DN và HTX đóng vai trò then chốt trong tiêu thụ nông sản an toàn

Hải Đăng Thứ năm, ngày 06/06/2019 06:05 AM (GMT+7)
Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển chuỗi nông sản an toàn của Hà Nội hiện nay, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đóng vai trò then chốt trong khâu tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân.
Bình luận 0

Tập trung gỡ khó

Để thuận lợi trong tiêu thụ nông sản an toàn, từ đầu năm đến nay, Hà Nội hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại nhiều hội chợ trong nước.

Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội phối hợp Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển IDE triển khai lựa chọn cơ sở để hỗ trợ xây dựng và áp dụng tem điện tử thông minh QRcode truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chuỗi nông sản an toàn còn gặp nhiều khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cũng thừa nhận, công tác kết nối các khâu của chuỗi giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được các hợp đồng ổn định lâu dài, chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp...

img

Mô hình sản xuất rau an toàn đem lại hiệu quả kinh tế bền vững ở Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

"Hiện nay, cơ chế, chính sách trong xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể, lợi nhuận phân phối chưa công bằng giữa các tác nhân trong chuỗi. Trong đó, người kinh doanh bán buôn, bán lẻ nhận được nhiều lợi nhuận hơn so với người sản xuất. Kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt cá an toàn còn ít, khó mở rộng, khó duy trì mô hình sản xuất an toàn. Sản phẩm chuỗi được xác nhận còn ít, bao bì, nhãn mác. Công tác quảng bá sản phẩm chuỗi chưa thường xuyên do thiếu kinh phí" - ông Loát khẳng định.

Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển chuỗi nông sản an toàn, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng, cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp và HTX, theo đó, 2 đơn vị này phải đóng vai trò then chốt trong khâu tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân.

img

Theo ông Mỹ, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm cho người tham gia sản xuất; vận động các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại chủ động liên kết, hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất.

Sớm có chính sách hỗ trợ

Theo báo cáo của Hội ND TP.Hà Nội, hiện, toàn thành phố có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn (trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật). Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, hội nông dân tham gia.

Toàn thành phố hiện có 178 HTX, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhiều HTX, tổ hợp tác thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Ông Lê Trọng Khuê - Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho biết, việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã và đang được các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng rất quan tâm thực hiện, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Các cấp Hội ND của Hà Nội cũng đẩy mạnh việc vận động, hướng dẫn nông dân phát triển mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi, bao gồm các công đoạn: Liên kết sản xuất; dạy nghề, truyền nghề; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem