Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty CP Quốc tế Dony (Công ty may mặc Dony) cho hay, với nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc, nếu cái khó của quý 1/2022 là vấn đề thiếu lao động thì vấn đề của quý 1 năm nay lại là thiếu đơn hàng.
"Năm ngoái, Dony nhận đơn hàng không xuể, thậm chí còn phải từ chối nhiều đối tác vì không đủ nhân công đáp ứng công việc. Tuy nhiên, quý 1 năm nay lượng đơn hàng mà Dony nhận chỉ bằng khoảng 40% so với năm trước", ông Quang Anh nói.
Ngoài thiếu đơn hàng, cái lo lắng với Dony thời điểm hiện nay là việc thu hồi công nợ với các đơn vị ngành xây dựng, bất động sản.
"Chúng tôi có một số đơn hàng nội địa liên quan đến may đồng phục cho các DN xây dựng, bất động sản… nhưng có nhiều công nợ từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa thu hồi được. Vì vậy, hiện một số đơn vị các ngành này tiếp tục đặt hàng nhưng Dony chưa dám nhận", ông Quang Anh chia sẻ.
Riêng vấn đề vay vốn, CEO Dony cho hay, hiện room tín dụng cho lĩnh vực may mặc nói chung, với Dony nói riêng đã cởi mở hơn. Tuy nhiên, việc lãi suất vay vẫn neo ở mức cao khiến các DN ngành may mặc e dè.
"Chúng tôi ráng cầm cự để duy trì sản xuất và duy trì đội ngũ lao động để chờ kinh tế phục hồi nên phải vay với lãi suất 12%. Nói thật, mức lãi vay này đã ăn hết vào lợi nhuận nên nếu sắp tới lãi suất không giảm mạnh thì dù kinh tế có phục hồi thì Dony nói riêng, ngành may mặc nói chung, chắc cũng không dám vay để đầu tư mở rộng sản xuất", CEO Dony Phạm Quang Anh bộc bạch.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM thừa nhận, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ ngành dệt may đang duy trì hoạt động 2 - 3 ngày/tuần để giữ chân lao động. Một số DN buộc phải đóng cửa vì không có đơn hàng.
"Ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu từ các thị trường Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ…Trong đó vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu", ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhận định.
Trong khi đó, theo thông tin của Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), trong quý 1/2023 hầu hết ngành nghề vẫn đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, riêng ngành dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 8% so với cùng kỳ. Nhiều DN đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực HUBA phân tích, khó khăn phổ biến mà DN dệt may đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều DN không được giải ngân, chuyển nợ xấu.
"Từ giữa năm 2022 đến nay các DN không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với DN ngành dệt may", ông Hưng nói.
Thêm vào đó, DN gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 1,5 - 2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi DN gần như cạn kiệt tài sản.
Thông qua các cuộc khảo sát của HUBA, có tới 41,2% số DN được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% DN cho rằng đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.
Số lượng DN trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số DN bị giảm sút cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, 41,2%.
"Các DN cho rằng, dù Nhà nước đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế, song trên thực tế việc thụ hưởng chưa nhiều, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn khi tỷ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%", Phó Chủ tịch thường trực HUBA Nguyễn Phước Hưng nhận định.
Ngành dệt may teo tóp đơn hàng, lao động rơi rụng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu của Việt Nam trong quý I/2023 ước đạt 8,213 tỷ USD, giảm 24,6% so với quý I/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may quý I/2023 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022 do ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu.
Bước sang tháng 4, tình trạng đơn hàng vẫn khó khăn. Cả 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của nước ta (điện thoại và linh kiện; giày dép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị; dụng cụ phụ tùng khác) đều ghi nhận mức sụt giảm 5,9 - 19,3% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may giảm mạnh nhất 19,3%, xuống còn 9,571 tỷ USD.
Không chỉ giảm đơn hàng, trong quý I vừa qua, tình trạng lao động ngành dệt may bị cắt giảm cũng tiếp diễn khá nghiêm trọng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 1, cả nước có gần 150.000 lao động mất việc, gần 300.000 người bị giãn việc. Trong đó, hơn 55% số lao động mất việc thuộc ngành dệt may.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.