ giữa mùa hè năm ngoái, các lực lượng Nga đã phóng các máy bay không người lái Shahed-136 của Iran theo nhóm năm hoặc sáu chiếc, trong các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Những chiếc Shahed-136 mang theo loại đạn tự hủy khi va chạm, khiến chúng có biệt danh là máy bay không người lái "cảm tử". Các cuộc tấn công liên quan đến các nhóm vũ khí này đã được mô tả là "bầy đàn", mặc dù từ quan điểm AI, chúng chưa liên quan đến công nghệ bầy đàn thực sự.
James Rogers, cũng thuộc SDU và là người tư vấn cho Liên Hợp Quốc về công nghệ máy bay không người lái trong tương lai, nói với tờ Insider rằng "máy bay không người lái bầy đàn là máy bay không người lái về mặt kỹ thuật có thể giao tiếp với nhau".
AI cho phép chúng cư xử cộng sinh, "như một đàn chim trên bầu trời", như ông nói. "Bạn thấy chúng di chuyển như một và phản ứng cùng nhau với các kích thích bên ngoài".
Nhưng cả Bode và Rogers đều lo ngại về việc liệu AI có thực sự có khả năng phân biệt một người đầu hàng với một chiến binh hay không. "Đó là một lời kêu gọi phán xét đầy khó khăn để thực hiện ngay cả đối với một con người, phải không?", Bode nói.
Rogers cho rằng, đó là một lĩnh vực chưa được kiểm chứng trong luật pháp quốc tế. Ông hỏi, trong một tương lai hoàn toàn tự trị của chiến tranh bằng máy bay không người lái, liệu AI của máy bay không người lái có được lập trình "để tránh những kẻ đang phất cờ trắng?". Nói tóm lại, với tốc độ phát triển liên quan đến AI và cuộc xung đột ở Ukraine, đó là một trong nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.