Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trả lời phỏng vấn PV NTNN.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.
Thưa ông, sau cuộc gặp của Thủ tướng với DN đã có những thay đổi nào đáng kể với cộng đồng này?- Cuộc gặp của Thủ tướng đã được cộng đồng DN rất hoan nghênh và đánh giá cao sau một thời gian khá lâu "vắng bóng". Kể từ đây, Thủ tướng sẽ thường xuyên gặp DN hơn, nhất là khối DN ngoài quốc doanh-một bộ phận DN được xem là khó khăn nhất hiện nay. Thủ tướng đã nhận lỗi, xin lỗi trước các DN và nhân dân về các thủ tục hành chính, thuế quan gây phiền hà cho DN, người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với đại diện các doanh nghiệp bên lề Hội nghị (ngày 28.4 tại Hà Nội).
Ngay sau cuộc gặp này Thủ tướng đã có ngay Chỉ thị yêu cầu các bộ ngành tập trung vào những vấn đề cốt yếu của DN hiện nay. Đó là việc giảm lãi suất ngân hàng, cải thiện điều kiện cho vay với DN. Yêu cầu Bộ Tài chính có những cam kết và hành động cụ thể về cải cách thủ tục thuế; giảm giấy phép, thủ tục, phí gây phiền hà...
Thủ tướng còn yêu cầu các bộ ngành phải công khai, minh bạch các thông tin trên website của mình, sẵn sàng cung cấp các thông tin, vướng mắc của DN... Tôi cho rằng đây chính là điều các DN đang rất mong đợi.
Ông đã đề nghị Chính phủ thực hiện phương châm khoan sức cho DN, tạo điều kiện cho DN có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt... Những điều này sẽ có tác động như thế nào với DN tới đây?- Hiện nay, 3 yếu tố tác động tiêu cực nhất tới sản xuất kinh doanh của DN là nhu cầu thị trường trong nước giảm, giá thành sản xuất tăng và khó tiếp cận vốn ngân hàng. Số DN phải giải thể hoặc dừng hoạt động vẫn liên tục tăng lên. Chỉ 2 năm trở lại đây, quy mô DN mới thành lập cũng có xu hướng nhỏ đi.
Cho đến thời điểm hiện tại, trong số hơn 500.000 DN đang hoạt động, các DN cỡ lớn chỉ chiếm 2% và cỡ vừa cũng chỉ chừng ấy phần trăm. Còn lại 95-96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, riêng DN siêu nhỏ đã chiếm 66-67% trong số này, nếu tính cả hộ kinh doanh cá thể thì tỷ lệ DN siêu nhỏ chiếm tới 99,9%. Điều này cho thấy, đội ngũ DN Việt Nam như "đội thuyền thúng" mà nếu chúng ta không tạo điều kiện, hỗ trợ, khoan sức cho họ thì DN Việt rất khó bơi ra biển lớn.
Rất mừng là Chính phủ đã thấy rõ điều này. Thông điệp của Thủ tướng và các nghị quyết của Chính phủ mới đây đã nêu yêu cầu "đột phá đổi mới thể chế, chính sách để mở đường và yểm trợ cho các doanh nhân trong nỗ lực chuyển mình để trụ vững và phát triển”.
Theo ông, phải làm gì để không còn tình trạng - như Thủ tướng nói - "quyết tâm cải cách ở trên thì hăng hái, nhưng càng xuống dưới càng giảm đi, tới nhân viên thì lại như không có gì"?- Có thể nói, niềm tin của cộng đồng DN đang được khơi dậy từ kết quả bước đầu ổn định kinh tế vĩ mô và động thái cải cách thể chế quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ. Để góp phần vào những nỗ lực này, chúng tôi đã gửi tới Chính phủ hơn 300 kiến nghị cụ thể của DN. Trong đó, đặc biệt là kiến nghị tạo lập một môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng giữa DN tư nhân, Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài mà nếu không có quyết tâm cải cách "ở dưới" thì không thể làm được.
Khoảng 1/3 DN dân doanh cho rằng, việc chính quyền tỉnh ưu ái cho DNNN do T.Ư quản lý là một trở ngại đối với hoạt động của họ. Khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy gần 1/3 DN cho rằng, cán bộ Nhà nước không thân thiện khi giải quyết thủ tục cho DN, mà những lĩnh vực "hóc" nhất lại là đất đai, thuế, bảo hiểm, xây dựng, bảo vệ môi trường, đăng ký đầu tư, đăng ký DN... Hay vấn đề tiếp cận vốn của DN, vẫn có tới 91% DN cho biết họ không thể vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp và 54% DN cho biết, lãi suất và điều kiện cho vay với DN dân doanh luôn khó khăn hơn so với DNNN.
Tôi cho rằng với hơn 90% DN nhỏ và siêu nhỏ hiện nay, đã đến lúc Chính phủ cần trình Quốc hội ban hành Luật DN nhỏ và vừa để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và qua đó có "thiết chế riêng" để vực dậy nhóm DN có quy mô nhỏ này.
Các DN cũng cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách xây dựng niềm tin chiến lược, lâu dài, rõ ràng, ổn định, minh bạch... Vậy lúc này, chúng ta cần làm như thế nào, thưa ông?- Tôi cho rằng, bên cạnh việc hạ lãi suất cho DN, các bộ ngành, địa phương ngân hàng cần tìm nhiều cơ chế khác để hỗ trợ DN. Ví dụ: Chính quyền địa phương có thể hỗ trợ thêm cho DN 2-3% lãi suất khi DN vay vốn. Hay DN khó khăn về nhà xưởng đất đai, chính quyền địa phương hỗ trợ để DN có thể hoạt động trở lại được.
Ngân hàng có thể phối hợp với các bộ ngành địa phương để xây dựng các quỹ hỗ trợ DN giúp tháo gỡ về vốn, lãi suất. Việc hạ lãi suất cũng phải ổn định, bền vững để tạo niềm tin cho người dân, DN và có như vậy, DN mới yên tâm kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện) (Mai Hương (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.