Điều kiện gì để Việt Nam xuất khẩu một trong những thực phẩm đắt nhất thế giới sang Trung Quốc?

K.Nguyên Thứ tư, ngày 23/11/2022 10:28 AM (GMT+7)
Cục Thú y (Bộ NNPTNT) vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh (cụ thể là bệnh cúm gia cầm và Newcastle) trên chim yến tại các nhà nuôi yến để xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.
Bình luận 0

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc; căn cứ các yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn dịch bệnh, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh (cụ thể là bệnh cúm gia cầm và Newcastle) trên chim yến tại các nhà nuôi yến dẫn dụ, hang tự nhiên có chim yến sinh sống để xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc.

Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cần gửi danh sách các nhà yến có tổ yến để xuất khẩu cho Cục Thú y.

Hằng ngày, chủ nhà yến có sản phẩm tổ yến xuất khẩu thực hiện theo dõi tình trạng sức khỏe của chim yến tại nhà yến; nếu phát hiện chim yến ốm, chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y địa phương.

Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân các trường hợp yến ốm, chết bất thường và hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.

Tại mỗi tỉnh, thành phố, Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn lựa chọn ngẫu nhiên 10% số lượng nhà yến có sản phẩm tổ yến xuất khẩu (tối đa không quá 30 nhà yến trong một tỉnh, thành phố) để lấy mẫu xét nghiệm vi rút cúm gia cầm và vi rút Newcastle. 

Đối với tỉnh, thành phố có dưới 20 nhà yến thuộc diện giám sát, Chi cục Thú y vùng lựa chọn ngẫu nhiên 02 nhà yến để lấy mẫu xét nghiệm.

Điều kiện gì để Việt Nam xuất khẩu một trong những thực phẩm đắt nhất thế giới sang Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải được giám sát bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Trong ảnh: Người dân Quảng Nam khai thác tổ yến. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Trong quá trình thực hiện giám sát, nếu có kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5, A/H7 hoặc vi rút Newcastle, Chi cục Thú y vùng báo cáo bằng văn bản cho Cục Thú y để kịp thời chỉ đạo các biện pháp xử lý và phòng, chống dịch bệnh

Thông báo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh bằng điện thoại và văn bản về kết quả xét nghiệm. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay các biện pháp tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục 03 ngày tại nơi có mẫu dương tính; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như đối với các ổ dịch cúm gia cầm hoặc Newcastle; đồng thời báo cho cơ quan y tế nơi có gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H5 hoặc A/H7.

Theo Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), lực lượng thú y sẽ thực hiện kiểm dịch và kiểm tra tổ yến theo quy định của pháp luật có liên quan của Trung Quốc và Việt Nam trước khi xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, đồng thời chứng nhận tổ yến được sản xuất, chể biến theo hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, được xử lý nhiệt hiệu quả để không bị nhiễm bất cứ mầm bệnh nào gây hại cho sức khỏe gia cầm hoặc con người và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật và quy định của hai bên. 

Khi phát hiện sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc không đạt yêu cầu, cán bộ thú y của Việt Nam phải giám sát các cơ sở liên quan để có các biện pháp khắc phục, bao gồm cả việc bắt buộc thu hồi các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm và có thể bị ô nhiễm. 

Để xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng quy định phòng chống dịch bệnh và quản lý nhà yến; xây dựng quy trình vận hành để kiểm soát vệ sinh đối với tổ yến trong quá trình thu hoạch và vận chuyển.

Hằng năm, xây dựng và thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng và kế hoạch giám sát, kiểm soát dịch bệnh để bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm tổ yến, bao gồm số lượng mẫu hợp lý từ nhà nuôi yến để xét nghiệm bệnh cúm gia cầm và Newcastle. 

Các cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nhà nuôi yến đã đăng ký đến khi xuất khẩu, bảo đảm sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và thu hồi kịp thời khi có sự cố. 

GACC sẽ cấp giấy phép kiểm dịch cho tổ yến nhập khẩu, ngoại trừ sản phẩm tổ yến chế biến sâu và đóng hộp ăn liền. Nếu không có giấy phép, tổ yến sẽ bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trong trường hơp phát hiện tổ yến nhập khẩu không đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư này, GACC có quyền tạm giữ, trả lại, tiêu hủy hoặc thực hiện các hành động cần thiết khác đối với tổ yến nhập khẩu đó và thông báo cho Bộ NNPTNT Việt Nam.

Bộ NNPTNT sẽ xác nhận tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle theo các quy định tại Bộ luật động vật trên cạn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) và báo cáo không có ca bệnh cúm gia cầm và Newcastle trong khu vực có các nhà nuôi yến trong thời gian 12 tháng. 

Theo Wikipedia, yến sào hay tổ chim yến là tên một loại thực phẩm - dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến, được đánh giá là 1 trong 10 thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới.

Đây là món cao lương mỹ vị của các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Malaysia, Indonesia.

Còn theo Bản thảo cương mục, yến sào vị ngọt, tính bình, vào hai kinh phế và vị, thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng.

Yến sào có giá trị rất cao trong việc phục hồi nhanh sức khỏe cho các trường hợp: suy nhược cơ thể, mệt mỏi, biếng ăn, khí huyết yếu kém, cơ thể nóng, mất ngủ, tim đập nhanh, gầy ốm, da vàng, hen suyễn…và sau khi ốm dậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem