Trong thời gian gần đây, xu hướng thương mại điện tử, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt ở nhiều ngành nghề. Đây được coi là cơ hội cho các doanh nghiệp khi lượng người tiếp cận internet ngày càng gia tăng.
Mới đây, tại Hội thảo “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới”, các chuyên gia đều đồng nhất rằng trong bối cảnh dịch bệnh, thương mại điện tử là trợ lực không thể thiếu cho doanh nghiệp bứt phá, tìm đường ra biển lớn.
Quy mô thương mại điện tử đạt "đỉnh" vào năm 2025
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian vừa qua dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam là 18% vào năm 2020. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Một khảo sát được Bộ Công thương thực hiện với hơn 10.000 doanh nghiệp trong nước cũng cho thấy, trong 2 năm gần đây (2020, 2021), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ vững 17%/năm. Riêng năm 2021, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270 USD/người/năm.
“Những con số này cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung, nhưng thương mại điện tử vẫn là bức tranh lạc quan từ thực tế chúng ta nhìn thấy ở đỉnh dịch”, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định
Theo bà Hà, Covid-19 khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức. Thương mại điện tử không nằm ngoài sự tác động này. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội riêng cho những doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số.
Trong báo cáo mới nhất của một số sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam hiện nay, lượng người bán tăng đột biến khoảng 40% năm 2021 ở khu vực thành thị. Trong khi đó, người bán ngoài thành phố ghi nhận doanh nghiệp thực phẩm đồ uống, đồ ươi sống cũng tham gia sàn, điều không phổ biến trước đây.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực phi thành thị có khoảng 8.000 hộ nông dân tiếp cận, 15.000 mặt hàng nông sản được đưa lên sàn, tăng khoảng 91% so với cùng kỳ 2020.
Ngoài ra, những ngành đa dạng thu hút người dùng như hàng tiêu dùng, mỹ phẩm thời trang và các đồ ăn nhanh hay tươi sống. Với thương mại điện tử, người dân có thể thanh toán trực tuyến qua ví điện tử và tỷ lệ này ngày càng gia tăng.
Theo các chuyên gia thuộc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mức 57 tỷ vào năm 2025 với khoảng 61 triệu người dùng smartphone.
Muốn thành công, doanh nghiệp cần đương đầu thử thách
Hiện nay, quy mô thương mại điện tử ở Việt Nam là rất lớn, nhưng theo ông Mark Birnbaum - Đại diện Dự án IPSC cho biết, khoảng hơn 97% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân phải đối mặt với rất nhiều thách thức để nắm bắt cơ hội thương mại điện tử thành công.
“Những thách thức nổi bật nhất là kiến thức và kỹ năng của các doanh nghiệp hạn chế về mặt kiến thức và kỹ năng trong việc phát triển, sử dụng và quản trị trang web của công ty và các nền tảng thương mại điện tử, phát triển sản phẩm, quản lý dữ liệu, tiếp thị kỹ thuật số, hậu cần và thanh toán điện tử, thiếu vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin kinh doanh đầy đủ”, ông Mark nhận định.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, IPSC đã thiết kế sẵn 5 gói dịch vụ bao gồm: Thích ứng & Tăng trưởng, Mở rộng thị trường, Ứng dụng Kinh doanh Số, Nâng cao Năng lực Tài chính và Nâng tầm Giá trị Việt.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội Sàn thương mại điện tử Tiki lại cho rằng các doanh nghiệp khi làm việc trên sàn cần hiểu rõ 4 nội dung lớn: cơ chế riêng từng sàn; thị trường (ngách, mảng, đối thủ); chiến lược ngắn lẫn dài hạn; cuối cùng là cần đầu tư dài hạn.
“Tuy vậy, doanh nghiệp không cần quá lo lắng vì các sàn có kế hoạch phát triển, hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp. Chiến lược này cũng phù hợp doanh nghiệp phát triển sẵn trên sàn, giúp doanh nghiệp nhìn ra những thiếu sót để củng cố chiến lược”, bà Thư chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội khi xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh và không thể đảo ngược. Nếu bán lẻ toàn cầu giảm do Covid-19 thì bán lẻ qua thương mại điện tử lại tăng, rõ ràng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Toàn, Top 5 mặt hàng giúp thương mại điện tử toàn cầu phát triển mạnh mẽ gồm: Thời trang và phụ kiện, điện tử dân dụng, đồ chơi và sở thích cá nhân, nội thất và đồ gia dụng, thực phẩm và chăm sóc cá nhân.
Theo đại diện của Amazon, doanh nghiệp muốn thành công trên Amazon cần phải có định hướng chiến lược sản phẩm, định hướng khách hàng tiềm năng, đa dạng hình thức vận chuyển, phái có kế hoạch đầu tư quảng cáo, hoạch định kế hoạch kinh doanh trên Amazon và xây dựng thương hiệu.
“Trong đó, khâu xây dựng thương hiệu và hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu rất quan trọng trong xác định sự thành bại ngay từ đầu của doanh nghiệp khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế”, ông Toàn lưu ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.