Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc

Thứ hai, ngày 14/08/2023 06:36 AM (GMT+7)
Huỳnh Anh Thư là thủ khoa "kép" ngành thiết kế thời trang Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, với số điểm đồ án tốt nghiệp 9.4/10. Nữ sinh dùng góc nhìn của người trẻ khai thác vẻ đẹp thư pháp Việt Nam.
Bình luận 0

"Nét" thư pháp dưới góc nhìn của người trẻ hiện đại

Thời thơ ấu Anh Thư có sở thích vẽ quần áo và làm đồ cho búp bê, nhưng mãi đến 18 tuổi nữ sinh mới nhìn nhận nghiêm túc về niềm đam mê của mình. Bởi lẽ, Thư từng sợ bản thân không đủ tình yêu đối với ngành thiết kế thời trang cũng như sự kiên nhẫn để dành cho chuyên ngành này.

Năm 2018, Huỳnh Anh Thư trở thành thủ khoa đầu vào ngành thiết kế thời trang Trường Đại học Kiến trúc TPHCM với 8.5 điểm năng khiếu. Sau 5 năm gắn bó với giảng đường đại học, nữ sinh tiếp tục nắm trong tay vị trí thủ khoa đầu ra với số điểm cao nhất toàn khóa 9.4/10.

Được biết, "Nét" được hiểu là nét chữ, nét người. Dưới lăng kính của nghệ thuật viết thư pháp, tên bộ sưu tập không chỉ gói gọn trong hình thức, nội dung. Ngoài ra, nó còn làm bộc lộ khí chất, phong thái người cầm bút.

Theo Anh Thư, để tạo nên một nét thư pháp chạm đến vẻ đẹp tuyệt mỹ và có hồn, người nghệ sĩ phải ngày đêm luyện tập kỹ thuật, trau dồi tư duy sống, mài dũa tính cách bản thân.

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc

"Thư pháp Việt Nam kéo dài hàng nghìn năm, trong đó bao hàm vô vàn giá trị về văn hóa, lịch sử. Sẽ thật nuối tiếc khi phần nào đó của nền văn minh này chìm dần vào dĩ vãng. Sau tất cả, mình cho rằng, những giá trị truyền thống không chỉ nằm yên ở quá khứ.

Như một chiếc kén từng ngày lột xác và bung nở, vẻ đẹp truyền thống ấy chính là gốc rễ của kế thừa và phát huy, tiếp nối và khai phóng mạnh mẽ hơn nữa cho lớp trẻ mai sau", Thư chia sẻ.

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 1.

Bản thiết kế "Nét" dưới góc nhìn đa chiều. (Ảnh: NVCC).

Thư cho biết, "Nét" được khai thác từ nghệ thuật thư pháp Việt Nam đặt vào góc nhìn mới của một người trẻ trong nhịp sống hiện đại.

Thông qua đó, Thư đã xử lý chất liệu như đính kết thủ công, phá cấu trúc từ phom dáng áo dài nam, rã rập thành từng mảnh nhỏ và xâu lại bằng móc khoen kim loại và đan và thắt dây phối hợp đa chất liệu, để khắc họa nét đẹp trong từng bộ trang phục.

Bộ sưu tập "Nét" gồm 5 mẫu thiết kế. Các thiết kế được truyền cảm hứng và phát triển từ phom dáng, các đường nét - cấu trúc của áo dài nam, bởi vậy, trang phục chủ yếu là phom suông. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần tự do, phóng khoáng thường thấy trong cách vận bút trong thư pháp.

Bên cạnh đó, Thư sử dụng các chất liệu một cách đa dạng nhưng vẫn đảm bảo độ hài hòa và nhịp nhàng trong tổng thể trang phục. "Ở một số mẫu thiết kế, việc lựa chọn chất liệu có bề mặt và tính chất giống như một trang giấy xưa cũng là một chi tiết được đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, mình muốn nhìn nhận thư pháp dưới góc độ đa chiều nên đã biến tấu những mảnh giấy thư pháp 2D thành dạng 3D thông qua ngôn ngữ thời trang bằng phương pháp draping (một kỹ thuật quan trọng trong thiết kế) 3D trên nền vải in chuyển nhiệt và dập ly tăm", Anh Thư chia sẻ.

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 2.

Điểm nhấn của bộ trang phục đầu tiên là sự hòa quyện giữa sắc đen - trắng. (Ảnh: NVCC).

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 3.

Những chi tiết được đặc tả công phu qua cách đi mực thủ công. (Ảnh: NVCC).

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 4.

Bộ trang phục thứ 2 được lấy cảm hứng từ độ loang của mực trên giấy. (Ảnh: NVCC).

Ở bộ thứ 2, ngoài các kỹ thuật may, phối tầng dập ly và vẽ tay thủ công được chú trọng để đặc tả dụng ý. Các sản phẩm phụ kiện như túi đeo thắt lưng, bao tay được thiết kế sao cho phù hợp với việc phối hợp sao cho tạo được tổng thể bắt mắt, hài hòa, chỉnh chu.

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 5.

Bộ trang phục thứ 3 được cấu tạo từ những mảnh ghép ký ức về thăng trầm của nghệ thuật thư pháp Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 6.

Bộ trang phục thứ tư sử dụng phương pháp draping 3D trên nền vải in chuyển nhiệt và dập ly tăm. (Ảnh: NVCC).

Phần quần ở bộ trang phục thứ tư được lấy cảm hứng từ những sợi dây dùng để buộc cuộn giấy thư pháp. Để biến tấu chúng dưới góc nhìn thời trang, tác giả đã sử dụng phương pháp xử lý là đan và phối đa chất liệu như dây bố, sợi len thừng, dây sáp bóng, dây da.

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 7.

Bộ trang phục thứ 5 truyền tải giá trị của thư pháp ở quá khứ, hiện tại và tương lai. (Ảnh: NVCC).

Anh Thư đã sử dụng thủ pháp đan dây thủ công, dùng những sợi dây thành từng cụm nhỏ và thắt tay toàn bộ để tạo sự liên kết đặc trưng, trên đó điểm xuyết những dây pha lê cùng màu.

Phần phụ kiện như nón cũng là một sản phẩm thiết kế đan dây thủ công mang tính linh hoạt, với phần viền được luồn kẽm, chiếc nón có thể biến tấu được nhiều kiểu khác nhau tùy vào mục đích sử dụng.

"Tập trung vào từng bước nhỏ để đạt được mục tiêu lớn"

Anh Thư kể, cô đã phải dành ra khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, thử nghiệm, thực hiện và chỉnh sửa các cách xử lý để cho ra hiệu ứng trên trang phục một cách tốt nhất.

Tuy vậy, nữ sinh không cảm thấy mệt hay chán nản bởi đề tài về nghệ thuật thư pháp tạo cho cô vô vàn cảm hứng để khai thác qua nhiều góc độ.

Theo Thư, càng nghiên cứu kỹ, nữ sinh càng thêm ngưỡng mộ, trân quý các giá trị văn hóa nước nhà. Điều đó đã tạo cho Thư động lực để sống hết mình với đồ án cuối của đời sinh viên.

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 8.

Anh Thư trở thành thủ khoa với điểm đồ án tốt nghiệp xuất sắc. (Ảnh: NVCC).

Tuy có kết quả đồ án xuất sắc và kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang như công việc kinh doanh, thực tập ở các công ty Thư vẫn luôn cảm thấy không đủ.

"Mình nhận thấy bản thân phải trau dồi thêm nhiều kiến thức chuyên môn lẫn trải nghiệm thực tế.

Do đó, mình sẽ việc tiếp tục làm việc và học tập thêm trong ngành thời trang, khám phá những giới hạn mới để có thể duy trì được trong tương lai và mai sau", Anh Thư nói.

Đồ án đặc biệt của thủ khoa kép ngành thời trang Trường Đại học Kiến trúc - Ảnh 9.

Nhà thiết kế Anh Thư cùng dàn người mẫu sau buổi trình diễn. (Ảnh: NVCC).

Đạt được thành tích cao sau quãng thời gian nỗ lực, phấn đấu hết mình Thư muốn gửi đôi lời tâm sự tới các bạn trẻ: "Mình nghĩ câu nói "Tập trung vào từng bước nhỏ để đạt được mục tiêu lớn" là lời mà mình muốn nhắn nhủ cho mình trước đây và cũng như các bạn trẻ đang nỗ lực vì đam mê của bản thân.

Cuộc đời là chặng đường dài, tất nhiên chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách. Bởi vậy, chú trọng từng mục tiêu nhỏ sẽ giúp hành trình của bạn nhẹ nhàng hơn và điều đó sẽ tạo động lực để mỗi người đạt được những bước tiến xa hơn".

Thu Hoài (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem