“Đổ vốn” xuống sông Đuống, nhiều hộ thành triệu phú

Thu Hà Thứ năm, ngày 11/10/2018 19:10 PM (GMT+7)
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hộ nông dân mở rộng quy mô nuôi cá lồng dọc sông Đuống, thuộc xã Song Giang, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Đến nay, các hộ vay vốn đều có thu nhập ổn định, có của ăn của để.
Bình luận 0

Liên kết người nuôi cá

Cùng cán bộ Hội ND huyện Gia Bình ra thăm mô hình nuôi cá lồng của anh Đào Xuân Chuẩn ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang, mới thấy rõ hiệu quả của dự án. Anh Chuẩn là một trong những hộ đầu tiên đưa nghề nuôi cá lồng về địa phương.

img

  Anh Đào Xuân Chuẩn kiểm tra lồng cá lăng trước khi xuất bán. Ảnh: Thu Hà

Các cấp Hội ND tỉnh Bắc Ninh đang quản lý hơn 51,8 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ HTND. Theo ông Trần Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh, các dự án sử dụng Các hộ được vay vốn không chỉ có cơ hội đầu tư làm ăn có lãi, mà còn giúp đỡ các hộ khác về kinh nghiệm, kỹ thuật.

Anh Chuẩn cho biết: “Đầu năm 2014, tôi cùng với anh em trong thôn đưa 10 lồng vào nuôi thử nghiệm, thể tích mỗi lồng khoảng 100m3. Vị trí đặt lồng nuôi cá tại khu vực kè Chi Nhị - nơi có dòng sông Đuống chảy qua với độ sâu, nước vừa phải và gần phần đất của gia đình để tiện cho chăm sóc và bảo vệ”.

Ban đầu giống cá được anh Chuẩn chọn nuôi là cá diêu hồng, với mật độ thả khoảng 8.000 con/lồng, thức ăn cho cá là cám công nghiệp. Sau khoảng 7 tháng nuôi thả, cá đạt trọng lượng từ 1-1,5kg, anh xuất bán. Lứa cá đầu tiên gia đình anh lãi trên 60 triệu đồng.

Từ thành công  ban đầu của anh Chuẩn, đến nay trên địa bàn xã Song Giang đã có hàng chục hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông. Để tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất, nhóm nuôi cá lồng ở xã Song Giang đã thành lập HTX kinh doanh tổng hợp Xuân Tùng với 15 thành viên tham gia nuôi 135 lồng cá.

“Ngoài nuôi cá là chủ yếu, HTX sẽ phát triển thêm các ngành nghề khác như trồng cây, chăn nuôi gia cầm… HTX đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, theo hướng nuôi gối, để chủ động nguồn vốn và hạn chế tác động của thị trường. Trong tương lai, HTX sẽ phát triển thêm một số thành viên, đồng thời sẽ làm thêm một số lồng cá để khai thác hết tiềm năng của địa phương” – anh Chuẩn cho biết.

Về đầu ra cho cá lồng, anh Chuẩn cho biết, cũng như các hộ cùng nghề, anh chưa bao giờ phải lo, vì nhu cầu được cung cấp cá của các khách sạn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh rất lớn. Năm nào đến đợt thu hoạch cá, gia đình anh và hàng chục hộ nuôi cá lồng ở Song Giang chỉ cần 1 cuộc điện thoại là có người đến tận bè thu mua ngay.

Theo anh Đào Xuân Chuẩn, tuy nuôi cá lồng có nhiều thuận lợi về thu nhập, thị trường tiêu thụ nhưng mô hình này lại cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Cụ thể: Chi phí mỗi lồng cá hết khoảng 25 triệu đồng làm khung sắt, sau đó cứ 2 năm lại phải thay lưới một lần hết khoảng 4 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nguồn giống cá hiện nay chủ yếu vẫn do thương lái cung cấp, nhất là giống cá diêu hồng, cá lăng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc nên có nhiều rủi ro. Ngoài ra việc nuôi cũng phụ thuộc vào chất lượng nước sông, nếu vào các mùa lũ, cá có thể bị nhiều bệnh...

“Đặc biệt, tiền thức ăn khá lớn, chiếm chủ yếu trong chi phí chăn nuôi. Đơn cử như gia đình tôi, hiện nuôi 20 lồng cá lăng, diêu hồng, bình quân mỗi ngày tiêu tốn hết vài chục triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Chính vì vậy, tuy nuôi cá lồng cho thu nhập cao nhưng nhiều hộ không có điều kiện đầu tư theo nghề này. May mắn, tháng 8.2018 vừa qua, tôi được Hội ND đầu tư cho vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND để đầu tư nuôi cá. Nhờ nuôi cá lồng, thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình đạt vài trăm triệu đồng/năm” – anh Chuẩn kể.

Giám sát vốn vay chặt chẽ

Bà Trần Thị Hoa – Chủ tịch Hội ND huyện Gia Bình cho biết, trước khi triển khai dự án, Hội đã cử cán bộ nhiều lần đi khảo sát thực tế các hộ nuôi cá lồng dọc sông Đuống chảy qua địa phận xã Song Giang để tìm hiểu kỹ về điều kiện, quy mô sản xuất. Trên cơ sở khảo sát, Hội ND duyệt các hộ đủ điều kiện tham gia rồi mới giải ngân.

“Sau khi giải ngân cho 5 hộ nuôi cá lồng ở Song Giang 500 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh (mức vay 100 triệu đồng/hộ, thời gian vay 24 tháng, phí vay 0,25%/tháng), chúng tôi luôn có cán bộ theo dõi quá trình sử dụng vốn. Trong trường hợp có hộ nào sử dụng vốn vay sai mục đích sẽ bị thu hồi lại. Tuy nhiên, tất cả các hộ vay vốn Quỹ HTND ở Song Giang đều đầu tư nuôi cá lồng hiệu quả” – bà Hoa chia sẻ.

Được biết, từ năm 2012 đến nay Hội ND huyện Gia Bình đã quản lý hơn 5 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư cho 367 lượt hội viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc cho vay phát triển sản xuất, các cấp Hội ND huyện Gia Bình còn chú trọng tư vấn, hướng dẫn hội viên, ND sử dụng vốn vay có hiệu quả. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem