Điều kiện cần hay đủ?

Tùng Anh Thứ tư, ngày 15/10/2014 06:29 AM (GMT+7)
Lâu nay, hầu như cứ có việc phải vào bệnh viện là y như rằng không ít người lại phải kêu ca, phàn nàn về những điều “mắt thấy tai nghe” từ thái độ cư xử của các y bác sĩ.
Bình luận 0

Đó là câu chuyện về những chiếc phong bì… hiển nhiên phải mang theo trong hành trang nhập viện; đó là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của các y bác sĩ đối với những bệnh nhân nghèo phải khám chữa bằng bảo hiểm; là thái độ “lãnh cảm” trước những mất mát, đau thương của bệnh nhân... Đau lòng hơn khi đã có những sự vụ động trời liên quan đến đạo đức ngành y, những bác sĩ vì đồng tiền, bất chấp chuyên môn kém mà biến mình thành tội phạm... Không ít người đã quy trách nhiệm cho ngành giáo dục - cái nôi đào tạo ra những bác sĩ, y tá yếu kém. Tại Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH Y – Dược mới đây, những người đứng đầu các trường đào tạo ngành y một lần nữa đã phải nhìn nhận lại vấn đề tuyển sinh và đào tạo đầu vào của ngành mình. Trong đó, rất nhiều ý kiến đề xuất cần sử dụng thêm môn Văn để xét tuyển vào các trường y bên cạnh các môn thi truyền thống như Toán – Lý – Hóa- Sinh. Đánh giá cao ý tưởng này, GS- TS Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, không thể phủ nhận được những người giỏi văn có kỹ năng tốt về xử lý, giao tiếp, nhận thức, các kỹ năng ấy rất cần thiết để hỗ trợ cho những người hành nghề y, nghề chăm sóc cộng đồng rất cần những người có hiểu biết về con người.

Một lý do khác mà GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lý giải: “Việc học văn được coi như là học làm người, là một trong những “liều thuốc” bồi bổ tâm hồn, giúp cho con người sống nhân văn hơn, có nhân cách, độ lượng, biết đồng cảm với những đau khổ của người khác, khi biết đồng cảm họ sẽ chia sẻ với những nỗi đau và cứu chữa bệnh nhân bởi trái tim chứ không phải vì trách nhiệm hay đồng tiền”… Và ít nhất, môn Văn – như Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Kim Tiến cho rằng: “Sẽ giúp cho những chuyên viên ngành y soạn thảo ra những công văn không làm cho người đọc phải… đứt mạch máu não”. Điều này khẳng định, môn Văn không chỉ cần cho ngành y, nó cần cho bất cứ một ngành nào nếu ngành đó cần đạo đức và kỹ năng sống.

Việc đưa môn Văn vào xét tuyển các ngành Y – Dược là cần thiết, nhưng đưa thế nào để cả một “lứa” học sinh đang “đắm đuối” suốt 3 năm với việc theo đuổi các môn tự nhiên không bị “sốc” lại là một điều cần cân nhắc. Hay như chia sẻ của một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện K (Hà Nội), mỗi học sinh để bước qua ngưỡng cửa của một trường ĐH Y – Dược họ đã phải có một số điểm khá cao, cao vượt bậc so với mặt bằng chung của lứa thí sinh ấy. Một học sinh được mức điểm từ 27 – 30 chắc chắn không thể là một học sinh có đạo đức tầm thường hay là một học sinh “cá biệt”, cũng không thể là một học sinh dốt văn đến mức không có khả năng hoàn chỉnh một văn bản. Trong khi đó: “Việc học làm người là cả một quá trình, nó phụ thuộc vào môi trường giáo dục trong đó có nhân tố gia đình, xã hội chứ không chỉ do một môn Văn trong một kỳ thi mà có thể làm lên nhân cách. Vì vậy, nên lấy môn Văn là điều kiện “cần” chứ không nên là điều kiện “đủ” – bác sĩ này chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem