Doanh nghiệp liên kết cứu ngành tôm

Thứ sáu, ngày 20/07/2012 07:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước tình hình xuất khẩu khó khăn khiến giá tôm trong nước giảm tới mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cùng chia sẻ và giúp nông dân vượt qua khó khăn.
Bình luận 0

Trước tình hình xuất khẩu khó khăn do khủng hoảng kinh tế tại châu Âu và Mỹ, thị trường Nhật hạn chế nhập khẩu tôm Việt Nam (VN) do nhiễm kháng sinh, Ethoxyquin... khiến giá tôm trong nước đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cùng chia sẻ và giúp nông dân vượt qua khó khăn.

img
3 “đại gia” trong ngành thủy sản Grobest Industrial VN, Tập đoàn Minh Phú và National Fish (từ trái qua phải) cùng “bắt tay” nhau sản xuất tôm sạch để đẩy thị trường xuất khẩu đi lên.

Tìm cách loại bỏ Ethoxyquin

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngày 11.7, lô tôm nhập khẩu vào Nhật Bản của Công ty CP Chế biến Thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) tiếp tục bị phát hiện có dư lượng Ethoxyquin. Ngay lập tức phía Nhật Bản đã quyết định áp dụng kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ công ty này trong khi vẫn duy trì kiểm soát 30% lô tôm từ các doanh nghiệp khác của Việt Nam (VN).

Không ngồi chờ như các DN khác, ngay từ khi phía Nhật bắt đầu cảnh báo lô hàng thủy sản đầu tiên của VN nhiễm Ethoxyquin vào đầu năm 2012, Công ty Grobest Industrial VN đã tiến hành nghiên cứu tìm ra chất thay thế. Với lợi thế là tập đoàn hàng đầu khu vực về thức ăn thủy sản, có đầy đủ tài và lực, công ty đã cho ra đời được dòng sản phẩm “Thức ăn xanh- Grobest Green” có khả năng loại bỏ được chất chống mốc Ethoxyquin ra khỏi tôm thịt nếu nông dân dùng sản phẩm này trong 7 ngày cuối cùng của quá trình nuôi. Sản phẩm đã được Bộ NNPTNT Việt Nam chứng nhận và cho phép lưu hành rộng rãi trong tháng 7 vừa qua.

Nếu tiếp tục có DN bị kiểm 100% nữa thì có thể Nhật Bản sẽ tiến hành kiểm 100% đối với tất cả các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ VN, khi đó tôm VN sẽ khó có thể nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản. Hiện tất cả các DN VN đều chỉ biết trông chờ vào Bộ NNPTNT nhanh chóng làm việc lại với phía Nhật Bản nhằm điều chỉnh lại giới hạn cho phép đối với chất Ethoxyquin lên mức hợp lý hơn (từ 10 ppb lên 100 ppb), vì đây là chất thông dụng dùng để chống oxy hóa trong bột cá.

“Với sản phẩm này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp nông dân và các DN xuất khẩu vượt qua được rào cản Ethoxyquin để có thể đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Nhật. Có được thị trường mới hy vọng kéo giá tôm trong nước lên” – ông Mai Văn Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Grobest & I Mei Industrial Việt Nam chia sẻ.

Cùng chia sẻ, vượt qua khó khăn với nông dân

Cùng với thành quả đó, nhằm chia sẻ, đồng hành với nông dân vượt qua khó khăn, ngày 2.6 vừa qua, Công ty Grobest Industrial VN đã ra thông báo cam kết không tăng giá thức ăn tôm trong ít nhất 3 – 4 tháng nữa. Trong bối cảnh cùng thời điểm, khi mà một số DN khác đã tăng giá thức ăn lên 800 đồng/kg, thì nỗ lực không tăng giá của Grobest rất được nông dân hoan nghênh.

img
Tập đoàn Minh Phú đang thu mua tôm của các hộ dân ở vùng nuôi sử dụng thức ăn của Grobest ở ĐBSCL. Ảnh do Công ty Grobest cung cấp.

Đó là các giải pháp trước mắt, về lâu dài, các công ty đã bắt đầu ngồi lại với nhau để tìm cách vực dậy thị trường tôm trong nước. Cụ thể Grobest Industrial VN đã “bắt tay” liên kết với 2 đại gia khác trong ngành là Tập đoàn Minh Phú- nhà chế biến xuất khẩu tôm lớn nhất VN và Tập đoàn National Fish-nhà thu mua tôm lớn nhất ở Mỹ để thu mua tôm sạch cho bà con với giá cao.

Nhằm chia sẻ, đồng hành với nông dân vượt qua khó khăn, ngày 2.6 vừa qua, Công ty Grobest Industrial VN đã ra thông báo cam kết không tăng giá thức ăn tôm trong ít nhất 3 – 4 tháng nữa.

“Hiện nay, các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của VN trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản... ngày càng yêu cầu khắt khe đối với các sản phẩm tôm VN, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Để có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các nước trên thế giới, chúng tôi đã liên kết với nhau để cùng nông dân sản xuất ra tôm sạch, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, từng bước nâng cao giá trị xuất khẩu và thương hiệu cho con tôm VN” – ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho biết.

Theo đó, khi nông dân nuôi tôm có sử dụng thức ăn và nuôi theo công nghệ Grobest (có nhật ký nuôi dưới sự hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật Grobest) thì Tập đoàn Minh Phú sẽ thu mua với mức giá cao hơn thị trường từ 2.000 – 5.000 đồng/kg (tùy loại và size). Tập đoàn National Fish cũng sẽ đảm bảo thu mua các sản phẩm sạch này từ Tập đoàn Minh Phú.

Trong thời điểm nhiều DN chế biến xuất khẩu tôm cũng như người nuôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay (dịch bệnh chưa được khống chế, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh…) thì chính những sự liên kết này không những đảm bảo nguồn tôm sạch đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khó tính trên thế giới, giữ vững thị trường mà còn tiếp thêm niềm tin cho người nuôi tôm VN tiếp tục đầu tư sản xuất.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem