Doanh số Sao Ta cao kỷ lục trong 9 tháng, thực hiện được 89% mục tiêu
Doanh số Sao Ta cao kỷ lục trong 9 tháng, thực hiện được 89% mục tiêu
Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 05/10/2024 05:54 AM (GMT+7)
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 9 với 30,16 triệu USD, tăng gần 49% so cùng kỳ. Sau 9 tháng, Sao Ta đã thực hiện được 89% mục tiêu doanh số năm.
Sao Ta đạt doanh số 4.510 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 9 với 30,16 triệu USD, tăng gần 49% so cùng kỳ.
Tính riêng tháng 9, sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta đạt 2.309 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tiêu thụ tôm thành phẩm 2.638 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông sản thành phẩm 77 tấn, giảm 10% so cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm giảm 2% xuống 126 tấn.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt gần 187 triệu USD, tương đương 4.510 tỷ đồng (tính theo tỷ giá tại Ngân hàng Nhà nước ngày 3/10 là 1 USD bằng 24.115 đồng).
Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh số tiêu thụ 210 triệu USD. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 89% mục tiêu đặt ra.
Tính đến tháng 9, các trại nuôi của Sao Ta đang cải tạo ao, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất có thể để phục vụ cho đợt thả giống mới.
Trước đó, trong tháng 7/2024, Thực phẩm Sao Ta cũng ghi nhận doanh số đạt 31,25 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.713 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ; và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 147 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ.
Trong tháng 8/2024, Thực phẩm Sao Ta tiếp tục ghi nhận tổng doanh số đạt 30,38 triệu USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.726 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ; và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 116 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 3 tháng của quý III/2024, Thực phẩm Sao Ta cùng ghi nhận doanh số tăng trưởng, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng cao dần từ năm 8 đến tháng 9/2024.
Xuất khẩu tôm của Sao Ta sẽ tiếp tục cải thiện cuối năm
Với Thực phẩm Sao Ta, Chứng khoán Rồng Việt nhận định mặc dù thị trường chính của của Công ty là Nhật Bản (chiếm 34% tổng giá trị xuất khẩu) có tín hiệu chậm lại, nhưng sự tăng trưởng tại thị trường Mỹ và Anh (chiếm tổng 40% doanh thu của Thực phẩm Sao Ta) sẽ giúp tổng sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp được cải thiện trong những tháng cuối năm 2024.
Được biết, Thực phẩm Sao Ta có 3 cổ đông lớn gồm CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN) sở hữu 37,75% vốn điều lệ; CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam sở hữu 24,9% vốn điều lệ; CTCP Xuất nhập Khẩu Thủy sản Bến Tre sở hữu 12,37% vốn điều lệ; và còn lại 24,98% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Một điểm đáng lưu ý về nhân sự, trước đó, ngày 14/6, Thực phẩm Sao Ta thực hiện miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Adisak Tosakul và bầu thay thế ông Boonlap Watcharawanitchakul.
Ông Boonlap Watcharawanitchakul (sinh năm 1972, quốc tịch Thái Lan) đang là Phó tổng giám đốc phụ trách ngành kinh doanh thuỷ sản của CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Trong khi đó, ông Adisak Tosakul đã được bầu vào thành viên HĐQT độc lập tại Thực phẩm Sao Ta từ ngày 15/4/2022 tới nay. Ông Adisak Tosakul cũng là đại diện của CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: “Phía trước, những tháng cuối năm 2024, tổng quan là giai đoạn dễ thở hơn, là lúc nhu cầu thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, Thực phẩm Sao Ta không chủ quan, bởi biết diễn biến tình hình là vô chừng bởi những biến số tác động cho cả cầu lẫn cung".
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng qua, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023. Nhìn chung năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tái lập quỹ đạo tăng trưởng, tăng tốc mạnh mẽ trong nửa cuối năm và đạt đỉnh vào quý III.
Cụ thể, theo VASEP, xuất khẩu thủy sản trong quý III năm nay đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc, trong đó cá tra tăng 13,5%, tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56% và nhuyễn thể có vỏ tăng đến 95%.
Tôm tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2023. Tuy giá tôm đông lạnh vẫn chưa hồi phục rõ rệt và cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ, nhưng tôm chế biến của Việt Nam vẫn giữ vị thế vững chắc trên thị trường. Đến cuối tháng 9, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng gần 10%, trong khi tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ 4,5%, đạt gần 2 tỷ USD, và tôm sú đạt 334 triệu USD.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi chia sẻ với cổ đông về vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) ngành tôm từ thị trường Hoa Kỳ, ban lãnh đạo Sao Ta đánh giá đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ. Do đó, “trước mắt công ty sẽ tập trung bán vào Hoa Kỳ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt".
Theo lãnh đạo Sao Ta, mức CVD của Hoa Kỳ đối với tôm Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác, tuy nhiên đây mức là mức công bố sơ bộ, mức thuế cuối cùng dự kiến chốt trong thời gian ngắn tới. Nếu mức thuế CVD cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đây là lợi thế cho tôm Việt.
Đối tượng đánh thuế chống trợ cấp cũng tương tự như hoạt động chống bán phá giá, trong đó tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế.
Theo lịch trình, 19/10/2024, DOC dự kiến công bố mức thuế CVD cuối cùng và trước 3/12/2024 Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ có kết luận là vụ kiện này sẽ kết thúc hay còn diễn tiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.