Doanh nghiệp da giày Bình Dương nhận toàn đơn hàng “khó nuốt”, cần hỗ trợ từ ngân hàng

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 04/10/2024 14:10 PM (GMT+7)
Dù có đơn hàng song nhiều doanh nghiệp Bình Dương vẫn gặp không ít khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Riêng các doanh nghiệp da giày Bình Dương, không dám tin tưởng vào những tín hiệu khả quan hơn trong năm 2025.
Bình luận 0

Doanh nghiệp Bình Dương đối diện nhiều khó khăn

Ngày 4/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước để lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc.

Bà Trương Thị Thúy Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh vừa qua của các thành viên rất khó khăn. Thực tế, là doanh nghiệp trong ngành vẫn có đơn hàng. Thế nhưng, đơn hàng nhỏ giọt, số lượng ít.

Việc này khiến năng suất lao động không cao, giá thành đội lên trong khi giá thị trường, mà nhất là giá thành từ các doanh nghiệp FDI thấp hơn.

Doanh nghiệp da giày Bình Dương nhận toàn đơn hàng “khó nuốt”, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp da giày của Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo bà Liên, doanh nghiệp da giày Bình Dương đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước Đông Nam Á khi có lợi thế về lao động giá rẻ, dễ thu hút doanh nghiệp FDI đến đầu tư.

Hầu như doanh nghiệp trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng chỉ thu hút được những đơn hàng "khó nuốt", yêu cầu trình độ kỹ thuật, tay nghề cao.

Cũng do đơn hàng nhỏ giọt, số lượng ít nên lợi nhuận doanh nghiệp da giày Bình Dương thu lại rất thấp.

Quý 3 vừa qua, tình hình kinh doanh khả quan hơn 2 quý đầu năm do xung đột nội bộ các nước châu Á, tạo ra chuyển dịch dòng vốn đầu tư tạm thời.

"Song quý 4/2024, sản xuất kinh doanh đang tiếp tục chậm lại. Ngành da dày Bình Dương không dám dự báo tín hiệu nào khả quan hơn trong năm 2025 sắp tới", bà Liên nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Da giày Bình Dương kiến nghị Ngân hàng nhà nước, các quỹ tín dụng hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ.

Doanh nghiệp Bình Dương cần hỗ trợ vốn từ ngân hàng

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cũng cho biết, mặc dù đã có đơn hàng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp còn tồn kho nhiều.

Vì thế, dòng tiền bị đóng băng. Doanh nghiệp không đủ tiền để trả các khoản vay đến hạn.

Doanh nghiệp da giày Bình Dương nhận toàn đơn hàng “khó nuốt”, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn - Ảnh 2.

Chế biến gỗ tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách cho các doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ để thêm thời gian thanh toán các khoản vay

"Doanh nghiệp mong được hỗ trợ duy trì dòng vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua thời kỳ khó khăn và cũng không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng", ông Liêm đề nghị.

Theo Sở Công Thương Bình Dương, 9 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, xuất khẩu có tín hiệu phục hồi tích cực. Các doanh nghiệp Bình Dương đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Nguồn lao động ổn định, không còn khan hiếm như các năm trước.

Doanh nghiệp da giày Bình Dương nhận toàn đơn hàng “khó nuốt”, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị các sở ngành nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, yêu cầu ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu netzero ngày càng tăng. Sản phẩm có hàm lượng carbon cao sẽ trở nên đắt đỏ và mất tính cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian đặt hàng của khách hàng ngắn hơn trước (60 ngày so với 90 ngày). Thế nên, các doanh nghiệp phải tăng ca thêm để đảm bảo hoàn thành các đơn hàng, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Sở Công Thương cũng cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp Bình Dương gặp nhiều khó khăn.

Hạn mức tín dụng bị giảm do tài sản đảm bảo bằng bất động sản giảm giá. Hầu như tất cả các ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo chứ không cho vay tín chấp theo dự án, hợp đồng sản xuất, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn các khoản vay cũ (năm 2022, 2023) vẫn còn cao, cao hơn rất nhiều so với các khoản vay mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem