Doanh nghiệp không liên kết bền chặt với nông dân, HTX, nông sản Việt khó tiến xa

Trần Khánh Thứ tư, ngày 23/11/2022 06:02 AM (GMT+7)
Chất lượng nông sản không ổn định, không đảm bảo tiêu chuẩn luôn là nỗi lo với các thương nhân xuất khẩu. Nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX không bền chặt, nông sản Viêt Nam khó tiến xa bền vững.
Bình luận 0

Đây là nội dung được đề cập tại Diễn đàn "Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các HTX nông nghiệp" do Bộ NNPTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 22/11 tại TP.HCM.

Khâu yếu trong việc đảm bảo tiêu chuẩn nông sản

Ông Nguyễn Trung Đông – Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 (TP.HCM) cho biết, người tiêu dùng luôn có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường. Bởi thực tế hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, chưa khẳng định được chất lượng nông sản trên thị trường.

Với nông sản xuất khẩu, thị trường cũng ngày càng rộng mở. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc trong năm 2022 đã mở cửa cho 5 sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Nhưng đi kèm với đó là hàng loạt tiêu chuẩn cần đảm bảo để xuất khẩu ổn định.

Diễn đàn Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các HTX nông nghiệp do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 22/11, tại TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Diễn đàn "Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các HTX nông nghiệp" do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 22/11, tại TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Đông, phát triển HTX là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Cùng với doanh nghiệp, HTX là lực lượng nòng cốt để sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thế nhưng một vấn đề đặt ra nông dân trong nước ngày càng giỏi, các HTX nông nghiệp ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, kết quả sản xuất kinh doanh vẫn chưa như mong đợi.

Công ty TNHH XNK Vạn Xuân Phát là 1 trong 25 nhà đóng gói được cấp mã số đóng gói xuât khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Bà Hồ Đức Minh – Giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát kể lại quá trình đầy nhiêu khê của mình khi thu mua nông sản của nông dân.  

Theo bà Minh, tiêu chuẩn là căn cứ pháp lý cơ bản mà tất cả thương nhân phải học lại từ đầu nếu muốn xuất khẩu. Tiêu chuẩn gắn liền với giá trị. Nếu nông sản không đảm bảo tiêu chuẩn thì cũng đừng mong nhận lại giá trị nào.

Doanh nghiệp không liên kết bền chặc với nông dân, HTX, nông sản Viêt Nam khó tiến xa - Ảnh 3.

Nông dân trồng sầu riêng ở Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Bà Minh đánh giá, nông dân rất hiểu vai trò của họ trong chuỗi cung ứng. Nhưng nhiều nông dân lại không gắn liền được mong muốn đạt giá trị với việc đảm bảo tiêu chuẩn.

"Nhiều lô sầu riêng công ty thu mua về bị vướng một tý dư lượng cũng đành là loại bỏ, không thể xuất khẩu được", bà Minh kể.

Minh bạch và đồng thuận để đảm bảo tiêu chuẩn nông sản

Bà Ngô Tường Vy - Phó Tổng giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu cho biết, tình trạng chung hiện nay là đa số nông dân, HTX đều mạnh ai nấy làm, sản phẩm không đồng nhất.

Việc tuân thủ quy trình sản xuất, cũng như các điều khoản ký kết giữa HTX và doanh nghiệp rất dễ bị phá vỡ do tác động của thị trường.

Bà Vy kể, doanh nghiệp rất cần có nguồn nguyên liệu ổn định. Công ty Chánh Thu cũng đang tự đầu tư vùng nguyên liệu trái cây ở nhiều địa phương, trực tiếp tạo ra chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm với mức giá cố định trong thời gian dài.

Đầu tư như thế, doanh nghiệp phải tính toán chi li từng chi phí đầu vào cho sản xuất. Từ đó, công ty phân vai cho từng chủ thể, cũng như phân chia lợi nhuận phù hợp.

Trồng na dứa Đài Loan ở HTX Nông nghiệp Bình Dương, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Trồng na dứa Đài Loan ở HTX Nông nghiệp Bình Dương, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Điều quan trọng là tư duy liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX phải có sự đồng thuận cao và minh bạch. Khi khắc phục được những khó khăn, tính chủ động của HTX và người dân sẽ nâng lên, mối liên kết giữa doanh nghiệp và HTX, nông dân mới bền vững, bà Vy chia sẻ.

Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) An Thái ở xã An Thái, huyện Phú Giáo (Bình Dương) do Công ty CP Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư, với quy mô 411ha.

Ngoài mục tiêu cơ bản là ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, U&I còn có vai trò là trung tâm chuyển giao kỹ thuật, đưa ra sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP ra thị trường quốc tế.

Ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Công ty U&I cho biết, tiêu chuẩn hàng đầu là mục tiêu mà U&I đã đề ra ngay từ những ngày đầu mới hoạt động. Và hiệu quả lớn nhất mà Khu NNCNC An Thái làm được là tìm ra các mô hình hiệu quả trong việc trồng chuối, dưa lưới để chuyển giao và nhân rộng. 

U&I không trực tiếp cạnh tranh, mà khuyến khích các cá nhân, tập thể cùng hợp tác đầu tư, liên kết hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Ngay trên địa bàn huyện Phú Giáo đã có hàng ngàn hecta chuối và dưa lưới của các nông hộ, HTX đang liên kết cùng U&I. 

"Cách mà U&I đang làm là minh bạch toàn bộ chi phí. Doanh thu và lợi nhuận được phân chia đồng đều và minh bạch với nông dân, HTX", ông Liêm kể.

Sơ chế đóng gói chuối xuất khẩu ở Công ty U&I. Ảnh: Trần Khánh

Sơ chế đóng gói chuối xuất khẩu ở Công ty U&I. Ảnh: Trần Khánh

PGS. TS. Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết thực tế hiện nay, khoảng cách giữa nông dân, HTX với người dùng vẫn còn xa.

HTX giúp nông sản làm ra đảm bảo tiêu chuẩn, ổn định chất lượng tốt hơn hẳn cách thức sản xuất cá thể. Việt Nam có rất nhiều HTX, và cũng có rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp lại chưa bền chặt.

Ngành nông nghiệp đang hướng tới xây dựng những vùng sản xuất mà ở đó không còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Ở đó, mọi người cùng chịu trách nhiệm và được quản lý minh bạch.

"Chỉ khi mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp chặt chẽ hơn thì nông sản Viêt Nam mới tiến xa bền vững hơn", TS. Bùi Bá Bổng chia sẻ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem