Điều hiếm gặp ở phiên toà xử Phạm Công Danh, Trầm Bê tới đây

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 13/12/2017 13:52 PM (GMT+7)
Phạm Công Danh đang phải chấp hành bản án với mức hình phạt 30 năm tù, tới đây khi bị đưa ra xét xử sẽ có điều khá hiếm gặp khi tòa tổng hợp mức hình phạt cho ông này.
Bình luận 0

img

Bị can Trầm Bê (trái) và Phạm Công Danh. (Ảnh: CAND)

Xử theo Bộ luật Hình sự mới hay cũ?

Dự kiến, ngày 8.1.2018, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Trầm Bê, Phạm Công Danh và các đồng phạm. Cũng từ ngày 1.1.2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, vậy việc xét xử này sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự cũ hay mới?

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Hà - Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội - cho biết, việc xét xử vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm sẽ được áp dụng theo Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009. Còn trong Bộ luật Hình sự năm 2015, có những quy định gì có lợi cho người phạm tội sẽ được Hội đồng xét xử áp dụng.

Luật sư (LS) Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội có quy định: Từ ngày 1.1.2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. “Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018. Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và đồng phạm bị khởi tố, truy tố theo Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 nên khi xét xử vẫn sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự này”, LS Tiến cho biết.

Tổng hợp hình phạt

Tại phiên tòa sắp tới, Phạm Công Danh bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù.

Điểm rất đáng chú ý, Phạm Công Danh từng bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên 30 năm tù về 2 tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng (VNCB). Vậy đến phiên tòa tới nếu bị kết án, tổng hợp mức hình phạt Phạm Công Danh phải chịu là bao nhiêu năm tù?

Lý giải về vấn đề này, LS Nguyễn Quang Tiến cho biết: Trong Bộ luật Hình sự quy định, khi xét xử 1 lần với 1 người phạm nhiều tội nếu các tội danh là tù có thời hạn, khi tổng hợp mức án sẽ không quá 30 năm tù. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án như Phạm Công Danh, khi xét xử về tội khác thì tòa quyết định hình phạt về tội đang xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung, nghĩa là tổng hợp cả bản án cũ và tội đang xử. Nếu bản án mới của Phạm Công Danh là tù có thời hạn thì dù tổng hợp cả bản án cũ thì mức hình phạt chung sẽ không quá 30 năm tù.

Trước đó vào tháng 9.2017, trong phiên xét xử sơ thẩm đại án OceanBank với bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm, Phạm Công Danh bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. TAND TP.Hà Nội cũng tổng hợp hình phạt này với bản án cũ, buộc Phạm Công Danh phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù. Tuy nhiên, bản án của TAND TP.Hà Nội chưa có hiệu lực pháp luật, do Phạm Công Danh kháng cáo.

Theo LS Nguyễn Anh Thơm, tới đây TAND TP.HCM xét xử và tuyên án với Phạm Công Danh, khi tổng hợp hình phạt chung, bản án của TAND TP.Hà Nội sẽ không được tính vào vì chưa có hiệu lực pháp luật. Tòa chỉ tổng hợp bản án đang xử với bản án 30 năm tù do TAND Cấp cao tuyên trước đó. "Như vậy, trường hợp ông Phạm Công Danh dù có bị xét xử trong nhiều vụ án nhưng bản án đều là tù có thời hạn thì tổng hình phạt chung sẽ không vượt quá 30 năm tù. Đây là điều khá hiếm gặp", LS Thơm nói.

Theo cáo trạng truy tố, từ năm 2013 đến năm 2014, Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh do cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), nơi ông Danh đang là Chủ tịch hội đồng quản trị, nên ông đã chỉ đạo, lãnh đạo nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng: Sacombank, TPBank, BIDV.

Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Đối với ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank, là người đã giới thiệu Phạm Công Danh với Phan Huy Khang - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank; cùng Khang chỉ đạo các nhân viên Sacombank làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho các công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ lập khống. Khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh. Khi hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng.

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là vụ án được Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem