Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu không có chức năng kinh doanh dược vẫn bị Hải quan xếp vào "luồng vàng"
Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu không có chức năng kinh doanh dược vẫn bị Hải quan xếp vào "luồng vàng"
Khánh Nguyên
Thứ sáu, ngày 23/07/2021 13:24 PM (GMT+7)
Việc mở tờ khai xuất khẩu hồ tiêu của nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Hải quan đưa vào ‘luồng vàng’ vì vẫn được coi là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.
Ngày 22/7/2021, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Việt Nam để gỡ khó cho xuất khẩu hồ tiêu sau khi mặt hàng này bị xếp vào "luồng vàng" và được coi là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.
Hải quan coi hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện, 60% tờ khai xuất khẩu hồ tiêu bị xếp vào "luồng vàng"
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp về việc khi mở tờ khai xuất khẩu hồ tiêu thì tỷ lệ tờ khai "luồng vàng" chiếm trên 60%, cá biệt có doanh nghiệp khai "luồng vàng" trên 95%. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Trước thực tế này, ngày 15/7/2021, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã có văn bản phản ánh tới Tổng cục Hải quan Việt Nam, ngày 21/7/2021, Cục Quản lý rủi ro thuộc Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có văn bản trả lời về vấn đề này.
Cụ thể, theo Công văn số 173/QLRR-P3 của Cục Quản lý rủi ro, mặt hàng hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu nằm trong danh mục dược liệu có điều kiện theo pháp luật quản lý chuyên ngành nên cơ quan hải quản phải phân luồng kiểm tra.
Theo Tổng cục Hải quan, Điều 92 Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược quy định: Cơ sở kinh doanh khi thông quan xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc ngoài các giấy tờ phải nộp, xuất trình theo quy định phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực và nộp bản sao có đóng dấu xác nhận của cơ quan xuất khẩu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sơ xuất khẩu đối với trường hợp cơ sở xuất khẩu là cơ sở kinh doanh dược.
Tại Điều 5 Thông tư 03/2016/TT-BYT ngày 21/1/2016 của Bộ Y tế quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu như sau: Cơ sở Việt Nam xuất khẩu dược liệu phải đủ điều kiện đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu.
Trong khi đó, Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định mặt hàng hồ tiêu thuộc Danh mục dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngày 4/3/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BYT loại bỏ một số mặt hàng thuộc Phụ lục 1 Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018, trong đó có mặt hàng hồ tiêu. Nhưng Thông tư 03 cũng quy định: Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược.
Tổng cục Hải quan cho rằng, từ những quy định nêu trên, mặt hàng hồ tiêu hiện đang nằm trong danh mục mặt hàng xuất khẩu có điều kiện, cơ quan Hải quan phải thực hiện phân luồng kiểm tra theo văn bản quản lý chuyên ngành.
"Trường hợp xác định doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu là dược liệu không dùng cho mục đích làm thuốc theo Điều 2 Thông tư số 03/2016/TT-BYT của Bộ Y tế thì cơ quan Hải quan thực hiện thông quan trên hệ thống, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp" - văn bản của Tổng cục Hải quan khẳng định.
Chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu hồ tiêu làm dược liệu
Trước những khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đang gặp phải, ngày 22/7/2021, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc này.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT ngày 25/12/2018 ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, trong đó hồ tiêu là 1 trong 13 mặt hàng chủ lực có trong danh sách.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2020 Việt Nam xuất khẩu 285.000 tấn hồ tiêu đến hơn 110 quốc gia trên toàn thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 660 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 154.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 497 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 7,5% tuy nhiên kim ngạch tăng 39,8%.
Hiện, tỉ lệ mặt hàng hồ tiêu đen (mã HS 0904.11.20) xuất khẩu chiếm 80% trên tổng số lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại bao gồm: Tiêu đen xay, tiêu trắng, tiêu trắng xay, tiêu ngâm giấm,….), được các doanh nghiệp xuất khẩu theo dạng tiêu hạt.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, mặt hàng hồ tiêu đen xuất khẩu hiện nay là một loại hàng hóa nông sản xuất khẩu thông thường, chủ yếu được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm tại thị trường nhập khẩu.
"Mặc dù hồ tiêu được sử dụng như dược liệu nhưng các thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng dược liệu trong khi từ trước tới nay vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được. Hồ tiêu đen được dùng làm dược liệu hiện tại chỉ sử dụng ở trong Việt Nam qua các bài thuốc y học cổ truyền và chiếm tỉ lệ cực kỳ nhỏ" - Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh,
Cũng theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam không có chức năng kinh doanh dược mà chỉ đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản.
Từ những thông tin trên, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị Bộ Y tế xem xét bỏ mặt hàng hồ tiêu đen (mã HS 0904.11.20) ra khỏi danh mục xuất khẩu có điều kiện và không thuộc đối tượng quản lý rủi ro trong việc phân luồng kiểm tra của Hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu.
Trong trường hợp yêu cầu của doanh nghiệp không được xem xét, Hiệp hội đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể thủ tục chứng từ trong việc xác nhận hồ tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp không nhằm mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc để doanh nghiệp nộp về cơ quan Hải quan như được hướng dẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.