Doanh nghiệp ngành xây dựng chưa qua cơn bĩ cực

Quốc Hải Thứ năm, ngày 21/09/2023 15:55 PM (GMT+7)
Những chuyển biến trong lĩnh vực bất động sản 8 tháng đầu năm được đánh giá còn chậm, căn bản chưa tạo ra sự thay đổi cục diện chung. Ngành xây dựng vì thế vẫn chìm trong khó khăn và doanh nghiệp trong ngành vẫn đang ngụp lặn với hàng loạt vấn đề cũ.
Bình luận 0
Doanh nghiệp ngành xây dựng chưa qua cơn bĩ cực - Ảnh 1.

Các DN ngành xây dựng vẫn chưa qua khỏi cơn khó khăn bởi chi phí tài chính, nợ đọng. Ảnh: Quốc Hải

Gánh nặng lãi vay "bóp nghẹt" sự hồi sinh của ngành xây dựng

Ngành xây dựng vì thế vẫn chìm trong khó khăn và doanh nghiệp trong ngành vẫn đang ngụp lặn với hàng loạt vấn đề cũ là nhận định gây chú ý của Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) trong một báo cáo mới phát hành hồi đầu tháng 9/2023.

Theo KIS, đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2023 của 130 doanh nghiệp xây dựng niêm yết cổ phiếu trên cả 3 sàn Giao dịch Chứng khoán Việt Nam vẫn chưa hồi phục. Cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều giảm 3,4% /41,5% so với mức cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nguyên liệu đầu vào đắt đỏ đã đẩy biên lợi nhuận gộp của ngành xuống 12,3% (-2 điểm phần trăm) trong quý II/2023.

Tuy nhiên, so với quý trước, doanh thu của ngành đã tăng 49% và lợi nhuận sau thuế tăng 231%.

Về mức độ tăng trưởng doanh thu, dữ liệu từ KIS cho thấy, VCG (Vinaconex) đứng đầu cả về doanh thu, với 4.500 tỷ đồng và tăng trưởng 108%; HHV (Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả) đứng thứ hai với doanh thu 627 tỷ đồng và tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm trước; HBC (Tập đoàn Hòa Bình) có tăng tưởng doanh thu ở mức -45% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại là công ty tạo ra doanh thu lớn thứ ba với 2.300 tỷ đồng.

Theo KIS, giá thép và xi măng tăng cao gây áp lực lên giá vốn hàng bán, đặc biệt là đối với các nhà thầu xây dựng nhà cao tầng.

Mặc dù chi phí vật liệu ổn định trong quý II/2023, nhưng quá trình xây dựng kéo dài dẫn đến việc cần thời gian để lợi ích của nguyên vật liệu giá rẻ có thể hiện thị trên kết quả kinh doanh.

Doanh nghiệp ngành xây dựng chưa qua cơn bĩ cực - Ảnh 2.

Nguồn: KIS Việt Nam

Đặc biệt, dòng tiền thanh toán chủ dự án là thiết yếu cho hoạt động của các tổng thầu. Tuy nhiên, kể từ 2021, nhiều nhà thầu phải chịu rủi ro vỡ nợ từ phía chủ đầu tư. Trong quý II/2023, khoản phải thu của CTD (Coteccons) và HBC (Hòa Bình) tăng lần lượt lên 241/232 ngày, ngang bằng với mức cao trong quý II/2021. Chỉ có Khoản phải thu của VCG (Vinaconex) giảm xuống còn 73 ngày (so với 142 ngày trong quý II/2022).

Doanh nghiệp ngành xây dựng chưa qua cơn bĩ cực - Ảnh 3.

Ngoài ra, các khoản vay đắt cũng là góp phần khiến lợi nhuận của hàng loạt DN ngành xây dựng giảm sút. Chưa kể, gánh nặng nợ (EBT/EBIT) tiếp tục đi xuống, cho thấy chi phí lãi vay đã làm giảm lợi nhuận trước thuế của hàng loạt DN.

"Không chỉ chịu áp lực chi phí lãi vay tăng cao, tình trạng thiếu nguyên vật liệu có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Sự mất cân bằng cung-cầu của vật liệu đẩy giá cát, đá và chất phụ gia tăng cao, từ đó dẫn đến rủi ro giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà thầu xây dựng", báo cáo của KIS Việt Nam, nêu.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA), cho hay, việc nhiều dự án bất động sản bị đình trệ kéo dài thời gian qua do vướng mắc pháp lý khiến các doanh nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng cũng "đứng hình" theo.

"Dù đã lường trước khó khăn, nhưng khi thị trường bất động sản 'đóng băng' một thời gian dài đã kéo theo sự sụt giảm doanh thu, khiến không ít DN lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự…, thậm chí là tạm dừng hoạt động", ông Kỳ nói.

Doanh nghiệp ngành xây dựng chưa qua cơn bĩ cực - Ảnh 5.

Nguồn: KIS Việt Nam

Một chuyên viên tư vấn đều tư của Chứng khoán SSI thì nhận định với người viết, rằng ngành xây dựng hiện tại vẫn đang trông cậy chủ yếu vào hai nguồn, một là sự phục hồi của thị trường bất động sản và hai là việc giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công. Tất nhiên, cả hai nguồn này đều không dễ có trong một sớm một chiều.

"Trước khi chờ hỗ trợ từ bên ngoài, các DN cần có cơ chế tự cứu mình, đó là tìm ra các giải pháp giải quyết bài toán tài chính riêng cho mình. Chẳng hạn như thoái vốn, chuyển nhượng bớt dự án không quan trọng; linh hoạt trong thu hồi nợ bằng cách nhận lại các sản phẩm bất động sản của các chủ đầu tư dự án…", người này nói.

Doanh nghiệp ngành xây dựng chưa qua cơn bĩ cực - Ảnh 6.

Nguồn: KIS Việt Nam

Nhưng đã xuất hiện "ánh sáng le lói" nhờ đầu tư công

Dù hiện tại lãi vay và các chi phí liên quan đến vật liệu xây dựng đang là "gánh nặng" với nhiều DN ngành xây dựng, nhưng các công ty chứng khoán lại tiếp tục thể hiện quan điểm tích cực đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhóm ngành xây dựng hạ tầng trong những tháng cuối năm khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm, cùng với tích cực gỡ nút thắt nguyên vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, hiện Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang tiến hành lựa chọn nhà thầu xây dựng đường băng và nhà ga. Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội và 3 cao tốc trục Đông – Tây đã liên tục được khởi công trong tháng 6… là những thông tin tích cực cho ngành xây dựng sau nhiều tháng trời ảm đạm.

 "Với tiến độ giải ngân liên tục cải thiện thời gian, đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động", nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (Agriseco Research) nhận định.

Doanh nghiệp ngành xây dựng chưa qua cơn bĩ cực - Ảnh 8.

Nguồn: Mirae Asset Việt Nam

Còn theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, trong thời điểm này, nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công (gồm cổ phiếu ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, đá, sắt thép…) cũng được hưởng lợi vì hiện nay việc triển khai đầu tư công đang được Chính phủ triển khai quyết liệt.

"Hơn nữa, gói trúng thầu sân bay Long Thành cũng đã ngã ngũ nên sắp tới những DN liên quan đến xây dựng sân bay này sẽ được hưởng lợi, sẽ hút được dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư", ông Phương nói thêm.

Đến cuối tháng 8 năm 2023, ước tính giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam là 319.985 tỷ đồng, đạt 39,4% mục tiêu năm 2023. So với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 42,3% (8T22: 35,5%); trong đó, giải ngân trong nước đạt 292.187 tỷ đồng và giải ngân nước ngoài đạt 7.260 tỷ đồng, lần lượt đạt 40,1% và 25,9% kế hoạch.

Mặc dù việc hoàn thành kế hoạch tương đối chậm so với tiến độ nhưng con số tuyệt đối đã tăng trưởng lớn hơn đáng kể so với năm ngoái, từ 221.154 tỷ đồng lên 319.985 tỷ đồng (tăng 44,7% so với cùng kỳ).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem