Doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng vì giá cước vận tải tăng sốc
Doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng vì giá cước vận tải tăng sốc
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 30/11/2021 10:58 AM (GMT+7)
Giá cước vận tải tăng phi mã, thiếu tàu vận chuyển, thiếu kho bãi lưu hàng… đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điêu đứng trước các đơn hàng cuối năm.
Sau thời gian dài phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai tháng qua, các DN xuất khẩu đã và đang nỗ lực khôi phục sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các DN đang đối mặt là giá cước vận tải vừa tăng cao vừa khó đặt chỗ, ảnh hưởng đến các kế hoạch xuất khẩu cuối năm.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP.HCM), cho biết, giá cước vận tải đang tăng chóng mặt khiến DN đau đầu với các đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Theo ông Tùng, cước vận chuyển container đi Mỹ hiện là 10.000 USD/container (40 feet) đi cảng bờ Tây và 16.000 USD/container đến cảng bờ Đông. Mức giá này tăng gấp 5 - 10 lần so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Điều đáng lo ngại hơn, theo ông Tùng, không chỉ giá cước vận tải tăng mà DN còn gặp tình trạng… kẹt cảng.
Nếu như bình thường để một lô trái cây đến Mỹ chỉ mất 3 tuần, thì nay cần thêm từ 3-4 tuần nữa để xuống hàng đưa về kho.
Do đó, nhiều loại trái cây như xoài, thanh long, DN này phải tạm ngừng đưa vào thị trường Mỹ vì không thể để chờ đợi trong thời gian quá dài. Hiện Vina T&T chỉ có thể đưa sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, thanh long vào Mỹ với sản lượng mỗi tháng khoảng 20 container đi bằng đường biển và khoảng 20 tấn bằng đường hàng không.
"Cước vận tải tăng phi mã, đặc biệt là đường hàng không. Cước tăng, đơn vị nhập khẩu phải chịu; nhưng tăng cao quá, đối tác sẽ tìm kiếm những thị trường khác để có giá rẻ hơn. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của DN trong nước cũng như nông sản xuất khẩu của nông dân" – ông Tùng nhìn nhận.
Tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh
Công ty Phúc Sinh mỗi tháng đều xuất khẩu khoảng 400 – 500 container sang các nước cũng đang "kêu trời" khi mức giá cước vận tải hiện tại đã tăng từ 10 - 12 lần so với thời điểm cách đây 2 năm.
Theo tính toán của Phúc Sinh, với giá cước hiện tại là 15.000 USD/container vận chuyển đi EU, mỗi tháng DN xuất khẩu khoảng 500 container, sẽ bị bội chi đến… 5 triệu USD so với dự toán ban đầu.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh cho hay: "Sau dịch, mặc dù công ty đã khôi phục sản xuất nhưng đơn hàng giảm tới 40%. Vì vậy, giá cước xuất khẩu tăng cao khiến cho DN rất lo lắng vì sẽ mất sức cạnh tranh".
Hàng loạt DN xuất khẩu khác tại TP.HCM cũng đang "than trời" vì chi phí logistics tăng cao đã tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường thế giới và đẩy các DN đứng trước tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, đình trệ sản xuất… Đặc biệt, với các DN xuất khẩu nông – thủy sản, dịp cuối năm là lúc các DN đẩy mạnh các đơn hàng cho mùa lễ, tết…
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, từ tháng 10/2021 đến nay, khi TP.HCM mở cửa kinh tế thì cũng là lúc các hãng tàu CMC, Yang Ming , OOCL, Wan Hai, Mearsk Line, Cosco, ZIM đã tăng thêm từ 2.000-5.000 USD/container 40feet, cho các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu, Australia, Nga.
Với mức tăng như trên, hiện giá đi Mỹ đã chạm mốc 20.000 USD/container 40feet; cước của một container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng lên mức 15.000 USD/container 40feet. Đối với container lạnh cũng đã tăng gần gấp đôi, lên 13.000-14.000 USD/container 40feet…
"Hiện có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, vận chuyển khoảng 88% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi quốc tế. Đáng chú ý, 100% lượng hàng đóng bằng container đều do tàu nước ngoài vận chuyển.
Như vậy, việc quyết định giá cước vận tải nằm ở tay các hãng nước ngoài, DN xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn bị động…" - đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.