Doanh nghiệp Việt “tuyên chiến” với Grab, Uber

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 29/11/2017 18:00 PM (GMT+7)
Với việc tự thiết lập ra các hệ thống riêng và mới đây là thành lập một hệ thống đấu thầu vận chuyển, các doanh nghiệp Việt đã chính thức “tuyên chiến” với loại hình kinh doanh vận tải của Grab và Uber.
Bình luận 0

img

Doanh nghiệp Việt “tuyên chiến” với Grab, Uber (Ảnh: IT)

Nhiều hình thức “tuyên chiến”

Tại Hội thảo “Đấu thầu trực tuyến, giải pháp cho ngành vận tải thời đại công nghệ 4.0” diễn ra ngày 29.11 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cho biết, với sự chuyển biến tích cực của ngành vận tải trong thời gian qua, để đủ sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng “tuyên chiến” với loại hình mới của Grab, Uber.

TS. Trần Đình Thiên – Việt trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng,  thời kỳ công nghiệp 4.0 là thời kỳ của  kinh tế chia sẻ, phát minh rất lớn của thời đại cho phép kết nối các năng lực, thông qua hệ thống số, biết ở đâu có năng lực gì và huy động năng lực ấy. “Thời đại công nghệ sẽ khiến cho tốc độ phát triển không có giới hạn và điểm dừng, ai nắm bắt được tốc độ và sự kết nối sẽ thành công”, ông Thiên cho biết.

Trong thời đại công nghệ 4.0, người ta chứng kiến sự xuất hiện của loại hình vận tải mới là Grab, Uber và ngay lập tức nó đã làm thay đổi hẳn loại hình vận tải “kiểu cũ”. 

Ông Đặng Quốc Hữu, Công ty Cổ phần Viladata cho biết: “Trước đây, tôi đi công tác về tới bến xe Mỹ Đình đã là ban đêm, để về nhà chỉ còn quãng đường khoảng 3km, gọi taxi họ không nhận chở. Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện của Grab, Uber t quãng đường bao xa cũng phục vụ hết và phương thức kinh doanh này đã làm cho taxi truyền thống điêu đứng” ông Hữu cho biết.

img

 Theo ông Hữu, để “đối phó” với Grab, Uber cần phải làm thế nào? Đầu tiên là taxi truyền thống cũng giảm giá cước vận chuyển, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hay có những quảng cáo, khẩu hiệu sử dụng taxi truyền thống để ủng hộ người Việt Nam…Thậm chí, có hãng taxi còn khuyến cáo với lái xe nên bán bưởi trên xe taxi, kể cả treo khẩu hiệu kêu gọi tẩy chay Grab, Uber...nhưng sau đó cũng đã gỡ bỏ và hầu hết các giải pháp đều chỉ là nhằm mục đích cạnh tranh, giữ lại thị phần.

Đến nay, thậm chí mỗi doanh nghiệp còn đang xây dựng phần mềm riêng gần giống với Grab, Uber để kết nối với khách hàng. Một trong những doanh nghiệp taxi đã triển khai phải kể tới Vinasun, Mai Linh…

Việc tự vận động để tồn tại của các hãng taxi truyền thống là dấu hiệu tốt, vì có cạnh tranh mới có sự phát triển, nếu không sẽ bị đào thải khỏi “cuộc chơi”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng,  không thể bắt khách hàng cài đặt trên điện thoại của họ hàng loạt phần mềm khác nhau chỉ với mục đích là gọi xe taxi.

Do đó, một phần mềm được gọi là “đấu thầu” vận chuyển sau nhiều năm ấp ủ đã chính thức được ra đời, nhưng liệu có “tuyên chiến” được với 2 ông lớn của thế giới là Grab và Uber hay không?

img

Các hãng Taxi truyền thống cũng đang tự thiết lập hệ thống phần mềm riêng để kết nối với khách hàng (Ảnh; IT)

Tự tin cạnh tranh với các “ông lớn”

Ông Đỗ Khắc Hà – Giám đốc Công ty Cổ phần Viladata cho biết, hệ thống đấu thầu vận chuyển TransTender là ứng dụng kết nối cung cầu vận chuyển hàng hóa, chở khách, bốc dỡ hàng hóa theo hình thức đấu thầu trực tuyến. Do đó, nó cho phép khách hàng dễ dàng tìm được nhà vận chuyển phù hợp và được lựa chọn cước phí rẻ thông qua hình thức “đấu thầu”, các nhà vận chuyển buộc phải cạnh tranh đưa ra giá, phương tiện, tổ lái tối ưu nhất cho gói thầu.

TS. Phan Thanh Toàn – Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Đại học sự phạm Hà Nội cho rằng: "Transtender là sàn ứng dụng các công ty vận tải với người sử dụng là khách hàng nên có thể kết nối lại toàn bộ các doanh nghiệp vận tài tham gia vào sàn, kể cả Mai Linh, Vinasun… Nói về khả năng cạnh tranh của sàn đấu thầu Transtrender với Grab, Uber, và có thể là những “ông lớn” khác ra đời, ông Toàn cũng cho rằng “Nokia có truyền thống về công nghệ cũng chết, vấn đề là phải bắt kịp được theo đúng xu thế của thời đại với công nghệ mới nhất”. 

Mặt khác, Transtender giúp khách hàng có được thông tin đầy đủ về nhà vận chuyển, giúp khách hàng có thể xem các đánh giá, nhận xét của cộng đồng về năng lực, nhiệt tình của nhà vận chuyển đó. Còn đối với nhà vận chuyển sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm, chủ động tăng  thu nhập, doanh số khi được khách hàng sử dụng dịch vụ do đơn vị cung cấp. Đồng thời, thông qua Transtender, nhà vận chuyển có được một kênh tiếp thị trên thị trường rộng lớn hơn với nhu cầu đa dạng, sôi động hơn. Nhà vận chuyển dễ dàng tìm kiếm các gói thầu phù hợp tại một địa chỉ duy nhất thông qua hình thức dự thầu thuận tiện, nhanh chóng. “Một công ty vận chuyển xuống Hải Phòng sẽ có cơ hội nhận thầu lượt về thay vì đi xe không để giảm chi phí và tăng hiệu quả cho hoạt động kinh doanh”, ông Hà nói.

Theo TS. Phan Thanh Toàn – Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Đại học sự phạm Hà Nội: Uber và Grab ra đời đã làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Ở Mỹ cũng có một hệ thống quản lý vận tải để liên kết quả lý khách hàng trên rất nhiều nước trên thế giới.

“Ở Việt Nam, ngành GTVT là ngành quan trọng vì hầu như con người ai cũng liên quan tới lĩnh vực này nên doanh thu của ngành này cũng chiếm tỉ lệ lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực này của Việt Nam chi phí rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới chính là do giao thông chủ yếu đường bộ. Cơ sở hạ tầng yếu kém so với các quốc gia trong khu vực”, ông Toàn phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem