Đình Kim Liên hậu trùng tu: “Chặt cổ” cột và bình phong “thủng”

Thứ hai, ngày 15/11/2010 13:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đình Kim Liên được trùng tu chào mừng Đại lễ 1000 năm. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện, nhiều hạng mục không đảm bảo về yếu tố mỹ thuật, tâm linh. Ngôi đình mới là một khối kiến trúc... “kỳ cục”.
Bình luận 0

“Chặt cổ” cột và bình phong “thủng”

Đình Kim Liên thờ thần Cao Sơn đại vương, là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nằm ở phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), thuộc hệ thống “Thăng Long tứ trấn” của kinh thành xưa.

img
Mái nghi môn “chẹn họng” cột

Với giá trị văn hoá, lịch sử đặc biệt, ngôi đình là một “điểm nhấn” trong dịp Đại lễ vừa qua, từ năm 2008, đình đã được khởi công trùng tu, với kinh phí khoảng 36,6 tỷ đồng, do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư. Tiếc thay, việc trùng tu với đình Kim Liên đã trở thành sự “đánh đổi”!

Nghi môn (cổng đình) của đình Kim Liên được xây dựng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cột cổng được coi như mạch nguồn của ước vọng nông nghiệp... Đỉnh cột đắp lân, trong thế nhìn xuống như sự kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Cây cột như mạch nối nguồn sinh lực thiêng liêng giữa trời và đất, như một trục vũ trụ...

Khi phóng viên NTNN trao đổi với kiến trúc sư Lê Anh Vũ, người trực tiếp tham gia vào công tác trùng tu đình thì nhận được trả lời: “Chúng tôi đã nhận được ý kiến của Cục Di sản văn hóa về việc xây dựng cổng đình, chúng tôi đã tiến hành tu sửa. Tuy nhiên, theo tôi đây chỉ là cảm quan của mỗi người nhìn vào. Còn về bức bình phong, chúng tôi xây dựng dựa theo góp ý của dân làng Kim Liên và họ yêu cầu để chữ “Thọ” như vậy!”.

Đấy là trước kia, còn bây giờ: Mẫu cổng sao chép cổng đình Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội một cách không trọn vẹn, mái gá thẳng vào cột đình, không trùm lên trên mà “leo” ra ngoài cắt ngang cột. Đến nay, các câu đối trên cổng một số chữ đã bị mờ, chữ đen, chữ trắng trông rất xấu! 

Nhìn cảnh này, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền – Cục Di sản văn hóa – Bộ VH-TT&DL bức xúc: “Mái đình xòe ra, cắt đứt cổ cột!”.

Cùng với đó, bức bình phong đặt trước đình cũng nhận được nhiều “phàn nàn” của các nhà khoa học. Bình phong vốn được xây dựng với mục đích ngăn khí độc, cũng được hiểu như khí độc quỷ dữ thổi vào thần thánh. Theo nguyên tắc, bình phong phải kín. Tuy nhiên, bức bình phong ở đình Kim Liên lại trổ thủng chữ “Thọ” ở giữa.

Trên bảo dưới không nghe

Trong quá trình trùng tu, xây dựng, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) đã có những góp ý với đơn vị thi công và chủ đầu tư. Tuy nhiên, các hạng mục trên hoàn toàn không đáp ứng được những yêu cầu đảm bảo giá trị văn hoá, lịch sử.

Ông Trần Lâm Biền cho biết “Chúng tôi đã lên tiếng rất nhiều về những sai sót này. Tuy nhiên, công tác quản lý kém, thợ xây dựng không hiểu nên kết quả trở nên thảm hại như thế này!”.

Phóng viên NTNN cũng đã hỏi Ban quản lý di tích nhưng không nhận được lời lý giải nào thoả đáng ngoài câu trả lời đơn giản: “Chúng tôi chỉ làm công tác quản lý đình, còn việc xây dựng tu bổ là do đơn vị thi công làm, chúng tôi không có ý kiến gì”.

Sai sót trong xây dựng, không tiếp thu ý kiến chuyên môn, đến nay, mấy hạng mục này vẫn chưa được điều chỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem