Doanh nghiệp lo “khát” lao động sau dịch

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 21/08/2021 06:00 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm ngưng hoạt động do không thể đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”. Một lượng lớn lao động lớn vì thế về quê do không có việc làm khiến nguy cơ thiếu hụt lao động trong thời gian tới là rất lớn...
Bình luận 0

Theo thống kê nhanh của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, nhu cầu lao động được trở về quê ngày càng cao, hiện nay có hơn 50.000 người đăng ký với chính quyền để trở về địa phương. Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy nguy cơ "khát" lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông.

Doanh nghiệp lo “khát” lao động sau dịch - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH Công nghệ Môi trường WEPAR đang thao tác sản xuất nước đóng chai. Ảnh: WEPAR cung cấp

"Khát" lao động mùa dịch

Thời điểm này, Công ty TNHH Công nghệ Môi trường WEPAR (Q.Tân Phú, TP.HCM) chuyên cung ứng máy móc, thiết bị lọc nước để tạo ra nguồn nước sạch đang tăng tốc hoạt động ngay giữa mùa dịch, để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước uống cho người dân địa phương, các khu cách ly.

"Việc nhiều nhưng công ty không đủ nhân sự để tham gia sản xuất, lắp đặt. Nguyên nhân là một phần lao động trong khu vực bị cách ly, phong tỏa không ra được, một phần sợ lây bệnh khi đi làm nên bỏ việc", bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc công ty WEPAR, cho biết.

Cũng "hụt" nhân lực trong giai đoạn này, Công ty CP Ba Huân (TP.HCM) duy trì lực lượng lao động giảm 20 - 30% từ khi tổ chức mô hình "3 tại chỗ", vì thế, số công nhân đi làm phải tăng ca liên tục.

"Hiện tại, chúng tôi đang tổ chức sản xuất hết công suất và tăng ca. Tuy nhiên về lâu dài, rõ ràng việc thiếu lao động là áp lực vô cùng lớn. Trong khi ngành hàng của Ba Huân là thiết yếu, nhu cầu luôn có và tăng liên tục, do nơi này, nơi kia tạm đóng cửa nhà máy nên áp lực duy trì sản xuất lâu dài với lực lượng lao động giảm rất lớn", ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân, chia sẻ.

"Khát" nhân lực ngay thời điểm này và cả sau dịch Covid-19 đã được các hiệp hội ngành nghề dự báo. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt nguy cơ đứt gãy trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Toàn ngành hiện chỉ vận hành 10-15% công suất.

"Nhiều lao động từ các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… ồ ạt về quê tránh dịch. Nếu DN tái khởi động, thiếu nhân lực trở thành một thách thức lớn, dự kiến VITAS thiếu khoảng 40% lao động", ông Giang nói.

Doanh nghiệp lo “khát” lao động sau dịch - Ảnh 3.

Một doanh nghiệp lo bữa ăn cho các khu cách ly tập trung tại TP.HCM. (Ảnh: DNCC)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho hay, khảo sát cách đây khoảng 2 tuần của HAWA với khu vực Bình Dương, Long An, Đồng Nai..., các nhà máy duy trì sản xuất đạt 48%, khu vực TP.HCM thấp hơn nhiều. Tuy nhiên đến nay, tính chung số DN và cả lao động rơi rụng tiếp 10%.

"Nếu tạm hoãn đơn hàng với đối tác vì thiếu lao động, chắc chắn mất khách, vì họ có thể đặt hàng tương đương tại các thị trường lân cận ngay lập tức. Bên cạnh đó, tình trạng lao động rời TP và các tỉnh để về quê nhà lúc này là "báo động đỏ" cho việc thiếu hụt lao động phổ thông sau này của các nhà máy. Kéo theo đó, nguy cơ bị dịch chuyển các đơn hàng xuất khẩu khỏi khu vực miền Nam và TP.HCM vô cùng lớn", ông Phương cảnh báo.

"Níu" chân người lao động

Để "giữ chân" người lao động ngay sau dịch, theo chia sẻ của các DN, ngoài việc đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 thì chính sự quan tâm, lo lắng cho người lao động giai đoạn khó khăn này chính là giải pháp tốt nhất. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc công ty WEPAR, để nhân viên cùng đồng hành với công ty trong mùa dịch này, người đứng đầu DN phải luôn quan tâm, thăm hỏi sức khỏe của từng nhân viên, họ đang gặp khó khăn gì cần giúp đỡ thì phải có các giải pháp hỗ trợ kịp thời.

"Hiện, công ty trả một mức lương cơ bản trong thời gian không làm việc để san sẻ bớt một phần chi phí với nhân viên, những nhân viên có con nhỏ, có thai sẽ được phụ cấp một khoản chi phí nhỏ hàng tháng giúp họ có động lực vượt qua mùa dịch bệnh và bớt áp lực về kinh tế khi không đi làm. Mặc khác, công ty cũng tiến hành đăng kí danh sách 100% nhân viên được chích ngừa đầy đủ, trang bị khẩu trang, đồ bảo hộ ý tế kĩ càng cho nhân viên khi tham gia công tác lắp đặt máy lọc nước", bà Mãi nói.

"Từ nay đến cuối năm, thành phố cần gần 150.000 lao động. Các ngành kinh doanh thương mại, công nghệ thông tin, y tế, dệt may - da giày, chế biến lương thực - thực phẩm… là những ngành, lĩnh vực ít bị tác động bởi dịch bệnh và khả năng phục hồi mạnh mẽ nên nhu cầu lao động trong thời gian tới sẽ tăng", đại diện Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM (FALMI) cho biết.

Ông Lương Vạn Vinh - Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cũng cho biết, ngoài việc đảm bảo cho khoảng 60 nhân viên thực hiện "3 tại chỗ" ngày 3 bữa ăn, lương thưởng đầy đủ theo quy định… Hiện công ty vẫn đang duy trì tiền lương cơ bản cho khoảng 300 nhân viên thị trường đang phải nghỉ làm do giãn cách.

"Bình thường, các nhân viên thị trường phải quẹt thẻ mới tính lương được, nhưng hiện nay giãn cách xã hội toàn TP nên nhân viên không đi bán hàng, tiếp xúc khách hàng được. Dù vậy, DN vẫn ráng duy trì tiền lương cho họ để họ sống, nhưng giải pháp này chỉ được một vài tháng chứ lâu dài thì khó kham nổi", ông Vinh lo lắng.

Chăm lo cho lao động chỗ ở, tiếp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu lẫn tinh thần cho họ cũng là cách mà "vua bánh mì" Kao Siêu Lực đang triển khai. Theo đó, trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ" vừa qua, Công ty TNHH bánh kẹo Á Châu - ABC Bakery (quận 11,TP.HCM) xuất hiện ca mắc Covid-19 khiến nhà máy ngưng sản xuất.

Sau thời gian cách ly tập trung, DN này đã đón về được 20 nhân sự và bố trí cho họ ở những cơ sở lưu trú quanh nhà máy, tổ chức lực lượng chuyên biệt để phục vụ, tiếp ứng cho cuộc sống người lao động.

"Đây là việc mà DN cần làm nhằm giữ chân lao động để khi nhà máy trở lại hoạt động sẽ vận hành nhanh chóng. Trong giai đoạn này dù tốn thêm chi phí để bảo toàn nguồn nhân lực thì DN cũng phải chấp nhận. Điều quan trọng lúc này là tìm cách giữ nguồn lao động chất lượng, có tay nghề. Như vậy nếu DN khi được mở cửa sản xuất trở lại, có nhân công quen nghề vào làm ngay. Việc này tốt hơn phải tuyển mới, đào tạo lại mất thời gian mà chưa chắc hiệu quả", ông Kao Siêu Lực chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem