Doanh nghiệp làm “bà đỡ” tiêu thụ trái cây, tăng tốc xuất khẩu

Trần Đáng Thứ tư, ngày 02/06/2021 14:30 PM (GMT+7)
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các nhà vườn đang bước vào vụ thu hoạch trái cây trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua trái cây của nông dân và tìm đường xuất khẩu.
Bình luận 0

Thu mua trái cây hỗ trợ nông dân

Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) Nguyễn Hoàng Cung cho biết, công ty của ông đang tăng tốc thu mua trái cây cho nông dân tại các vùng nguyên liệu. Hiện Đại Thuận Thiên liên kết với nông dân triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu trái cây với diện tích lên tới hàng ngàn ha.

Thời điểm này, ông Cung đang đẩy mạnh thu mua sầu riêng của nông dân để xuất khẩu. "Sầu riêng RI6 hiện có giá 50.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Nông dân trồng sầu riêng đang rất vui khi được mùa, được giá" - ông Cung thổ lộ.

Doanh nghiệp làm “bà đỡ” tiêu thụ trái cây - Ảnh 1.

Ông Cung (phải) đi thu mua sầu riêng cho nông dân. Ảnh: T.Đ

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), cả nước hiện có hơn 1 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Trong đó, xoài hơn 814.000tấn, thanh long hơn 1,240 triệu tấn, bưởi đạt hơn 779.000 tấn…

Ngoài sầu riêng, ông Cung còn thu mua các loại trái cây khác như bưởi da xanh, thanh long, xoài, nhãn… 

"Hiện, nhiều nông dân liên kết trồng cây ăn trái cho công ty. Họ đang khá yên tâm sản xuất. Chúng tôi luôn trong tâm thế không bỏ rơi những nông dân liên kết sản xuất với mình. Lúc nào chúng tôi cũng luôn thu mua hết lượng trái cây nông dân làm ra với giá cao hơn giá thị trường. Ngược lại, nông dân phải cố gắng làm trái cây đạt chuẩn xuất khẩu" - ông Cung bộc bạch.

Theo ông Cung, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Công ty Đại Thuận Thiên vẫn xuất trái cây đều đều.

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Anh Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Vina XO cho biết doanh nghiệp cũng đang tăng tốc thu mua trái cây để chế biến xuất khẩu. Nếu như ông Cung đang thu mua mạnh sầu riêng, thì ông Khoa lại tăng cường thu mua mít Thái siêu sớm. "Chúng tôi đang tập trung thu mua mít cho bà con tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long" - ông Khoa cho biết.

Hiện, giá mít Thái loại 1 công ty thu mua 5.000 – 6.000 đồng/kg. Mít dạt có giá khoảng 2.000 đồng/kg. Mỗi ngày, Công ty TNHH Vina XO mua vào khoảng 5 tấn mít Thái.

Ông Khoa cho biết thêm, dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng nhà máy của Công ty TNHH Vina XO vẫn hoạt động liên tục theo đơn đặt hàng của các đối tác ở các nước: Mỹ, Nga, Phần Lan, Belarus, Ukraine… Trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu khoảng 20 tấn sản phẩm trái cây chế biến ra nước ngoài.

Cũng theo ông Khoa, công ty đang ưu tiên thu mua các loại trái cây của nhà vườn bị ế ẩm do dội hàng. Việc thu mua trái cây nhằm "giải cứu" cho người trồng và công ty có đủ nguồn nguyên liệu chế biến.

Nông dân cần chuyển hướng sản xuất

Doanh nghiệp làm “bà đỡ” tiêu thụ trái cây - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Tâm (xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) thu hoạch mít Thái. Ảnh: Trần Đáng

Thời điểm này, các nhà vườn ở miền Tây Nam Bộ đang thu hoạch rộ mít. Anh Huỳnh Trung Chánh (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) trồng 1ha mít Thái siêu sớm, cho biết, đây là vụ thu hoạch mít Thái đầu tiên của anh. Ước tính, vụ mít này, anh Chánh thu hoạch 6 - 8 tấn mít. Tuy nhiên, việc giá mít trên thị trường đang rớt thảm hại khiến anh khá thất vọng.

"Hiện giá mít Thái loại 1 được thương lái mua tại vườn là 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để mít đạt giá này rất khó. Còn mít dạt giá chỉ 2.000 đồng/kg" - anh Chánh cho hay.

Ông Mai Nguyễn Nam Phương - chủ vựa trái cây ở xã Tân Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) thông tin, tình hình giá mít trên thị trường rớt thảm hại đang khiến nhiều nhà vườn thua lỗ nặng. Vựa của ông Phương thu mua của nông dân và bán lại cho Công ty XO. 

"Công ty XO đang đẩy mạnh tiêu thụ trái cây cho nông dân. Nếu nông dân không bán được trái cây đời sống sẽ rất khó khăn, nhất là khi dịch bệnh thế này" - ông Phương thổ lộ.

Ông Nguyễn Thế Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, Đồng Nai) nhận xét, trái mít có nhiều lợi thế hơn hẳn các mặt hàng trái cây tươi khác vì đã được đưa vào chế biến. Mít sấy hiện là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp. 

Tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm chế biến từ mít còn rất lớn, được cả thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến cần có nguồn nguyên liệu chất lượng tốt với giá ổn định. Nhà nước nên đưa cây trồng này vào quy hoạch để phát triển diện tích đúng với nhu cầu thị trường.

"Nông dân trồng mít nói riêng và trồng trái cây nói chung nên chuyển hướng sản xuất an toàn, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến để có đầu ra ổn định, bền vững" - ông Hưng chia sẻ.

Đồng quan điểm này, ông Cung chia sẻ, để nâng cao giá trị cho trái cây, không phải nông dân làm theo chuẩn nào mà làm theo quy trình nào để các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu chấp nhận. "Các nhà vườn cần phải trồng cây ăn trái theo quy trình để trái cây có cùng loại kích cỡ, đồng chất lượng, số lượng lớn. Được như vậy, cây ăn trái của Việt Nam mới rộng đường xuất khẩu" - ông Cung thổ lộ.

Theo ông Khoa, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, giá cả trái cây trong nước thời gian tới khá bất định, khó đoán. "Bản thân tôi cũng không đoán định được thời gian tới giá trái cây sẽ diễn tiến ra sao" - ông Khoa phân vân nói. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem