Đỗ tốt nghiệp THPT của nhiều tỉnh chạm 100%: Có nên duy trì kỳ thi tốn kém?

Nhóm Phóng viên giáo dục Thứ tư, ngày 18/06/2014 07:17 AM (GMT+7)
Tới ngày 17.6, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đã công bố chính thức kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Không ngoài dự đoán của các chuyên gia giáo dục, con số 100% đỗ tốt nghiệp đã xuất hiện ở hàng trăm trường THPT, và tại rất nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỷ lệ này cũng rất cao.
Bình luận 0

Không hề bất ngờ

Tới thời điểm này chưa có tỉnh nào con số đỗ tốt nghiệp dưới 95%, đặc biệt đã có vài trăm trường công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt tuyệt đối.

Cụ thể, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đạt 98,83%, trong đó có tới 20 trường có 100% học sinh đỗ; tỉnh Tây Ninh tỷ lệ đỗ là 97,75%, trong đó có 5 trường đạt tỷ lệ đỗ tuyệt đối; tỉnh Bình Dương tỷ lệ đỗ là 99,86%, trong đó 26 trường THPT (trên tổng số 32 trường) và 1 TTGDTX đỗ tuyệt đối. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của tỉnh Cà Mau là 98,27% ở hệ THPT và 94,18% hệ GDTX, với 14/30 trường THPT đỗ tốt nghiệp 100%. Thông tin từ Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ tốt nghiệp của thành phố đạt 97,95%, trong đó hệ THPT đạt 99,56%; hệ GDTX đạt 86,63%.

Tại Đà Nẵng, chiều 16.6, Sở GDĐT cũng công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với tỷ lệ đỗ 98,54%, có 5 trường có tỷ lệ đỗ 100%, trong đó Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có tới 153 học sinh đỗ loại giỏi. Tỉnh Phú Yên có 6 trường THPT đỗ 100%, tỷ lệ chung toàn tỉnh đạt 96,27%. Tỉnh Bình Định còn đạt thành tích cao hơn với tỷ lệ đỗ là 99,17%; có 27 trường THPT, 4 TTGDTX có 100% đỗ tốt nghiệp.

Tương tự, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - ông Nguyễn Hiệp Thống thông tin: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của thành phố đạt 98,54% hệ THPT và 93,06% hệ GDTX, trong đó có tới 92 trường đỗ 100% (chiếm 40% tổng số trường trên địa bàn)… Đây là những con số không hề bất ngờ đối với nhiều giáo viên và các chuyên gia giáo dục khi Bộ GDĐT chủ trương đổi mới kỳ thi tốt nghiệp. Trao đổi với phóng viên, nhiều giáo viên còn cho rằng, số rất ít ỏi học sinh trượt tốt nghiệp năm nay là do “vướng” phải điểm liệt mới được Bộ GDĐT thay đổi (1 điểm). Và nếu điểm liệt vẫn giữ ở 0 thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp còn cao hơn.

Sớm “xóa sổ” kỳ thi tốt nghiệp

Năm 2013, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 97,52%. Năm nay, theo báo cáo sơ bộ của Cục Khảo thí kiểm định chất lượng - Bộ GDĐT ngày 17.6, tổng hợp 46 tỉnh thành tỷ lệ đỗ đã đạt 99,01% hệ THPT và 68,97% hệ GDTX. Nhìn vào “những con số đẹp” của kỳ thi tốt nghiệp này, nhiều chuyên gia giáo dục đã đặt câu hỏi: “Liệu kết quả này có phản ánh thực chất năng lực của học sinh không? Trong trường hợp đó là những con số thực thì việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT còn ý nghĩa gì?”.

Còn nhớ năm 2007, sau cuộc vận động “hai không” và cải cách thi cụm, chấm chéo của Bộ GDĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nhiều tỉnh đã không đạt nổi 50%, thậm chí có trường không có nổi một học sinh thi đỗ. Đến năm 2012, Bộ bỏ “thi cụm chấm chéo”, tỷ lệ đỗ nhiều tỉnh đã chạm mức 99% và năm nay con số này cũng không thấp hơn. Trong khi đó, Bộ GDĐT khẳng định kỳ thi năm 2014 đã diễn ra nghiêm túc, căn cứ vào số lượng thí sinh bị đình chỉ do vi phạm quy chế thi giảm mạnh từ 49 trường hợp (năm 2013) còn 11 trường hợp (năm 2014).

GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nếu kết quả đã phản ánh đúng chất lượng thì không nên tổ chức một kỳ thi vất vả, tốn kém mà chỉ để loại vài chục thí sinh, như thế là rất lãng phí. GS Văn Như Cương đề xuất: “Xét tốt nghiệp chắc chắn sẽ chính xác hơn, các thầy cô là người hiểu học sinh của mình học như thế nào, việc xét sẽ không thể đỗ tuyệt đối được”.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH - CĐ ngoài công lập ví von: “Thi tốt nghiệp cũng giống như việc sàng gạo, những nhân tố chưa đạt yêu cầu sẽ bị giữ lại, nhưng giờ tất cả đều “lọt” xuống rồi thì việc sàng lọc chẳng còn ý nghĩa gì cả”. Cũng theo ông Nhĩ, kết quả thi tốt nghiệp cao chưa chắc đã phản ánh đúng chất lượng học sinh, nhất là với chương trình học hiện tại, khi mà giáo viên vẫn còn áp lực bởi bệnh thành tích. Nên thay đổi theo hướng chỉ còn 1 kỳ thi theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ở khía cạnh khác, GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, việc thi cử vẫn cần phải duy trì, nhưng là thi theo hướng rất nhẹ nhàng: “Học sinh, giáo viên của ta vẫn tồn tại tư duy “học thì phải thi, thi thì mới học”. Kỳ thi tốt nghiệp tuy đã được cải tiến nhưng vẫn rất nặng nề, đề thi đã được giảm tải và nhiều người cho rằng dễ nhưng so sánh với nhiều nước trên thế giới thì vẫn rất nặng. Cần phải “làm nhẹ” hơn nữa kỳ thi này”.

Ông Hãn cho biết, nhiều quốc gia cũng đã làm theo cách để học sinh tích lũy điểm trong quá trình 3 năm học đạt đến một mức nào đó thì thực hiện kiểm tra qua tốt nghiệp. Nước ta cũng nên tham khảo cách làm này.

Vài năm trở lại đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT rất cao. Năm nay, học sinh có nhiều lợi thế: Được chọn môn thi mình thích, được làm các đề thi theo hướng mở… Vì vậy, điểm số cao không có gì bất ngờ”.
Thầy Nguyễn Hòa Bình - giáo viên THPT huyện Yên Khánh (NinhBình)                                                                                                                     

Con số học sinh trượt tốt nghiệp phần lớn là do vướng phải điểm liệt (điểm 1), ở hệ THPT tỉnh An Giang có 10 em và hệ GDTX có 300 em bị điểm này”.Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó phòng Khảo thí và
kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT An Giang


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem