"Các bạn tôi đã thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Gia đình tôi cũng muốn góp vốn tham gia hợp tác xã. Xin hỏi, hộ gia đình có thể là thành viên hợp tác xã được không? Pháp luật quy định thế nào về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã?" - Bạn đọc Phượng Chàn Nu (Hà Giang) hỏi.
Trả lời:
Trao đổi về câu hỏi của bạn đọc, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay, theo quy định tại Điều 13 Luật hợp tác xã 2012, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.
Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã; có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã; góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật hợp tác xã 2012 và điều lệ hợp tác xã; Điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.
"Theo đó, hộ gia đình đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên sẽ có thể trở thành thành viên của hợp tác xã" – Luật sư nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư, quy định về hộ gia đình góp vốn vào hợp tác xã để trở thành thành viên hợp tác xã được quy định tại điều 17 Luật Hợp tác xã. Cụ thể, đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.
Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp. Khi góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.