Doanh nghiệp TP.HCM xoay xở ra sao để vượt qua khó khăn, tìm kiếm đơn hàng?
Doanh nghiệp TP.HCM xoay xở ra sao để vượt qua khó khăn, tìm kiếm đơn hàng?
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 24/08/2023 11:02 AM (GMT+7)
Những thách thức từ thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thích ứng và đổi mới mô hình sản xuất, để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào cho sự phục hồi và phát triển.
Ông Lê Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Xây dựng và Xuất nhập khẩu Thanh Việt (quận Gò Vấp) cho hay, doanh nghiệp ông hiện có hai xưởng sản xuất đồ nội thất (gỗ) ở Hà Nội và TP.HCM.
Thời gian qua, Thanh Việt đã thi công nhiều công trình ấn tượng như: Dự án VillaHouse Ecoriver tại Hải Dương, Văn phòng SaFo Logistics, Căn hộ chung cư Lucasta House phong cách Coastal và Art Deco, Biệt thự Éternel Villa phong cách Traditional, Biệt thự liền kề Miracle Villa phong cách tân cổ điển,…
"Những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua khiến công ty gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các đơn hàng sụt giảm. Mãi đầu tháng 7 này, chúng tôi mới bắt đầu nhận được các đơn hàng tăng dần nhưng nhìn chung tình hình vẫn đang rất khó khăn", ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, ngoài tình hình đơn hàng sụt giảm, khó khăn với Thanh Việt thời gian qua vẫn là một số vấn đề trong quản trị, marketing… vì vậy rất cần được sự hỗ trợ tư vấn từ các doanh nghiệp đầu ngành.
Tương tự, ông Hoàng Huy Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Nông nghiệp Sài Gòn Xanh (SAGOXA) cho biết, Công ty SAGOXA được thành lập sau một quá trình nghiên cứu về công nghệ trồng trọt tiên tiến, hiện đại đang được áp dụng trong nước và trên thế giới.
"Đội ngũ nhân sự của SAGOXA đa phần là những người có tâm huyết, sản phẩm của công ty luôn hướng vào phục vụ sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy chúng tôi đã áp dụng công nghệ tự động hóa hoàn toàn vào việc trồng rau thủy canh trong nhà kính, đảm bảo đáp ứng được 3 không: Không thuốc trừ sau, không thuốc tăng trưởng và không chất bảo quản. 4 sạch: Hạt giống sạch, thu hoạch sạch, đóng gói sạch và vận chuyển sạch", ông Cường cho biết.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho hay, để mở rộng quy mô cũng đang là vấn đề nan giải với SAGOXA khi phải tính toán đến các vấn đề như đầu ra sản phẩm, logistic, quản trị… Chính vì vậy, hiện SAGOXA cũng đang chờ sự hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp để cùng phát triển, phục vụ sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Trịnh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Thanh Hóa tại TP.HCM – phía Nam (HTBC), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí XD TM Đại Dũng, cho hay, kinh nghiệm của Đại Dũng là luôn xác định phát triển kinh tế phải đi đôi với việc phát triển bền vững, tập trung đào tạo ra những con người có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất tốt để hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Kiên trì thực hiện triết lý kinh doanh là sống có trách nhiệm với cộng đồng, với khách hàng, đặt quyền lợi khách hàng lên trước.
Đặc biệt, Đại Dũng không ngừng nâng cấp số hóa, tiếp cận nền khoa học kỹ thuật mới, sử dụng các phần mềm quản trị số.
"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần được trau dồi thêm kinh nghiệm về cách thức quản lý, tiếp cận thị trường cũng như cách tiếp cận các đối tượng khách hàng khác nhau… Đặc biệt, các doanh nghiệp phải có sự thích ứng và đổi mới mô hình sản xuất, để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào cho sự phục hồi và phát triển", ông Dũng nói.
Làm được hòa vốn đã lời
Cũng theo chia sẻ của ông Trịnh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch HUBA, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đại Dũng, gần 30 năm hình thành và phát triển, Đại Dũng đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kết cấu thép và cơ khí chế tạo ở Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á. Các sản phẩm, công trình do Đại Dũng thực hiện không chỉ sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, Đại Dũng có 4 cụm nhà máy sản xuất, tổng diện tích 50ha, năng lực sản xuất đạt 150 ngàn tấn kết cấu thép/năm.
Năm 2019, đánh dấu mốc son trong hành trình vươn ra thế giới của Đại Dũng khi trở thành công ty duy nhất của Việt Nam trúng thầu gói cung cấp thiết bị kết cấu thép trị giá 80 triệu USD cho hai sân vận động Lusail và Ras Abu phục vụ World Cup 2022 tại Qatar.
Năm 2022, doanh thu Đại Dũng đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2021, sản lượng thành phẩm đạt 60.000 tấn, tăng 22,2% so với năm 2021.
Với kinh nghiệm dày dặn của mình, Phó Chủ tịch HUBA thẳng thắn đánh giá rằng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế trong đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) do tâm lý e ngại rủi ro, thiếu sự dẫn dắt từ các doanh nghiệp lớn… Điều này khiến khả năng sáng tạo các giải pháp tiên tiến bị hạn chế, gây khó khăn trong quá trình cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Nói thẳng, trong bối cảnh hiện nay, nếu xác định được nếu làm hòa vốn thì vẫn nên làm, vì dù hòa vốn nhưng công ty vẫn không phải chi thêm tiền để nuôi bộ máy, chi hoạt động, chi cho các chi phí khác như điện, nước, thuế…", ông Dũng nói thêm.
Ông Trần Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.Thủ Đức, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Thanh Hóa tại TP.HCM – phía Nam (HTBC), Chủ tịch Công ty Nhà đất Nhân Mười, cũng chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, việc các doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về tìm kiếm đơn hàng, xúc tiến thương mại, xây dựng chiến lược tiếp thị… là rất quan trọng.
"Thời gian qua, thông qua Câu lạc bộ Doanh nhân Thanh Hóa tại TP.HCM, chúng tôi đã tổ chức các đợt tham quan các doanh nghiệp thành viên của câu lạc bộ là để tìm hiểu, lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối giao thương với nhau. Từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19", ông Mười nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.