Chuyển đổi số doanh nghiệp vận tải dùng lệnh vận chuyển điện tử như thế nào?

Thế Anh Thứ ba, ngày 09/08/2022 06:01 AM (GMT+7)
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 17 ngày 15/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đang khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó trong việc triển khai.
Bình luận 0

Áp dụng lệnh vận chuyển điện tử với xe khách

Điểm mới tại Thông tư sửa đổi lần này là doanh nghiệp vận tải, bến xe được phép sử dụng thêm lệnh vận chuyển điện tử.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang đặt ra câu hỏi: Quá trình xuất lệnh vận chuyển phát sinh lỗi, bất cấp khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kinh doanh và nếu doanh nghiệp vận tải vẫn sử dụng Lệnh vận chuyển giấy, thì việc cung cấp thông tin như thế nào?

Chuyển đổi số doanh nghiệp vận tải dùng lệnh vận chuyển điện tử như thế nào?  - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi lệnh vận chuyển điện tử. Ảnh: Thế Anh

Trước những quy định mới trong việc kinh doanh vận tải, đặc biệt là xuất lệnh vận chuyển điện tử, tại "Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách", ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Trên địa bàn TP.Hà Nội khi áp dụng lệnh vận chuyển điện tử với tuyến cố định có khoảng 50 đơn vị kinh doanh vận tải với trên 700 đầu phương tiện".

"Các đơn vị của địa phương khác đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là khoảng 300 đơn vị vận tải với 3.500 phương tiện", ông Tuyển nêu rõ.

Theo ông Tuyển, việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử với vận tải tuyến cố định là đúng đắn. Trong tất cả chủ chương và kế hoạch mà TP.Hà Nội đã xây dựng, tất cả đều có việc áp dụng công nghệ trong quản lý GTVT.

Vì vậy, khi thông tư của Bộ GTVT ban hành, Sở GTVT sẽ tham mưu để triển khai để Hà Nội vào trong tốp những địa phương có đơn vị, phương tiện vận tải sử dụng lệnh điện tử dẫn đầu. Việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử lúc đầu có thể khó khăn nhưng sau một thời gian, khi làm được, các đơn vị sẽ thấy đây là quyết định đúng để quy trình trở nên phải bài bản, có quy mô hơn, áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Chuyển đổi số doanh nghiệp vận tải dùng lệnh vận chuyển điện tử như thế nào?  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh: Báo GT

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Đến nay, đã có trên 500 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, bao gồm chuyển đổi số phục vụ quản trị doanh nghiệp; chuyển đổi số trong mối tương tác với cơ quan quản lý Nhà nước như thuế, Sở GTVT, các cơ quan thanh tra, kiểm tra; chuyển đổi số trong mối quan hệ với khách hàng gồm có chủ hàng, hành khách đi lại thông qua các hình thức bán vé, hợp đồng…

Hiện nay, nội dung chuyển đổi số đã được các đơn vị vận tải đón nhận. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị vẫn có thông tin khó khăn khi thực hiện trong mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, bến xe. Việc này không phải chỉ riêng doanh nghiệp vận tải có thể độc lập triển khai mà phải đồng bộ với việc triển khai ở các bến xe và đồng bộ trong triển khai tiếp nhận thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước mà các doanh nghiệp vận tải có tương tác.

Nếu có sự đồng bộ hoá, ý kiến chung của các doanh nghiệp đồng thuận với việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số toàn bộ các lĩnh vực như: Bán vé, kết nối với cơ quan thuế, bến xe trong đó có lệnh vận chuyển bến xe.

"Chúng tôi mong muốn quản lý Nhà nước có sự chỉ đạo thật đồng bộ trong việc triển khai này, để việc chuyển đổi số đi vào cuộc sống một cách toàn diện và nhanh chóng nhất", ông Quyền chia sẻ.

Khi nào áp dụng lệnh vận chuyển điện tử với xe khách?

Trước những thắc mắc của các doanh nghiệp vận tải về thời gian bắt buộc áp lệnh vận chuyển điện tử truyền tải thông tin về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: "Trong Thông tư 17 đã nêu rõ từ ngày 1/7/2022 là truyền dẫn dữ liệu về cơ quan quản lý".

"Chúng tôi đang hướng dẫn các doanh nghiệp có thể truyền dẫn dữ liệu. Quá trình xây dựng hệ thống vẫn còn có những phần liên quan đến đầu tư xây dựng, cần hoàn thiện", bà Hiền nêu rõ.

Chuyển đổi số doanh nghiệp vận tải dùng lệnh vận chuyển điện tử như thế nào?  - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp hoạt động tại bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Nước Ngầm

Theo bà Hiền, hiện nay còn có những quy định mở cho doanh nghiệp, vừa giấy và điện tử nên chưa quá khắt khe bắt buộc phải chuyển ngay.

Để tăng cường quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, các Sở GTVT có khả năng các đơn vị ứng dụng mạnh mẽ nhất, có bước tiến tốt trong công nghệ thông tin như Hà Nội thì có thể cố gắng ứng dụng 100%, dần dần bỏ hẳn lệnh giấy. Các địa phương có thể làm có lộ trình, theo năng lực doanh nghiệp, địa phương.

"Chính phủ số" là mục tiêu nhưng còn cần điều kiện về ''công dân số" nữa mới có thể hoàn thành công cuộc chuyển đổi số", bà Hiền đánh giá.

Giải đáp việc doanh nghiệp đã có phần mềm lệnh vận chuyển điện tử thì truyền dữ liệu về đâu?, bà Hiền cho rằng: Thực chất, Bộ GTVT hay Tổng cục Đường bộ Việt Nam không cần quản lý đến giấy vận chuyển nhưng đây là một phần dữ liệu đầu vào để tổ chức quản lý chặt chẽ từ doanh nghiệp vận tải nơi khởi đầu hành trình đến khi xuất bến.

Do đó, cần xây dựng hệ thống đồng bộ là để kết nối trên 63 địa phương, tạo sự đồng bộ, chúng tôi sẽ cung cấp địa chỉ để đơn vị truyền dẫn và khai thác. Trong Thông tư 17 có quy định mở là trong trường hợp chưa có hệ thống quản lý thì có khai thác dữ liệu từ đơn vị vận tải.

"Đây là nội dung chúng tôi đang chuẩn bị nhanh chóng", bà Hiện thông tin.

Theo bà Hiền, Thông tư 17 sửa đổi nhiều nội dung để tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong hoạt động vận tải, trong đó có quy định về Lệnh vận chuyển.

Điển hình là trước đây, doanh nghiệp lưu giữ cả xấp giấy tốn kém. Tôi có đi khảo sát ở một số doanh nghiệp vận tải, kết quả cho thấy cơ bản không có vướng mắc, chỉ có vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động vận tải lớn, tốn cả 10 - 20 triệu tiền photo tài liệu/năm.

Tần suất vận chuyển tăng dần, hằng ngày lái xe phải có lệnh vận chuyển. Lệnh này chứng minh cơ quan có liên quan, đặc biệt là bến xe đã kiểm tra quy định, cho phép xe xuất bến rồi.

Hiện doanh nghiệp đang dùng giấy, nhưng theo yêu cầu của chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, phần mềm quản lý bến xe đã được truyền dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nên chúng tôi đề xuất và theo yêu cầu của nhiều doanh nghiệp, chuyển sang lệnh vận chuyển điện tử.

Trước mắt, trong giai đoạn hiện tại vẫn để tồn tại song song cả lệnh vận chuyển điện tử và giấy, doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng 2 hình thức. Lệnh vận chuyển giấy để phục vụ những bến xe ở vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem