DN nhập nhèm báo cáo tài chính khiến nhà đầu tư nuốt... “trái đắng”

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 10/02/2017 06:00 AM (GMT+7)
Nhìn vào báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư vội mua vào cổ phiếu để “đón sóng” và trở thành trắng tay sau đó khi số liệu tài chính này bỗng thay đổi “một trời một vực” so với trước đó...
Bình luận 0

img

Thông tin tài chính sai của Hùng Vương khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng.

Những phiên giao dịch đầu năm mới sau tết nguyên đán Đinh Dậu, cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Hùng Vương bất ngờ giảm sàn nhiều phiên liên tiếp. Lúc này, thông tin về việc HVG “bốc hơi” hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu được công bố khiến nhiều nhà đầu tư bỗng phát hoảng vì trước đó, báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp này còn báo lãi khá khả quan.

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2016 của Hùng Vương sau kiểm toán giảm từ 19.921 tỷ đồng xuống còn 17.884 tỷ đồng. Lãi gộp theo đó cũng giảm từ 1.571 tỷ đồng xuống 1.349 tỷ đồng. Phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết từ mức lãi hơn 32 tỷ đồng trước kiểm toán cũng bất ngờ điều chỉnh thành lỗ hơn 32 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng thay đổi theo hướng tăng từ mức 216 tỷ đồng lên hơn 268 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Hùng Vương chỉ còn 58,8 tỷ đồng, giảm tới 86% so với trước kiểm toán (406 tỷ đồng) và giảm 62% so với thực hiện năm 2015 (156 tỷ đồng). Lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là âm 49,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 309 tỷ đồng trước kiểm toán.

Giới chuyên gia chứng khoán còn bình luận về HVG rằng “nhà dột còn gặp mưa đêm” khi bất ngờ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã ra quyết định về việc đưa cổ phiếu HVG vào diện cảnh báo (từ ngày 15.2) và không được phép giao dịch ký quỹ.

Đáng nói, trước những thông tin này, phía HVG chỉ đưa ra giải trình khá... “khiêm tốn”. Cụ thể, trong khoản hao hụt hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu thì Hùng Vương mới chỉ giải trình 2 khoản giảm (trị giá gần 400 tỷ đồng) gồm: doanh thu 228 tỷ đồng bán bã đậu nành, bị loại ra do ghi nhận sai niên độ và doanh thu 180 tỷ đồng từ việc sang nhượng quyền sử dụng ao đã bị loại bỏ do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Thế nên, trong 6 phiên giao dịch sau tết nguyên đán đến nay, mã cổ phiếu HVG chỉ có một phiên tăng 4,7%, từ mức giá 6.750 đồng/CP lên 7.070 đồng/CP; các phiên còn lại đều giảm sàn. Hiện giá HVG chỉ còn ở mức 6.580 đồng/CP, giảm nhiều so với mức giá 9.000 đồng/CP thời điểm trước tết nguyên đán.

Anh Nguyễn Vân Long, một nhà đầu tư cổ phiếu tại Q.3 cho biết, anh “ôm” cổ phiếu HVG từ cuối năm 2016 để đón “sóng” đầu năm 2017 với mức giá 9.700 đồng/CP, khi đó HVG công bố bản báo cáo tài chính khá đẹp, đầy tiềm năng nhưng những phiên vừa qua thì mới thấy sốc, có khi nào HVG lại giống một TTF, HNG thứ 2 hay không?

Còn nhớ trước đó, cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành cũng khiến nhà đầu tư nuốt “trái đắng”. Cụ thể, sau khi Công ty bị phát hiện báo cáo tài chính thiếu 980 tỷ đồng hàng tồn kho, dẫn đến khoản lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý II.2016, cổ phiếu TTF giảm không phanh từ 43.600 đồng/CP xuống mức giá 5.390 đồng/CP vào cuối năm 2016.

Bước sang năm 2017, TTF chỉ còn giao động quanh mức giá 5.000 đồng - 5.200 đồng/CP dịp sát tết nguyên đán. Tuy nhiên, bất ngờ TTF công bố báo cáo tài chính quý 4.2016 với việc doanh nghiệp này tiếp tục lỗ 145.7 tỷ đồng, qua đó lũy kế cả năm TTF lỗ lên đến 1.621 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm âm hơn 195 tỷ đồng.

Trước tình hình sức khỏe này, TTF đang đối mặt với tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc. Thế nên không khó ngạc nhiên khi giá cổ phiếu hiện tại của TTF chỉ còn 4.970 đồng/CP.

DN công bố thông tin sai, xử lý thế nào?

Liên quan đến việc báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp bỗng xảy ra “biến cố” khiến nhà đầu tư nuốt trái đắng, theo Luật sư - Tiến Sỹ Bùi Quang Tín, giảng viên ĐH Ngân Hàng - thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, chế tài xử phạt các hành vi thao túng, làm giá, thông tin sai tình hình tài chính doanh nghiệp chưa rõ ràng và nghiêm khắc nên chưa thể răn đe mạnh.

Cụ thể, theo ông Tín, với các doanh nghiệp công bố thông tin sai thường chỉ bị phạt, xử lý hành chính hoặc dân sự chứ chưa xử phạt hình sự vì còn vướng luật. Nguyên nhân là Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009-2010 chưa quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân. Trong khi đó, luật Hình sự năm 2015 dự kiến có hiệu lực vào 1.7.2016 có quy định xử lý pháp nhân nhưng mới đây lại có kiến nghị lùi thời hạn áp dụng do có 1 số lỗi cần điều chỉnh. Vì vậy, trước mắt vẫn sẽ áp dụng luật Hình sự năm 1999.

“Tuy luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009-2010 chưa quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân nhưng có quy định xử lý với cá nhân, do đó với những thông tin mà doanh nghiệp công bố sai sự thật gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn toàn có thể kết hợp với cơ quan chức năng xử lý những cá nhân công bố những thông tin gây thiệt hại đó”, ông Tín nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem