Doanh nghiệp không “mặn mà” tăng lương

Thứ sáu, ngày 07/12/2012 12:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất của đợt tăng lương mới là các doanh nghiệp may mặc, giày da vì sử dụng nhiều lao động phổ thông. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp cũng không mấy để ý tới thông tin tăng lương.
Bình luận 0

Từ 1.2.2013, lương tối thiểu trong khối doanh nghiệp sẽ tăng thêm từ 250.000 tới 350.000 đồng. Đó là điểm nổi bật trong Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, HTX tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động mà Chính phủ vừa ban hành.

img
Ảnh minh họa

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể: Vùng 1 từ 2.000.000 đồng/tháng tăng lên 2.350.000 đồng/tháng; vùng 2 từ 1.780.000 đồng tăng/tháng lên 2.100.000 đồng/tháng; vùng 3 từ 1.550.000 đồng/tháng tăng lên 1.800.000 đồng/tháng, vùng 4 từ 1.400.000 đồng/tháng tăng lên 1.650.000 đồng/tháng.

Trong đó vùng 1 là lao động thuộc khu vực nội thành các TP trực thuộc T.Ư như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, vùng 4 là lao động thuộc các tỉnh vùng núi, vùng sâu, xa. So với mức tăng đề nghị của Bộ LĐTBXH thì mức tăng này thấp hơn (vùng 1 mức đề nghị ban đầu là tăng từ 2.000.000 lên 2.500.000 tới 2.700.000 đồng).

Theo đánh giá, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất của đợt tăng lương này là các doanh nghiệp may mặc, giày da vì sử dụng nhiều lao động phổ thông. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp cũng không mấy để ý tới thông tin tăng lương.

Anh Bùi Văn Nam- Chủ doanh nghiệp tư nhân may An Nam (quận 2, TP.HCM) cho biết, cơ sở anh có hơn 100 lao động, tính ra mỗi tháng phải chi thêm khoảng 35 triệu đồng. "Tuy nhiên, hiện tại lương công nhân ở đây đạt hơn 4 triệu đồng/tháng và là lương khoán. Tôi cũng đang tính toán lại xem khả năng cân đối lương, nếu làm ăn không có lãi thì để tăng lương tối thiếu, tôi buộc phải giảm lương khoán"- anh Nam nói.

Ông Trần Văn Đông - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, hiện một số doanh nghiệp tới tuyển sinh viên của trường đều đưa ra mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng (nghề hàn, tiện, cơ khí). "Với những lao động có nghề, lương cao hơn lương tối thiểu từ 7% trở lên.

Chính sách thì là như vậy nhưng doanh nghiệp tới tuyển thường đặt hẳn mức lương là thu nhập thực tế"- ông Đông cho biết. Theo Bộ LĐTBXH, lao động trong khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, làng nghề, doanh nghiệp FDI và lao động trong các HTX hiện có khoảng hơn 10 triệu người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem