Đìu hiu trung tâm cá giống

Trọng Bình Thứ năm, ngày 14/08/2014 16:24 PM (GMT+7)
Từng được xem là trung tâm cá giống của ĐBSCL, An Giang vốn nổi tiếng là một trong những địa phương có nghề ương nuôi cá giống  cả về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng cá giống. Tuy nhiên, nghề này đang ngày một đìu hiu theo bước thăng trầm của con cá tra. 
Bình luận 0

Ương cá giống để bán... phóng sinh

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, nghề ương nuôi cá giống tập trung nhiều ở các huyện đầu nguồn, thuận lợi về nguồn nước và giao thông đường thủy như An Phú, Tân Châu, Châu Phú, Phú Tân... Các loại cá giống được ương nuôi phổ biến là rô phi, tai tượng, mè dinh, cá trê, cá lóc… nhiều và phổ biến nhất vẫn là cá tra, ba sa; đặc biệt, gần đây còn có cả những loại cá giống thuộc hàng quý hiếm như cá lăng nha, cá cóc và cả cá hô.

Trong đó, huyện Châu Phú là nơi có số lượng người nuôi cũng như số ao nuôi cá tra nguyên liệu lớn nhất trong tỉnh An Giang với tổng diện tích gần 500 ha. Số hộ và diện tích ương nuôi cá giống ở đây cũng đứng đầu trong tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, do giá cá giảm liên tục, người nuôi cá thua lỗ, diện tích nuôi cá đã giảm hơn 80%.

Theo thống kê của phòng NNPTNT huyện Châu Phú, năm 2010, toàn huyện có tổng số hơn 155 ha diện tích mặt nước ương nuôi cá giống của gần 400 hộ tham gia. Tuy nhiên, đến giữa năm 2014, số nuôi giảm gần 50% và diện tích ương giống bỏ trống lên đến gần 83 ha.

Ông Phạm Văn Cường – Chủ tịch Hội ND huyện Châu Phú cho biết: “Trong huyện Châu Phú, đa số các hộ ương nuôi cá giống là do tự phát, chạy theo nhu cầu cá giống tức thời vì lượng người nuôi cá tra thịt phát triển ồ ạt trong thời gian qua. Mặt khác các hộ làm nghề (ương nuôi cá giống) đều là nông dân, ai cũng có làm lúa hoặc trồng rẫy; làm giống (cá giống) chỉ là nghề phụ kiếm thêm, được chăng hay chớ, không được thì bỏ trống ao. Theo tôi điều này cũng gây lãng phí nhưng thật sự thì việc ương nuôi giống ở đây hồi nào giờ chưa có quy họach; hầu hết do nông dân tự phát lên làm, tự phát rồi tự tàn”.

Nhiều hộ nuôi cá giống ở An Giang hiện nay đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì cá giống không ai mua, đường cùng nhiều hộ nuôi nảy ra “sáng kiến” treo bảng bán cá… phóng sinh.

Tự phát, tự tàn

Trước tình hình ao nuôi bỏ trống ngày một nhiều, huyện Châu Phú (cũng là địa phương có diện tích ao nuôi bỏ trống lớn nhất trong tỉnh) đã có cách chuyển linh hoạt là vận dụng ao để nuôi tôm càng xanh.



Anh Nguyễn Nguyên Ngân, xã Vĩnh Thạnh Trung
   Đợt vừa rồi tui ương nuôi trên dưới 4 triệu con giống cá tra. Tới lúc ra giống rồi mà giá “bèo quá”, bán thì lỗ, tui phải ôm luôn để nuôi cá thịt chứ biết làm sao. Giờ cá thịt cũng rớt giá hoài, chắc là lỗ chồng lỗ”.
 
Ông Nguyễn Văn Xinh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Phú cho biết: “Ở An Giang hiện chỉ mới có một vùng nuôi tôm nguyên liệu (gần 300ha) ở huyện Thoại Sơn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là vùng nuôi tôm trên ruộng lúa. Việc triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao hầm hứa hẹn nhiều triển vọng”.

 

“Chỉ riêng ở đây (huyện Châu Phú) đã có khoảng hơn 200ha diện tích mặt ao (bao gồm nuôi cá giống và cá thịt) đang ở trong tình trạng “ao treo” (ao bỏ không). Nếu tận dụng “ao treo” này để nuôi tôm càng xanh, nông dân sẽ tiết kiệm được khá lớn chi phí đầu vào, hạ được giá thành tôm càng xanh” – ông Xinh nói.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên– Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú (huyện Châu Phú) nhận định rằng: “Tình hình cá giống đìu hiu như hiện nay cần phải có quy hoạch việc ương nuôi cá giống chứ không thể để tình trạng tự phát tiếp diễn. Tình trạng tự phát này đã cho thấy một sự khủng hoảng thừa và lãng phí rất lớn về diện tích ao hầm. Mặt khác cũng cần có sự hỗ trợ để nông dân chuyển diện tích ao hầm bỏ trống sang nuôi trồng thứ khác hiệu quả hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem