Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thay đổi thế nào khi vươn ra thế giới?

Khải Phạm Thứ sáu, ngày 09/12/2022 06:05 AM (GMT+7)
Thay vì gia công, hoàn thiện sản phẩm cho các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã dần dần tự sản xuất phần mềm để có những sản phẩm bán ra thế giới.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) mới khai mạc tại Hà Nội và có 4 điểm cầu trên thế giới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số tham gia tham luận với những chủ đề như "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu", VFTE 2022 thu hút nhiều lãnh đạo Chính phủ cùng các Bộ, ngành, chuyên gia, đại diện tập đoàn, công ty. Các lãnh đạo, chuyên gia sẽ cùng thảo luận về chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong nước, tìm cơ hội cũng như hướng khai phá thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thay đổi thế nào khi vươn ra thế giới? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ảnh Khải Phạm.

FPT là một trong những doanh nghiệp công nghệ số đầu tiên và phát triển mạnh mẽ nhất từ khi internet phát triển ở Việt Nam. Tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT đã chia sẻ những khó khăn và thay đổi định hướng của FPT để có những thành công như hiện nay.

Ông Khoa cho biết, hơn 20 năm về trước, FPT chủ yếu gia công phần mềm cho đối tác thay vì sản xuất. Thời điểm đó, FPT là doanh nghiệp đầu tiên vươn ra thế giới, nhưng thời điểm đó không ai biết đến Việt Nam.

"FPT là doanh nghiệp công nghệ số phát triển theo định hướng quốc tế khi ra nước ngoài với điểm đến là Mỹ. Ở những năm 1999, thị trường Mỹ chưa biết đến các doanh nghiệp Việt Nam là ai, năng lực công nghệ của chúng ta như thế nào. Chính vì vậy, FPT đã thất bại trong lần đầu ra biển lớn”, ông Khoa kể lại.

Thời điểm đó, những con người đầu tiên của FPT mang hoài bão ra biển lớn, nhưng do công ty không đủ kinh phí để cho họ tiếp tục ước mơ xuất ngoại.

Thất bại, nhưng FPT không dừng lại tham vọng đó mà doanh nghiệp công nghệ số này đã chuyển hướng đến thị trường Nhật Bản.

"Khi FPT sang Nhật Bản, họ nói rằng ở đây chúng tôi không nói chuyện bằng tiếng Anh, nếu muốn hợp hãy nói tiếng Nhật. Đó là câu từ chối khéo của người Nhật Bản khi FPT xâm nhập thị trường này. Sau đó, các lãnh đạo của FPT đã phải đi học tiếng Nhật để có thể làm việc với những đối tác ở thị trường này", ông Khoa chia sẻ khó khăn.

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ông Khoa cho biết tập đoàn FPT vẫn không ngừng nỗ lực, dấn thân và có sự trợ giúp tại Nhật Bản để gặp gỡ với những doanh nghiệp hàng đầu, mang về những hợp đồng đầu tiên.

"Ngoài việc nỗ lực của doanh nghiệp, một điều quan trọng nữa là mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Nhật Bản ngày càng phát triển. Điều đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp công nghệ nói riêng xuất hiện tại thị trường này với vai trò, vị thế khác", ông Khoa nhấn mạnh.

Được biết, Nhật Bản hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT với khoảng 10.000 nhân sự làm tại các dự án cho khách hàng Nhật Bản. Trong đó, hơn 2.000 nhân sự với 16 quốc tịch làm việc trực tiếp tại các văn phòng của công ty ở Nhật Bản. Cùng với đó, 52% nhân sự trong số 2.000 người này là các chuyên gia về Consultant, Front PM, Front SE và các công nghệ Cloud, AI, Data, Solution Architech. 

Không ngừng nỗ lực và quan trọng nhất FPT đã thay đổi tư duy kinh doanh và chuyển đổi từ gia công sang làm những công việc chuyên sâu hơn về chuyên môn.

Kể từ đó, FPT đã nỗ lực chuyển dịch hàm lượng công nghệ từ việc gia công 99% các sản phẩm cho đối tác theo đơn đặt hàng chuyển sang các dịch vụ tư vấn và chuyên môn sâu hơn.

Cũng theo Chủ tịch FPT, 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp đã chuyển dịch sang làm tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án chuyển đổi số tầm cỡ, phát triển các giải pháp Make in Vietnam, Made by FPT may đo riêng phù hợp với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới khắp 5 châu. Những dịch vụ này có thể triển khai 24/7 tại 7 quốc gia trên toàn cầu".

Ở Châu Âu, FPT đang nghiên cứu các giải pháp để tối ưu quá trình chế tạo ra một chiếc xe hơi và quản lý, bảo trì các hệ thống điện gió.

Tại Việt Nam, FPT cũng đã có nhiều sản phẩm như hệ thống quản lý về thuế, hải quan, ngân hàng, kho bạc, mới đây nhất là hệ thống sàn giao dịch chứng khoán HOSE. Hệ thống e-Hospital của FPT cũng đang phục vụ 400 bệnh viện Việt Nam và hơn 10 bệnh viện ở nước ngoài.

Với việc thay đổi tư duy từ gia công, làm thuê, doanh nghiệp công nghệ Việt đã trực tiếp nghiên cứu, phát triển những sản phẩm công nghệ, phần mềm để bán ra thị trường thế giới giúp nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem